Bài 4: Làm dịch vụ “chui” bị lộ, Spa Minhon Beauty&Clinic rút vào hoạt động bí mật?

25/06/2018 17:19 | 5 năm trước

LSVNO - Sau khi báo chí phản ánh, Spa Minhon Beauty&Clinic (số 9 Nguyễn Khoái, phường 1, quận 4, TP. HCM) đã có động thái chuyển địa điểm hoạt động qua địa chỉ khác nhằm qua mặt các cơ quan chức năng...

LSVNO - Sau khi báo chí phản ánh, Spa Minhon Beauty&Clinic (số 9 Nguyễn Khoái, phường 1, quận 4, TP. HCM) đã có động thái chuyển địa điểm hoạt động qua địa chỉ khác nhằm qua mặt các cơ quan chức năng và tiếp tục thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ vượt phép.

>>>Bài 3: Spa Minhon Beauty & Clinic có dấu hiệu hoạt động “chui”, mong cơ quan chức năng vào cuộc

Ngang nhiên hoạt động vượt phép?

Như Luật sư Việt Nam Online đã thông tin ở loạt bài trước đó, Spa Minhon do bà Nguyễn Thị Huỳnh Như (sinh năm 1998) làm chủ. Hoạt động với hình thức hộ kinh doanh và chỉ là cơ sở chăm sóc da, nhưng lại ngang nhiên thực hiện các hoạt động, dịch vụ xâm lấn cơ thể như một phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ.

Những hình ảnh quảng cáo thẩm mỹ xâm lấn gắn logo và số điện thoại của Spa Minhon Beauty&Clinic.

Cụ thể, thông qua các quảng cáo trên mạng xã hội với tên “Nguyễn Huỳnh Như”, “Nguyễn Thị Huỳnh Như” và “Minhon Beauty Center” liên tục quảng cáo những dịch vụ làm đẹp như: Tiêm filler - botox tạo hình thẩm mỹ, nhấn mí vĩnh viễn (tách mỡ mí trên, mí dưới mắt), bắn thu nhỏ môi tạo hình, thu gọn cánh mũi, tiêm hạ gò má, tiêm tan mỡ, thon gọn các vùng, truyền trắng da Colagen HQ, tiêm mông baby, treo chân mày, nâng mũi chỉ, má lúm đồng tiền, thu gọn quầng vú gợi cảm… hay thậm chí kiêm luôn cả làm răng.

Những dịch vụ thẩm mỹ quảng cáo trên được xếp vào các danh mục thẩm mỹ xâm lấn cơ thể. Theo quy định của pháp luật, bắt buộc phải có “Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh” do Sở Y tế TP. HCM cấp.

Căn cứ vào “Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh” số 41D8009373 do Phòng Kinh tế quận 4 cấp ngày 21/8/2017 cho chủ hộ kinh doanh Spa Minhon Beauty&Clinic. Tại phần ngành nghề kinh doanh có ghi rõ phạm vi hoạt động là “dịch vụ chăm sóc da”. Có nghĩa, ngoài lĩnh vực chăm sóc da, cơ sở này không được phép hoạt động dịch vụ liên quan đến xâm lấn cơ thể.

Bên cạnh đó, người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở này là bà Nguyễn Thị Huỳnh Như chỉ có chứng chỉ sơ cấp nghề do Trung tâm Dạy nghề tư thục Thẩm mỹ (Đà Nẵng) cấp ngày 15/02/2017, với nghề đào tạo “chăm sóc da mặt”. Ngoài những giấy tờ trên, chủ cơ sở này không cung cấp được các giấy tờ khác liên quan đến chuyên môn, cũng như ngành nghề thẩm mỹ xâm lấn cơ thể.

Như vậy, Spa Minhon Beauty&Clinic là cơ sở spa thông thường, chỉ được phép hoạt động chăm sóc da, nhưng đã tiến hành các hoạt động quảng cáo, tư vấn và nhận làm các dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn kiêm làm răng… thì có đúng quy định pháp luật?

Chứng chỉ của chủ cơ sở này chỉ được phép chăm sóc da mặt.

Tiếp tục hoạt động “chui” ở địa chỉ bí mật?

Liên quan vụ việc, sau khi nhận được phản ánh của báo chí, Tổ liên ngành phường 1 đã phối hợp với phòng Y tế quận 4 tiến hành kiểm tra cơ sở này. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra thì hộ kinh doanh này đã đóng cửa và di chuyển toàn bộ thiết bị khỏi địa điểm đăng ký.

Sau khi ngừng hoạt động tại địa chỉ trên, Spa Minhon Beauty&Clinic đã chuyển qua địa điểm mới tại số 348, bến Vân Đồn, phường 1, quận 4, TP. HCM. Tại đây, thông qua các trang mạng xã hội, cơ sở này tiếp tục quảng cáo, tư vấn và nhận thực hiện các dịch vụ xâm lấn cơ thể.

Theo ghi nhận, địa chỉ mà Spa Minhon Beauty&Clinic mới chuyển tới là một tòa nhà chung cư, nằm trên đường bến Vân Đồn. Tuy nhiên, theo quan sát của PV thì ở khu vực Shop House (căn hộ dùng để kinh doanh trong dự án chung cư) thì không thấy căn nào có treo biển hiệu tên Spa này.

Thời gian gần đây, đã có những vụ việc đáng tiếc xảy ra liên quan đến các thẩm mỹ viện, nhiều khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ, can thiệp đến cơ thể đã bị biến chứng, để lại những hậu quả khó lường ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình thể và sức khỏe. Đề nghị Thanh tra Sở Y tế TP. HCM và các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ những nội dung đã nêu, xử lý nghiêm minh nếu chủ cơ sở cố tình hoạt động vi phạm pháp luật.

Lê Nam

Theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Nghị định 109/2016/NĐ-CP: “Các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.