45 năm trước, có một chương trình phát thanh lịch sử

29/04/2020 19:55 | 3 năm trước

Đó là chương trình phát thanh trưa ngày 30/4/1975 khi Đài phát thanh Sài Gòn phát lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh và tiếng nói của đại diện chính quyền cách mạng chấp nhận sự đầu hàng đó. 

Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái (người cầm tập tài liệu) cùng cán bộ quân giải phóng tại nơi  Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh chuẩn bị đọc lời tuyên bố đầu hàng. Ảnh: TTXVN

Một trong những nhân chứng chứng kiến, tham gia sự kiện lịch sử đó là kiến trúc sư, cựu Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn Nguyễn Hữu Thái - trong vai trò người dẫn chương trình, tham gia tổ chức, điều hành chương trình phát thanh đặc biệt ấy...

Ông Thái cho biết sáng 30/4/1975, ông cùng với một số trí thức chuẩn bị lực lượng để chiếm Đài phát thanh Sài Gòn. Khi quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập, ông và những người có mặt tại đây đã giúp trung úy Bùi Quang Thận cắm cờ giải phóng lên nóc dinh.

Sau đó, ông cùng Phó Chính ủy Lữ đoàn 203 Bùi Văn Tùng, Trung đoàn phó Trung đoàn 66 Phạm Xuân Thệ đưa giới lãnh đạo chính quyền Sài Gòn gồm Tổng thống Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu ra đài phát thanh.

Lúc này, quân giải phóng và anh em sinh viên đã chiếm giữ Đài phát thanh Sài Gòn nhưng không ai vận hành được máy móc. Sau mấy phút tìm kiếm, Nguyễn Hữu Thái tìm được Trần Văn Bảng, là kĩ thuật viên phát thanh và lập tức yêu cầu anh này cho đài hoạt động ngay.

Ông Thái mượn nhà báo Đức Borries Gallasch chiếc máy cassette để thu lời đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh và lời chấp nhận sự đầu hàng ấy của chính quyền cách mạng do Phó Chính ủy Bùi Văn Tùng viết.

Chương trình phát thanh mở đầu bằng lời dẫn của kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái: “Chúng tôi là những người đại diện cho Ủy ban Nhân dân cách mạng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định. Chúng tôi tới dinh Độc lập trước 12h và đã cùng anh em Quân giải phóng cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập. Chúng tôi là Giáo sư Huỳnh Văn Tòng và cựu Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn, kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái. Giờ đây cuộc sống bình thường đã trở lại Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố mà Bác Hồ từng mong đợi, nay đã được giải phóng... Sau đây chúng tôi xin giới thiệu lời đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh và lời chấp nhận sự đầu hàng này của đại diện Quân Giải phóng”.

Sau đó, ông và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng các sinh viên hát vang bài “Nối vòng tay lớn”.

Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái quê ở Huế. Những năm tháng học ở Sài Gòn, ông tham gia phong trào sinh viên cùng nhiều trí thức trẻ yêu nước.

Năm 1963-1964, ông là Chủ tịch đầu tiên của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, công tác trong ngành kiến trúc, làm công tác tư vấn đầu tư xây dựng, quy hoạch đô thị, nghiên cứu văn hóa, viết sách báo và giảng dạy đại học.

Ông tâm sự: “Được sống, làm việc và cống hiến công sức, trí tuệ tại thành phố mang tên Bác, có nhiều kỷ niệm thời trai trẻ là niềm hạnh phúc lớn của tôi...”.

CHI PHAN/VGP

/nu-y-ta-hai-quan-my-rai-truyen-don-chong-chien-tranh-viet-nam.html