(LSVN) - Khi được nói “lời sau cùng” tại phiên tòa xét xử cha mình (Nguyễn Văn Minh), bị cáo Nguyễn Thục Anh tuy không nhận tội nhưng khẳng định rằng sẽ bán hết gia sản để khắc phục hậu quả. Và, trên thực tế, 2 gia đình trong vụ đại án Bình Dương này đã nộp hơn 1000 tỉ đồng tiền thu lợi bất chính do hành vi tham ô và gây thất thoát tài sản Nhà nước mà họ gây ra. Đây là số tiền “khắc phục hậu quả” nhiều nhất và nhanh nhất từ trước đến nay.
Ảnh minh họa.
Khi vụ án còn đang trong giai đoạn điều tra, vào cuối năm 2019 và đầu năm 2021, dưới danh nghĩa công ty, họ đã nộp hơn 252 tỉ đồng vào tài khoản của Cơ quan điều tra Bộ Công an. Tuy nhiên, vụ án đã được đưa ra xét xử với các bị cáo là lãnh đạo cao nhất tỉnh Bình Dương và các Chủ tịch, Giám đốc công ty đã bắt tay nhau thâu tóm “đất vàng” gây thất thoát đến 5.900 tỉ đồng. Đặc biệt, với cáo buộc tội "Tham ô" đối với ông Nguyễn Văn Minh hơn 700 tỉ đồng thì thuộc khung hình phạt rất nặng, có thể bị tử hình.
Tất nhiên, việc khắc phục hậu quả do mình gây ra là một tình tiết giảm nhẹ khi xem xét lượng hình. Có lẽ chính vì thế mà Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa đã đề nghị một mức án “phù hợp” đối với các bị cáo đã tích cực nộp tiền khắc phục hậu quả này. Ông Minh với mức án tối đa 30 năm, các bị cáo còn lại từ 3 đến 7 năm. Đó là một sự ghi nhận.
Chính sách pháp luật khuyến khích việc nộp tiền khắc phục hậu quả, đồng thời cũng cho rằng bỏ tù người tham nhũng mà tài sản tham nhũng không thu hồi được thì không đạt được mục đích của việc chống tham nhũng. Thực tế tố tụng, có những trường hợp tự giác và tích cực khắc phục hậu quả đã được giảm án tù một cách đáng kể. Tuy nhiên, tiền không thể chuộc được tội, không thể “khắc phục hoàn toàn hậu quả” mà có thể thoát khỏi việc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cũng như việc ăn trộm đã hoàn trả lại tài sản đã ăn trộm không khiến cho kẻ trộm vô tội, đó chỉ là tình tiết giảm nhẹ mà thôi.
Nhìn các bị cáo ra tòa lần này và cách xử sự của họ, chúng ta càng thấm thía câu cảm thán: “Tiền nhiều để làm gì!”. Khi tìm mọi cách để làm tiền bất chấp pháp luật, đạo lý, để làm giàu một cách bất chính, hẳn ít ai nghĩ đến điều này. Chỉ khi phải đứng trước sự trừng phạt của pháp luật, trước những năm tháng phải ở tù thì người ta mới nhận ra sự vô nghĩa của nhiều tiền và muốn đánh đổi tất cả để được tự do, có một cuộc sống bình thường. Âu đây cũng là bài học giá trị với những người có ý định “nhúng chàm”, rắp tâm làm giàu bằng mọi cách!
NHỊ NGỌC