54.000 m2, 2.300 tỉ, và 10 năm lãng phí của một bảo tàng

19/05/2020 04:32 | 3 năm trước

54.000 m2 đất, 2.300 tỉ, và suốt 10 năm nay thậm chí chưa hoàn thành trưng bày để có thể đón khách. Chúng ta đang nói về bảo tàng Hà Nội, tòa tháp lộn - như cách gọi của người dân. Một biểu tượng đớn đau về sự lãng phí.

Bảo tàng ngàn tỉ, 10 năm chưa hoàn thành, vắng như chùa bà Đanh, một biểu tượng cực điểm về sự lãng phí.

Năm 2015, một tờ báo bỏ nguyên một buổi sáng ngồi đếm khách tham quan. Kết quả là trong buổi sáng đẹp trời ấy có 2 khách Hàn Quốc, 1 học sinh và 1 cụ hưu trí, tổng cộng 4 người. Cụ hưu trí 68 tuổi khi được hỏi cảm tưởng thì chỉ lắc đầu, thốt lên 3 chữ đầy cảm khái “Thất vọng quá”. Bài báo, dẫn lời một anh bảo vệ, cũng lắc đầu “lèo tèo, lác đác”.

54.000 m2 đất; 2.300 tỉ và đổi lại là những cái lắc đầu, là nỗi thất vọng, về một biểu tượng cực điểm về sự lãng phí suốt 10 năm trời chưa thể chính thức mở cửa đón khách tham quan.

Chưa thể chính thức mở cửa đón khách tham quan, vẫn chưa hoàn thành trưng bày là khẳng định của chính Thủ tướng hôm 15.5 trong văn bản trả lời chất vấn đại biểu quốc hội.

Còn tại sao cho câu hỏi tại sao ấy là vì thiếu hiện vật - thứ nhẽ ra phải là điều kiện đầu tiên, thứ quyết định sự tồn tại của một bảo tàng.

Một thống kê cho biết cả nước đang có tới 160 cái bảo tàng. Trong đó có 4 bảo tàng cấp quốc gia, 7 bảo tàng chuyên ngành cấp bộ, 34 bảo tàng của các đơn vị trực thuộc bộ, 80 bảo tàng cấp tỉnh và 36 ngoài công lập. Ngoài một vài bảo tàng thực sự có khách tham quan thì hầu hết đều trong tình trạng... chùa bà Đanh cả.

Nhưng có vẻ, ngần ấy vẫn chưa đủ.

Sau dự án bảo tàng lịch sử quốc gia 11.500 tỉ bị dừng sau sự phản đối quyết liệt của dư luận, người ta đổi kèo, đặt vấn đề “nâng cấp” bảo tàng lịch sử quốc gia hiện tại với kinh phí “chỉ 1/5”  so với dự án mới 11.500 tỉ.

Rồi ở Vĩnh Long, “người ta” chuẩn bị làm bảo tàng nông nghiệp 400 tỉ.

Từ Vĩnh Long, rất có thể mô hình này sẽ được nhân ra toàn quốc. Nỗi lo không phải không có cơ sở. Ở ta, từng có phong trào tượng đài, phong trào quảng trường theo lối con gà tức nhau tiếng gáy.

Năm ngoái VTV đặt ra một câu hỏi: Sao bảo tàng nước ngoài thì rầm rập nô nức khách du lịch trong khi ở ta, sao bảo tàng nào cũng lèo tèo vài khách như vậy?

Có khó gì đâu, bảo tàng nhà người ta là nơi gìn giữ trưng bày những giá trị văn hóa lịch sử. Còn ở ta, bảo tàng cứ như thể là thứ sinh ra để giải ngân, là nơi “khai quật” tiền bạc ngân sách, tiền thuế dân một cách hợp pháp.

Nếu được hỏi, có lẽ, không mấy người dân muốn đổ tiền đổ của làm bảo tàng rồi để như để hoang như vậy, dù trong mọi thuyết trình, phục vụ dân luôn là đề từ mang tính lý do cho những cái nhà hoang, tháp lộn ấy.

ANH ĐÀO/LĐO

/giot-nuoc-mat-nghi-truong.html