63% người dân cho rằng phải đưa lót tay để vào làm nhà nước

28/04/2020 04:16 | 3 năm trước

45% người dân đồng ý, 18% đồng ý một phần với nhận định phải đưa lót tay để có việc làm trong khu vực nhà nước.

Sáng ngày 28/4, báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) được công bố, trong đó, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công là lĩnh vực cải thiện mạnh mẽ nhất trong năm 2019.

Ở cấp quốc gia và cấp xã, tỷ lệ người dân cho rằng tham nhũng có xu hướng giảm cao hơn so với tỷ lệ năm 2018 khoảng 5%.

Theo đó, cảm nhận tích cực của người trả lời nhờ nỗ lực đấu tranh chống tham nhũng mạnh mẽ ở Việt Nam là một yếu tố then chốt tạo nên sự biến chuyển này.

Báo cáo cũng cho thấy, tham nhũng vặt đã giảm dựa trên cảm nhận hoặc trải nghiệm của người dân khi sử dụng một số dịch vụ công. Tình trạng đưa và nhận hối lộ ở bệnh viện công tuyến huyện đã giảm xuống gần với mức 0%.

Tuy nhiên, mặc dù có một số cải thiện, khoảng 20 - 40% người dân tiếp tục cho rằng tham nhũng vẫn tồn tại trong nhiều hoạt động của khu vực công.

Cảm nhận của người dân về kiểm soát tham nhũng
ẢNH PAPI.ORG.VN

45% người dân được khảo sát vẫn cho rằng, cần phải đưa lót tay để có việc làm trong khu vực nhà nước. 18% người được hỏi đồng ý một phần với nhận định này.

31% người cho rằng, phải chi thêm tiền để được quan tâm khi đi khám, chữa bệnh; và 30% người dân cho rằng, phụ huynh phải chi thêm tiền để học sinh được thầy cô giáo quan tâm hơn.

Tương tự, 31% những người được hỏi cho rằng, phải chi thêm tiền để làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 21% có cùng nhận định khi làm giấy phép xây dựng.

Theo báo cáo, trải nghiệm của người dân với việc phải đưa "lót tay" khi làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2019 hầu như không khác so với một vài năm trước.

Hà Nội thuộc nhóm về chót trong kiểm soát tham nhũng, cung cấp dịch vụ công

Trong số 8 chỉ số được báo cáo PAPI năm 2019 khảo sát, Thành phố Hà Nội thuộc nhóm có điểm thấp nhất ở nhiều chỉ số.

Chẳng hạn, chỉ số về công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương, Hà Nội thuộc nhóm có điểm thấp nhất. TP. HCM thuộc nhóm điểm trung bình cao.
Trong chỉ số về trách nhiệm giải trình với người dân, Hà Nội tiếp tục thuộc nhóm thấp nhất. TP. HCM thuộc nhóm trung bình cao.

Ở chỉ số kiểm soát tham nhũng khu vực công, Hà Nội, TP. HCM cùng thuộc nhóm thấp nhất cùng với các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên và Tây Bắc. Trong khi đó, Bến Tre tiếp tục là tỉnh nằm trong nhóm đạt điểm cao nhất qua nhiều năm.

Trong chỉ số về thủ tục hành chính công, Hà Nội tiếp tục là nhóm thấp nhất với 2/4 điểm thành phần về dịch vụ cấp phép xây dựng và dịch vụ hành chính cấp xã, phường chỉ đạt 1,8/2,5 và 1,77/2,5.

Trong chỉ số quản trị môi trường, Hà Nội tiếp tục thuộc nhóm đạt điểm thấp nhất, cùng nhóm với TP. HCM. Các tỉnh, thành xung quanh Hà Nội cũng thuộc nhóm đạt điểm thấp nhất. Trong đó, điểm số thành phần về chất lượng không khí của Hà Nội, TP. HCM đều đi xuống.

Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) là khảo sát xã hội học lớn nhất tại Việt Nam. PAPI đo lường hiệu quả của công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công dựa trên đánh giá và trải nghiệm của người dân với dữ liệu được thu thập thường niên.
Chỉ số PAPI gồm 8 chỉ số nội dung, gồm: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công); quản trị môi trường và quản trị điện tử.

LÊ HIỆP/TNO

/15h-chieu-nay-ron95-giam-hon-300-dong-lit-dau-giam-cao-nhat-gan-900-dong-lit.html
/dan-mong-cho-lam-roi-luc-nguoi-ta-doi-can-phai-ho-tro-ngay.html