Bắc Kinh không cho WHO tham gia điều tra nguồn gốc virus corona, Châu Âu đau đầu giải bài toán Covid-19

01/05/2020 17:34 | 3 năm trước

(LSO) - Tính đến 6h30 ngày 2/5, tổng số ca nhiễm trên thế giới đã vượt ngưỡng 3,3 triệu người, trong đó số ca tử vong là 234.392 ca.

Bắc Kinh không cho WHO tham gia điều tra nguồn gốc virus corona

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (trái) trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: THX

Phát biểu trên đài Sky News ngày 1/5, ông Galea tiết lộ Trung Quốc đang tiến hành một số cuộc điều tra cấp quốc gia về Covid-19, bao gồm nguồn gốc virus corona chủng mới.

"Nhưng chúng tôi vẫn chưa được cho phép tham gia. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã gởi đề nghị tới Ủy ban Y tế quốc gia và Chính phủ Trung Quốc. Nguồn gốc của virus rất quan trọng và ưu tiên lúc này là phải biết càng nhiều càng tốt về virus để ngăn dịch bệnh tái bùng phát", ông Galea lập luận với Sky News.

Khi được hỏi có lý do nào chính đáng để Trung Quốc không mời WHO tham gia hay không, ông Galea cho là không.

Tuy nhiên, đại diện WHO tại Trung Quốc lưu ý các chuyên gia của tổ chức này không thể xem các ghi chép tại hai phòng thí nghiệm có liên quan tới virus corona ở Trung Quốc.

Một là Viện virus học Vũ Hán và nơi còn lại là Trung tâm kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh Vũ Hán.

"Từ tất cả các bằng chứng có sẵn, các đồng nghiệp của tôi trong WHO tin rằng nguồn gốc của virus là ở Vũ Hán nhưng đến từ tự nhiên, không phải do con người tạo ra", đại diện WHO tại Trung Quốc khẳng định.

Mặc dù vậy, ông Galea cho rằng vẫn cần phải xem các ghi chép, dữ liệu tại hai đơn vị nói trên thì mới có cái nhìn đầy đủ về nguồn gốc của virus.

Nói về những chỉ trích WHO đã thiếu trách nhiệm buổi đầu đại dịch, ông Galea cho rằng bản thân WHO cũng như ai, "chỉ biết được những gì Trung Quốc báo cáo vào thời điểm đó".

Hồi tháng 1, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cùng một nhóm chuyên gia của tổ chức này tới Trung Quốc để tìm hiểu cách xử lý dịch bệnh của nước này. Ông Tedros có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau đó tại Bắc Kinh.

Giả thuyết nhận được nhiều đồng tình nhất hiện nay là virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) đã lây từ dơi sang người tại một khu chợ bán động vật hoang dã của Vũ Hán. Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến khác cho rằng virus là sản phẩm nhân tạo thoát ra từ phòng thí nghiệm của Viện virus học Vũ Hán.

Cũng trong ngày 1/5, người phát ngôn WHO Tarik Jasarevic bày tỏ hi vọng Trung Quốc sẽ mời các chuyên gia của tổ chức này tham gia cuộc điều tra nguồn gốc của SARS-CoV-2.

Ông Jasarevic nhấn mạnh việc điều tra nguồn gốc virus là cần thiết để ngăn chặn các đợt bùng phát trong tương lai.

Theo đại diện WHO, Trung Quốc đang tiến hành các cuộc điều tra riêng về nguồn gốc virus, bao gồm xác định các loại động vật được bán trong chợ ở Vũ Hán và nguồn gốc của chúng, lấy mẫu môi trường tại những nơi phát hiện người nhiễm bệnh đầu tiên...

Châu Âu đau đầu giải bài toán Covid-19

Theo số liệu của hãng tin AFP tổng hợp từ các nguồn chính thức, số ca tử vong do nhiễm virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tại châu Âu đã vượt ngưỡng 140.000 người.

Theo số liệu của hãng tin AFP tổng hợp từ các nguồn chính thức tính tới 17h40 phút ngày 1/5 (giờ GMT, tức 0h 40 phút ngày 2/5 giờ Hà Nội), số ca tử vong do nhiễm virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tại châu Âu đã vượt ngưỡng 140.000 người.

Châu Âu là lục địa chịu tác động nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 với 1.495.293 ca mắc bệnh và 140.096 ca tử vong trong số 234.987 người tử vong vì dịch bệnh trên khắp thế giới.

Tín hiệu tích cực đã được ghi nhận tại Pháp khi quốc gia này chỉ có 218 người bệnh Covid-19 chết trong ngày 1/5, số người chết trong 24h thấp nhất trong hơn 5 tuần qua.

Chính phủ Pháp công bố lệnh phong tỏa nghiêm ngặt sẽ được nới lỏng từ 11/5, nhưng tiến trình thực hiện sẽ chậm hơn tại những vùng bị ảnh hưởng dịch nặng.

Cùng với Pháp, Tây Ban Nha cũng khẳng định xu hướng giảm dịch bệnh khi trong 24h qua chỉ ghi nhận thêm 281 người chết. Tây Ban Nha sẽ tiếp tục nới lỏng các biện pháp phong tỏa phòng dịch cuối tuần này, cho phép mọi người được ra ngoài tham gia các hoạt động thể thao.

Tuy nhiên tình hình dịch bệnh ở Anh không được khả quan như vậy. Số người chết vì Covid-19 theo ngày tại đây đã tăng thêm 739 người, nâng lên tổng số 26.842 người chết trong ngày 1/5.

Chính phủ Anh trong nhiều tuần qua đối mặt với dư luận chỉ trích, nhất là từ các nhân viên y tế và công tác xã hội.

Tại Đức, thông báo từ công ty du lịch TUI của Đức ngày 1/5 cho biết gần 3.000 người (gồm thủy thủ đoàn và hành khách) trên một du thuyền của họ đã bị cách ly sau khi một người trên đó dương tính với virus corona.

15 thành viên trong đoàn thủy thủ của du thuyền Mein Schiff 3 đã được xét nghiệm sau khi có biểu hiện triệu chứng cúm nhẹ, một người trong đó có kết quả dương tính với corona.

Theo đó, toàn bộ 2.899 người sẽ bị cách ly ngay tại tàu ở cảng Cuxhaven thuộc bờ Biển Bắc của Đức để chờ thông báo tiếp theo.

LÂM HOÀNG (t/h)

/16-ngay-khong-them-ca-nhiem-covid-19-trong-cong-dong.html
/thue-thu-nhap-ca-nhan-10-nam-tang-gan-10-lan-qua-tan-thu.html
Từ khoá : Covid-19 thế giới