Bàn về 'Gật' và 'Lắc' trong tố tụng hình sự

31/07/2020 00:25 | 3 năm trước

(LSO) - Trong nhóm các tội phạm về tham nhũng, hành vi “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ” phản ánh mối quan hệ mang tính tiêu cực nhất trong trật tự quản lý Nhà nước. Mối quan hệ này luôn xảy ra giữa một bên “người đưa” - là người có yêu cầu giải quyết một công việc gì đó vì lợi ích của mình; với bên kia “người nhận” – là người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc ấy. Vì vậy, chủ thể của việc “Đưa hối lộ” là bất kỳ người nào, còn chủ thể của việc “Nhận hối lộ” chỉ có thể là cán bộ, viên chức Nhà nước có chức vụ quyền hạn nhất định.

Ảnh minh họa.

Thông thường, mối quan hệ “đưa - nhận” này xảy ra một cách lén lút giữa hai bên, trên cơ sở tin cậy lẫn nhau, hầu như không để lại dấu vết. Nếu công việc nhờ vả được giải quyết một cách trôi chảy, cả hai bên đều đạt được mục đích thì coi như sự việc xong xuôi. Trước pháp luật, họ hoàn toàn “sạch sẽ - trong sáng”. Nhưng đối với người đưa, nếu lòng tin chưa đủ vững thì họ sẽ có những biện pháp “phòng thủ” về sau bằng cách lén lút ghi lại một vài dấu vết nào đó có giá trị như là những “bằng chứng” để chi phối “người nhận” hoặc dùng nó để “tố cáo” trong trường hợp mục đích không đạt được.

Vì vậy, đấu tranh với loại tội “Đưa - Nhận hối lộ” là một cuộc đấu tranh rất phức tạp, ít có hiệu quả. Về mặt pháp lý, muốn kết tội một người về hành vi “Nhận hối lộ” thì phải có chứng cứ vững chắc, rõ ràng khiến người bị kết tội phải “tâm phục khẩu phục”. Nhưng trên thực tế, kể cả  các vụ “Đưa - Nhận hối lộ” có chứng cứ rõ ràng (loại này hiếm lắm), việc kết tội cũng không phải dễ. Có vụ án xảy ra đã nhiều năm trước đây, người đưa mặc dù đã tố cáo và cung cấp đầy đủ chứng cứ về việc nhận tiền, vàng của một người có chức vụ, quyền hạn, nhưng về tính chất của hành vi nhận, các cơ quan pháp luật lại xác định hành vi đó không  cấu thành tội “Nhận hối lộ” mà là một tội khác, chẳng hạn như tội “Lợi dụng ảnh hưởng của người khác để trục lợi”, chỉ vì người đó không có chức vụ quyền hạn giải quyết yêu cầu cụ thể của người đưa. Vụ án này, sau khi xét xử, giới luật gia cũng có nhiều ý kiến khác nhau về tội danh. Có người cho rằng, có đủ căn cứ xác định Tội “Nhận hối lộ”, có người lại cho rằng người đó phải bị quy kết về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mới đúng.

Đấu tranh để phát hiện và xử lý tội “Nhận hối lộ” trong tố tụng hình sự, người ta thấy một bức tranh tạm gọi tên là “Gật" và "Lắc”.

“Gật” và “Lắc”  trong diễn biến của cuộc điều tra công khai - phương pháp đối chất - giữa phiên tòa đã khiến Hội đồng xét xử gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định và đánh giá chứng cứ của hành vi “Nhận hối lộ”.

Những người “Gật” thừa nhận là có nhận tiền thì số lượng lại rất ít ỏi, đã từng có nhân thân tốt, lại không đáng xử lý về mặt hình sự. Những người có liên quan đến số tiền lớn, trực tiếp hoặc qua trung gian, có dấu hiệu tội phạm thì họ lại “Lắc”. Kẻ này khai nhận có đưa, nhưng người kia chỉ “Lắc”, biết tin ai? Kẻ “Lắc” thì lập luận: Biết đâu ông ấy (hay anh ấy, bà ấy…) lợi dụng uy tín của tôi để lấy cớ nhận tiền  của Công ty (hoặc cá nhân) thì sao? Người đưa thì ra sức chứng minh tính logic của các tài liệu (ví dụ phiếu chi tiền) về mặt thời gian so với thời điểm các hợp đồng (nào đó) được ký kết, phê duyệt. Nội dung phiếu chi ghi rõ nhưng tiếc một điều là trong đó lại không rõ (không thể hiện) nội dung chi, thiếu địa chỉ người nhận hoặc tên tuổi người nhận lại là của một người khác. Ở đời, hỏi có ai dám “dũng cảm hoặc dại dột" ký vào phiếu chi tiền để xác nhận một khoản tiền hối hộ bao giờ, họa có là người điên hoặc ngớ ngẩn? Hoặc nếu đã ký tên vào tấm phiếu chi đó thì có khi, trong thâm tâm người nhận, đó không  còn là khoản tiền  nhận hối lộ nữa mà mang một ý nghĩa khác rồi.

Về mặt chứng cứ, người đưa tiền phải có nghĩa vụ chứng minh cho lời khai của mình bằng các chứng cứ khác kèm theo, nếu không có các chứng cứ này thì phải có lời thừa nhận của người đã nhận tiền. Lời thừa nhận đó sẽ miễn cho người khai “đưa” cái nghĩa vụ chứng minh nói trên. Trong nhiều vụ án “Đưa – Nhận hối lộ”, quá trình điều tra và xét xử tại tòa án đã chỉ có các lời khai  của người đưa. Những lời khai này chưa đủ cơ sở quy kết những “Người bị khai” là có hành vi “Nhận hối lộ”.

Đó là yêu cầu có tính nguyên tắc trong tổng hợp, đánh giá chứng cứ làm cho phán quyết của tòa án bảo đảm xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tránh các trường hợp làm oan, sai cho người ngay thẳng mà vì một lý do nào đó bị kẻ xấu khai khống, khai đổ tội. Nhưng cũng chính nguyên tắc này đã làm pháp luật phải “bó tay” trước “các cao thủ” có hành vi “Nhận hối lộ”. Vì thế, sau mỗi vụ án về loại tội này, dư luận thường xôn xao rằng, ranh giới giữa  “Tội” và “Không Tội” làm cơ sở cho phán quyết của tòa án chỉ phụ thuộc vào một động tác đơn giản là “Gật”  hay “Lắc” của  “Người bị khai”! Quả là phức tạp và đầy gian nan giữa một bên là dư luận, với một bên là nguyên tắc chứng minh trong tố tụng hình sự!

Dẫu sao, thiết nghĩ, về mặt pháp lý, có thể tòa án không đủ cơ sở kết luận về hành vi “Nhận hối lộ” của những “Người bị khai”, nhưng chỉ riêng việc tòa đưa họ ra thẩm vấn và đối chất công khai đã có ý nghĩa cung cấp chứng cứ cho một Tòa - Án - Khác phán xét về họ. Đó là Tòa - Án - Dư - Luận. Dư luận sẽ có quyền đặt các câu hỏi: Vì sao người đưa lại không khai cho người khác mà chỉ khai đưa tiền cho người đó, trong khi chính người đó đã  “có công” giúp họ thỏa mãn yêu cầu của mình? Vì sao người khai lại đưa ra các thông số chính xác về thời gian, địa điểm… và có tính lô gích trong các yếu tố có liên quan trong quan hệ giữa họ với nhau? Rằng về quan hệ nhân quả: “Không có lửa làm sao có khói”?...

Thực chất, những câu hỏi như thế sau diễn biến phiên tòa pháp lý chẳng phải là những phán quyết của Tòa - Án - Dư - Luận về toàn bộ uy tín, danh dự và phẩm cách của  những người “Lắc” đó sao?

Và như vậy, thiết nghĩ đâu có phải trước Tòa án Pháp lý, những người bị khai chỉ cần “Lắc” là xong!

Luật sư NGUYỄN MINH TÂM

/trach-nhiem-boi-thuong-khi-va-cham-giao-thong-khong-co-loi.html