Một số vấn đề về Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án hình sự sơ thẩm

27/04/2022 18:50 | 2 năm trước

(LSVN) - Thẩm phán - Chủ tọa phiên toà là người trực tiếp giải quyết, tiến hành các hoạt động tố tụng khi hồ sơ vụ án chuyển đến Tòa án. Nhưng vì một lý do nào đó không thể trực tiếp tham gia xét xử được, khi đó Chánh án Tòa án phải ra quyết định thay đổi Thẩm phán để đảm bảo các hoạt động tố tụng, giải quyết vụ án. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật quy định các căn cứ thay đổi Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa tuân thủ theo Điều 49, Điều 53, Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS). Trong trường hợp Chánh án là người trực tiếp nghiên cứu, giải quyết hồ sơ vụ án, Tòa án có phải ra quyết định phân công Thẩm phán hay không. Qua công tác xét xử còn một số bất cập.

Ảnh minh họa.

1. Về nội dung phân công Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa giải quyết vụ án

Quy định của luật, khoản 3, Điều 276, BLTTTHS sau khi thụ lý vụ án trong thời hạn 03 ngày, Chánh án Tòa án phải phân công Thẩm phán - Chủ toạ phiên tòa giải quyết, xét xử vụ án. Trong trường hợp nếu vụ án phức tạp, Chánh án có thể phân công 02 Thẩm phán, trong đó có 01 Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà, 01 Thẩm phán cùng nghiên cứu (quyền hạn Thẩm phán nghiên cứu hồ sơ và Thẩm phán – Chủ toạ phiên toà là khác nhau, được quy định tại Điều 45, BLTTHS) để giải quyết vụ án (khoản 1, Điều 254, BLTTHS). Quyết định phân công Thẩm phán trong 02 ngày phải gửi cho VKS cùng cấp (Khoản 3, Điều 286, BLTTHS). Chánh án phân công Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán giải quyết vụ án hình sự (khoản 1, Điều 44, BLTTHS). Trong thực tế xảy trường hợp sau:

Sau thụ lý hồ sơ vụ án Chánh án trực tiếp nghiên cứu, giải quyết vụ án thì Toà án có ra quyết định phân công Chánh án (Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà) hay không? Luật không đề cập đến, có 02 quan điểm hiểu khác nhau:

Quan điểm thứ nhất, Chánh án phải ra Quyết định phân công Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà (Chánh án) giải quyết vụ án đúng quy định pháp luật tố tụng. Trong trường hợp này, Chánh án (là đại diện cơ quan nhà nước Toà án ra quyết định) phân công cho cá nhân (Chánh án là Thẩm phán được Chủ tịch nước bổ nhiệm, cá nhân trong tập thể) đảm nhiệm giải quyết vụ án, trên cương vị giải quyết vụ án các quyết định tố tụng (theo Mẫu số 01-HS, Nghị quyết 05 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn). Thẩm phán người trực tiếp xét xử, quyết định các vấn đề, chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của mình; việc ra Quyết định phân công phù hợp, tuân thủ đúng quy định pháp luật tố tụng.

Quan điểm thứ hai, Chánh án trực tiếp nghiên cứu không ra quyết định phân công Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà. Bởi lẽ, Điều 44, BLTTHS quy định cụ thể khi giải quyết vụ án Chánh án có đủ quyền hạn, nhiệm vụ; Chánh án phân công chính mình giải quyết vụ án sẽ không phù hợp.

Quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án (Chánh án trực tiếp nghiên cứu, giải quyết) qua nghiên cứu Chánh án đánh giá vụ án đơn giản, tính phức tạp không cao, Thẩm phán khác có thể giải quyết được hoặc do điều kiện khác Chánh án không thể giải quyết được, do vậy phân công lại Thẩm phán.

Trong trường hợp này, đối với quan điểm không phân công Chánh án giải quyết vụ án ngay từ khi thụ lý thì Chánh án phải ra quyết định phân công Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa, như vậy quá thời gian quy định của pháp luật (thời hạn 03 ngày), sau thụ lý đến giai đoạn này Toà án mới phân công Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà. Ngay từ đầu không ra quyết định phân công Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà, Toà án muốn thay đổi Thẩm phán khác giải quyết vụ án ra quyết định thay đổi Thẩm phán sẽ không phù hợp. Ngay sau thụ lý ra quyết định phân công Thẩm phán (là Chánh án) sau này muốn thay đổi Chánh án ra quyết định thay đổi Thẩm phán phù hợp quy định của pháp luật.

Chánh án TAND cấp huyện (Tòa án Quân sự cấp Khu vực) do Chánh án TAND Tối cao bổ nhiệm. Trong một số trường hợp Chánh án được bổ nhiệm chưa có chức danh tư pháp, chưa được đào tạo qua lớp nghiệp vụ xét xử, chưa được Chủ tịch nước bổ nhiệm Thẩm phán nên chưa được giải quyết vụ án. Có trường hợp nếu Chánh án trực tiếp nghiên cứu hồ sơ, giải quyết vụ án nếu theo quan điểm thứ nhất thì Chánh án nghiên cứu giải quyết vụ án thì không ra quyết định phân công, đây là lỗ hổng lớn dễ dẫn đến vi phạm tố tụng.

Quan điểm tác giả đồng nhất quan điểm thứ nhất, quá trình giải quyết vụ án là Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà sẽ tiến hành các hoạt động tố tụng, giải quyết, xét xử vụ án. Chánh án là Thẩm phán trong Tòa án hoặc có thể không là Thẩm phán, Chánh án là chức danh đại diện người đứng đầu cơ quan nhà nước (Tòa án), trong vụ án nếu Chánh án trực tiếp giải quyết vụ án lúc này Chánh án là Thẩm phán nghiên cứu, giải quyết vụ án và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung mình đảm nhiệm.

Sau khi Tòa án thụ lý phải phân công Thẩm phán giải quyết vụ án kể cả Chánh án trực tiếp giải quyết án, khi ra quyết định phân công Chánh án (hiểu là chức vụ) đại diện cơ quan phân công Chánh án (hiểu là lúc này là Thẩm phán – Chủ toạ phiên toà hoặc Thẩm phán) giải quyết vụ án, thực hiện nhiệm vụ giải quyết, tiến hành các hoạt động tố tụng. Việc phân công sẽ nâng cao trách nhiệm của cá nhân trước cơ quan, trước pháp luật, tự chịu trách nhiệm giải quyết án mà mình đảm nhiệm.

Như vậy, cần có sự thống nhất trong cách hiểu khoản 3, Điều 276, BLTTHS, trong trường hợp sau khi nhận hồ sơ, thụ lý vụ án Chánh án phân công Thẩm phán – Chủ toạ phiên toà (kể cả trường hợp Chánh án trực tiếp nghiên cứu hồ sơ). Cần sự bổ sung trong Mẫu số 01-HS, của Nghị quyết 05 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao trong trường hợp phân công Thẩm phán – Chủ toạ phiên toà hoặc Thẩm phán là người ngồi cánh (trường hợp vụ án phức tạp cần HĐXX 05 người) giải quyết vụ án cho phù hợp. Tuân thủ đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, trong trường hợp Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà khi nghiên cứu, giải quyết vụ án không thể tham gia xét xử được thì Chánh án ra quyết định thay đổi.

2. Về nội dung Thay đổi Thẩm phán giải quyết, xét xử vụ án

Quy định của luật, Điều 49, BLTTHS quy định người tiến hành tố tụng (Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà) phải từ chối hoặc bị thay đổi trong các trường hợp (03 trường hợp):

- Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo;

- Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật trong vụ án đó;

- Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

Điều 53, BLTTHS quy định thay đổi Thẩm phán (Thẩm phán nghiên cứu hồ sơ hoặc Thẩm phán – Chủ toạ phiên toà) từ chối tham gia xét xử hoặc bị thay đổi trong các trường hợp (03 trường hợp):

- Trường hợp quy định tại Điều 49 của Bộ luật này;

- Họ cùng trong một HĐXX và là người thân thích với nhau;

- Đã tham gia xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm hoặc tiến hành tố tụng vụ án đó với tư cách là Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án.

Sử dụng từ “phải”, “trong các trường hợp” có thể hiểu bắt buộc, nằm trong phạm vi luật định, nếu nằm ngoài các trường hợp quy định thì không thoả mãn, không đúng quy định.

Thay đổi Thẩm phán giải quyết vụ án phải tuân thủ các quy định luật định. Trong thực tế xét xử có những trường hợp sau khi phân công Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà nghiên cứu hồ sơ có thể đã ra quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc đang trong giai đoạn nghiên cứu, nhưng do yêu cầu nhiệm vụ Thẩm phán không thể tham gia xét xử được hoặc điều kiện hoàn cảnh không thể xét xử (thiên tai, dịch bệnh…), nhưng những điều kiện này không thoả mãn điều kiện thay đổi Thẩm phán, để đảm bảo giải quyết vụ án Chánh án quyết định thay đổi Thẩm phán để đảm bảo hoạt động tố tụng.

Tình huống: Ngày 01/4/2021 Toà án A. nhận hồ sơ vụ án “Đào ngũ” từ VKS B. Ngày 01/4/2021, Chánh án Toà án ra Thụ lý vụ án trong 30 ngày, ra quyết định phân công Thẩm phán giải Huỳnh Ngọc E. giải quyết vụ án (hiểu là Thẩm phán – Chủ toạ phiên toà).

+ Trường hợp: Hồ sơ trong giai đoạn nghiên cứu Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà chưa ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Nhưng do yêu cầu nhiệm vụ Thẩm phán phải chuyển công tác hoặc hết thời hạn bổ nhiệm Thẩm phán hoặc được phân công nhiệm vụ khác hoặc đi học không thể tiếp tục nghiên cứu, giải quyết vụ án được thì Chánh án ra quyết định thay đổi Thẩm phán để tiếp tục giải quyết vụ án. Căn cứ theo Điều 49, Điều 53, BLTTHS thì không thoả mãn căn cứ để thay đổi, nhưng thực tế buộc phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nếu không đáp ứng yêu cầu căn cứ trên thì ra quyết định có vi phạm tố tụng không.

+ Trường hợp, ngày 30/4/2021 Thẩm phán E. ra quyết định đưa vụa án ra xét xử, ấn định ngày xét xử 15/5/2021. Do tình hình dịch bệnh Covid-19 địa phương quá phức tạp nên không thể triệu tập đương sư tham gia xét xử được nên Tòa án ra quyết định hoãn phiên toà, trong thời gian hoãn phiên toà Thẩm phán E. có quyết định trên cử đi học tập, không thể tiếp tục giải quyết vụ án. Trong trường hợp này Chánh án Tòa án A. ra quyết định thay đổi Thẩm phán. Căn cứ để ra quyết định thay đổi Thẩm phán “xét vì lý do khách quan, Thẩm phán E. không thể tham gia xét xử được”.

Căn cứ này không thoả mãn các điều kiện Điều 49, Điều 53, BLTTHS. Như vậy, trong trường hợp này có ra quyết định thay đổi Thẩm phán được không.

Cả hai trường hợp trên, nếu căn cứ vào quy đinh thay đổi Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà theo Điều 49, Điều 53, BLTTHS thì không thoả mãn điều kiện thay đổi, luật quy định cụm từ “thuộc một trong các trường hợp sau”, ta có thể hiểu nếu ngoài các trường hợp luật định ta không thể căn cứ để thay đổi được.

Nếu không thay đổi Thẩm phán vụ án sẽ không giải quyết được hoặc kéo dài đợi Thẩm phán được phân công giải quyết sau khi xong nhiệm vụ cá nhân gây khó khăn đương sự trong vụ án (đặc biệt vụ án có bị can bị tạm giam), tồn đọng án…

Theo quan điểm cá nhân cần bổ sung thêm quy định của luật về điều kiện thay đổi Thẩm phán để trong trường hợp đặc biệt khác (Ví dụ: Trường hợp Thẩm phán có quyết định luân chuyển phát triển hoặc đi học…; Trường hợp nhiệm vụ cơ quan Thẩm phán được phân công không thể tiếp tục giải quyết vụ án; Trường hợp Thẩm phán được phân công đến khi gần xét xử hết thời hạn bổ nhiệm...) để hoạt động tố tụng giải quyết vụ án được tính liên tục, đảm bảo công tác giải quyết, xét xử.

3. Một số kiến nghị, đề xuất

Trước sự vận động, phát triển xã hội có những trường hợp chúng ta chưa dự báo, dự lường hết được, do vậy quy định luật cần có hướng mở tránh ràng buộc khi thực tế xảy ra sẽ gây khó cho chính chúng ta.

Kiến nghị đề xuất bổ sung một số nội dung điều luật cho phù hợp:

a) Bổ sung quy định khoản 3, Điều 276, BLTTHS thêm nội dung:

 “2. …

Ngay sau khi nhận hồ sơ vụ án kèm theo bản cáo trạng thì Toà án phải thụ lý vụ án. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày thụ lý, Chánh án Toà án phải phân công Thẩm phán, Thẩm phán chủ toạ phiên toà (kể cả Chánh án) giải quyết vụ án”.

Bổ sung thêm một số nội dung Mẫu số 01-HS (Phân công Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán, Hội thẩm giải quyết, xét xử vụ án hình sự) của Nghị quyết 05/2017/NQ-HĐTP ngày 19/9/2017 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cho phù hợp:

“…

Điều 1.

Phân công: Ông (Bà)… Chức vụ (chức danh):…

Là Thẩm phán (Thẩm phán chủ toạ phiên toà) tiến hành…”

b) Bổ sung khoản 1 Điều 53 BLTTHS thêm điều kiện thay đổi cho phù hợp:

“1…

a)…

đ) Trong một số trường hợp khác.

2…”.

Điều 49. Các trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng

Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:

1. Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo;

2. Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật trong vụ án đó;

3. Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

Điều 53. Thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm

1. Thẩm phán, Hội thẩm phải từ chối tham gia xét xử hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Trường hợp quy định tại Điều 49 của Bộ luật này;

b) Họ cùng trong một HĐXX và là người thân thích với nhau;

c) Đã tham gia xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm hoặc tiến hành tố tụng vụ án đó với tư cách là Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án.

2. Việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm trước khi mở phiên tòa do Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án được phân công giải quyết vụ án quyết định.

Thẩm phán bị thay đổi là Chánh án Tòa án thì do Chánh án Tòa án trên một cấp quyết định.

Việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm tại phiên tòa do HĐXX quyết định trước khi bắt đầu xét hỏi bằng cách biểu quyết tại phòng nghị án. Khi xem xét thay đổi thành viên nào thì thành viên đó được trình bày ý kiến của mình, Hội đồng quyết định theo đa số.

Trường hợp phải thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm tại phiên tòa thì HĐXX ra quyết định hoãn phiên tòa.

Điều 276. Nhận hồ sơ vụ án, bản cáo trạng và thụ lý vụ án

1. Khi VKS giao bản cáo trạng, hồ sơ vụ án và vật chứng kèm theo (nếu có), Tòa án phải kiểm tra và xử lý:

a) Trường hợp tài liệu trong hồ sơ vụ án, vật chứng kèm theo (nếu có) đã đầy đủ so với bảng kê tài liệu, vật chứng và bản cáo trạng đã được giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can thì nhận hồ sơ vụ án;

b) Trường hợp tài liệu trong hồ sơ vụ án, vật chứng kèm theo (nếu có) không đủ so với bảng kê tài liệu, vật chứng hoặc bản cáo trạng chưa được giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can thì chưa nhận hồ sơ vụ án và yêu cầu VKS bổ sung tài liệu, vật chứng; yêu cầu giao bản cáo trạng cho bị can hoặc người đại diện của bị can.

2. Việc giao, nhận hồ sơ vụ án và bản cáo trạng được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này và đưa vào hồ sơ vụ án.

Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án kèm theo bản cáo trạng thì Tòa án phải thụ lý vụ án. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án phải phân công Thẩm phán chủ tọa phiên tòa giải quyết vụ án.

HUỲNH NGỌC DIỆN

Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 5

Hỏi cung bị can theo quy định của pháp luật tố tụng hiện hành