Bàn về vấn đề xác định tiền án

23/03/2020 10:26 | 4 năm trước

LSVNO - Tiền án là một vấn đề quan trọng khi đánh giá nhân thân của người phạm tội, việc xác định đúng đắn tiền án là một trong những căn cứ quan trọng đến việc quyết định hình phạt của bị cáo. Các quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS), Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) do mới có hiệu lực pháp luật nên thiếu các văn bản hướng dẫn thi hành, nên trong thực tiễn thi hành liên quan đến vấn đề xác định tiền án còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế.

Lý luận chung về tiền án

Khái niệm tiền án là một thuật ngữ được sử dụng khá phổ biến trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử các vụ án hình sự. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào giải thích khái niệm tiền án là gì?

Theo Từ điển Tiếng Việt thì “Tiền án là án tích đã có trước đó”, như vậy có thể hiểu rằng tiền án là những bản án còn lưu giữ lại mà chưa được các cơ quan có thẩm quyền xóa.

Trong khoa học pháp lý, tiền án là một vấn đề đánh giá về mặt nhân thân của người phạm tội và chỉ đặt ra đối với những bị can, bị cáo đã bị tòa án xét xử về một hành vi phạm tội bằng bản án có hiệu lực pháp luật.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trước đây, Nghị quyết 01-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 18/10/1990 (hết hiệu lực) có quy định gián tiếp về tiền án, tiền sự tại điểm b khoản 2 Mục II như sau:

“b) Người đã được xóa án thì không coi là có tiền án. Người đã được xóa kỷ luật, xóa việc xử phạt vi phạm hành chính (tức là đã được coi như chưa bị kỷ luật, chưa bị xử phạt vi phạm hành chính) thì không coi là có tiền sự. Đối với các quyết định xử lý của cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội mà pháp luật chưa quy định thời hạn để được coi như chưa bị xử lý, nếu tính từ ngày ra quyết định xử lý đến ngày phạm tội đã quá 01 năm, thì không coi là có tiền sự nữa. Đối với các quyết định xử lý của cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội mà pháp luật chưa quy định thời hạn để được coi như chưa bị xử lý, nếu tính từ ngày ra quyết định xử lý đến ngày phạm tội đã quá 01 năm, thì không coi là tiền sự nữa”.

Như vậy, Nghị quyết 01 cũng không đưa ra khái niệm thế nào là tiền án mà chỉ đánh giá điều kiện và hậu quả pháp lý của án tích. Sau khi BLHS năm 2015 ra đời, thay thế BLHS năm 1999 cũng chưa có văn bản hướng dẫn về thuật ngữ “Tiền án”, nên trong thực tiễn giải quyết còn tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau.

Tiền án được hiểu là một người phạm tội, bị kết án và bản án đã có hiệu lực pháp luật, họ đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án đó, nhưng chưa qua được thời gian theo luật định, để được coi là chưa can án. Nói cách khác, họ chưa được xoá án tích. Người bị kết án, được xoá án tích (đương nhiên xoá án hoặc xoá án tích do toà án quyết định) thì được coi là chưa can án, trong lý lịch tư pháp của họ không được ghi là có “tiền án”. Một người phạm tội phải chính thức gánh chịu hậu quả pháp lý hình sự, từ khi bị khởi tố bị can, cho đến khi được xoá án tích. Chưa được xoá án tích, mà tái phạm tội tương ứng, thì bị coi đó là tái phạm. Nói về bản án trước, chúng ta thường gọi là tiền án, với hàm ý, với ý nghĩa pháp lý là có bản án trước và chưa được xóa án tích.

Quy định của pháp luật về tiền án

Người có tiền án (hay người có án tích) là người đã bị tòa án ra quyết định kết án và thi hành hình phạt mà chưa được xóa án. Người được xóa án tích thì được coi là chưa có tiền án.

BLHS năm 2015 quy định 03 trường hợp xóa án tích bao gồm:

- Đương nhiên được xóa án tích (Điều 70);

- Xóa án tích theo quyết định của tòa án (Điều 71);

- Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt: Trong trường hợp người bị kết án có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú đề nghị, thì tòa án quyết định việc xóa án tích nếu người đó đã bảo đảm được ít nhất một phần ba thời hạn quy định (Điều 72).

Người có tiền án khi đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 70 đương nhiên được xóa án tích của luật nếu muốn xóa án tích thì cần liên hệ với Sở Tư pháp các tỉnh để được hướng dẫn. Ngoài ra, người có tiền án thuộc trường hợp quy định đó là: xóa án tích theo quyết định của tòa án (Điều 71); xóa án tích trong trường hợp đặc biệt (Điều 72) thì cần liên hệ với tòa án làm thủ tục xóa án tích cho trường hợp này.

Bất cập và kiến nghị hoàn thiện

BLHS năm 2015 mới có hiệu lực pháp luật có nhiều quy định mới về xóa án tích nhưng thiếu văn bản hướng dẫn thi hành nên trong thực tiễn giải quyết gặp nhiều khó khăn, thể hiện qua các trường hợp sau đây:

Trường hợp thứ nhất: Khoảng 20 giờ ngày 24/10/2011, các đối tượng Nguyễn Văn A., Trần Văn B., Hồ Văn C. thực hiện hành vi cướp tài sản là chiếc xe máy của chị Hoàng Thị O. tại xã M., huyện K., tỉnh T. H.

Trần Văn B., Hồ Văn C. bị Công an hyện K. bắt giữ, còn Nguyễn Văn A. bỏ trốn. Vào lúc 22 giờ cùng ngày, Nguyễn Văn A. tiếp tục thực hiện hành vi cướp tài sản tại xã L., huyện V., tỉnh T. H.

Ngày 25/10/2011, A. bị Công an huyện V. bắt giữ. Do Nguyễn Văn A. bỏ trốn nên Cơ quan Công an đã tách hành vi phạm tội của A. để điều tra và giải quyết.

Ngày 06/12/2011, TAND huyện K. đưa vụ án ra xét xử đối với các bị cáo Nguyễn Văn A., Trần Văn B., Hồ Văn C. về tội “Cướp tài sản”. Trong đó, xử phạt Nguyễn Văn A. 07 năm tù; Trần Văn B. 6 năm tù; Hồ Văn C. 05 năm tù tại Bản án hình sự sơ thẩm số 30/2011/HSST ngày 06/12/2011. Ngày 12/01/2012 TAND huyện V. xử phạt Nguyễn Văn A. về tội “Cướp tài sản” với mức phạt 08 năm tù tại Bản án hình sự sơ thẩm số 01/2012/HSST ngày 12/01/2012.

Xung quanh việc xác định tiền án của Nguyễn Văn A. hiện nay tồn tại nhiều quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Nguyễn Văn A. có 02 tiền án, vì mặc dù hiện nay không có văn bản quy phạm pháp luật quy định thế nào là tiền án. Tuy nhiên, có thể hiểu “Tiền án được hiểu là một người phạm tội, bị kết án và bản án đã có hiệu lực pháp luật, họ đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án đó, nhưng họ chưa được xoá án tích”.

Như vậy, Nguyễn Văn A. bị hai tòa án khác nhau xét xử và kết án bằng hai bản án có hiệu lực pháp luật (Bản án hình sự sơ thẩm số 30/2011/HSST ngày 06/12/2011 của TAND huyện K. và Bản án hình sự sơ thẩm số 01/2012/HSST ngày 12/01/2012 của TAND huyện V.) chưa được xóa án tích nên A. có 02 (hai) tiền án là phù hợp.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Nguyễn Văn A chỉ có 01 tiền án. Tôi đồng tình với quan điểm này vì mặc dù Nguyễn Văn A. bị hai tòa án khác nhau xét xử bằng hai bản án, tuy nhiên hành vi phạm tội của A. diễn ra trong một đêm và chỉ cách nhau một khoảng thời gian ngắn nhưng diễn ra ở hai địa phương khác nhau do các Cơ quan tiến hành tố tụng tách ra nên chỉ có thể có 01 tiền án. Quan điểm này cho rằng đối với trường hợp này khi xác định tiền án không nên căn cứ vào Bản án vì nếu như vậy căn cứ vào bản án sẽ gây bất lợi cho bị cáo.

Trường hợp thứ hai: Ngày 23/02/2013, bị cáo Đinh Xuân P. bị tòa án quân sự khu vực 1 Quân khu P. xét xử về tội “Trộm cắp tài sản”diễn ra đêm ngày 08/11/2012và bị xử phạt 04 năm tù. Đến ngày 19/10/2014, khi đang chấp hành án thì bị án Đinh Xuân P. bị phát hiện hành vi trộm cắp tài sản diễn ra đêm ngày 08/11/2012, sau đó P. tiếp tục bị điều tra, truy tố và TAND huyện M. đưa ra xét xử về tội “Trộm cắp tài sản”.

Trường hợp thứ ba: Ngày 13/01/2019 bị cáo Phan Văn V. bị TAND thành phố H. N. tuyên phạt 17 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo Điều 219 (vụ án giải quyết giai đoạn 01). Sau đó bị cáo Phan Văn V. tiếp tục bị điều tra truy tố cũng về tội danh trên và bị đưa ra xét xử (vụ án thuộc giai đoạn 02).

Như vậy, cả ba trường hợp trên các bị cáo đều có một hành vi phạm tội diễn ra cùng một thời điểm nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên bị các tòa án khác nhau xét xử. Nếu xét theo cách hiểu cho rằng “tiền án được hiểu là một người phạm tội, bị kết án và bản án đã có hiệu lực pháp luật, họ đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án đó, nhưng họ chưa được xoá án tích”, thì tất cả các bị cáo trên đều có tiền án mặc dù hành vi phạm tội của họ diễn ra cùng thời điểm. Việc các cơ quan tiến hành tố tụng tách vụ án hoặc vì lý do nào khác mà không thể xét xử cùng một bản án hoàn toàn không do lỗi của bị cáo và nếu như vậy gây bất lợi cho các bị cáo không phù hợp với chính sách hình sự của nước ta. Việc xét xử bằng nhiều bản án khác nhau là hoạt động nghiệp vụ.

Về nguyên tắc, thì một hành vi phạm tội sẽ đặt trong một cấu thành tội phạm hoàn chỉnh, do đó một hành vi phạm tội chỉ xử lý với một tội danh. Như vậy, đối với trường hợp một hành vi phạm tội do nhiều tòa án khác nhau xét xử vì bất kì lý do gì thì không xác định bản án trước là tiền án là hoàn toàn phù hợp.

Trên đây là những vướng mắc bất cập trong việc xác định tiền án. Từ thực tiễn giải quyết và nghiên cứu các quy định của pháp luật về xác định tiền án kiến nghị một số nội dung như sau:

Về khái niệm: “Tiền án là một người phạm tội, bị kết án và bản án đã có hiệu lực pháp luật, đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án đó, nhưng chưa được xoá án tích, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Căn cứ vào trường hợp: “Đối với một hành vi phạm tội nhưng bị các tòa án khác nhau xét xử kết án bằng các bản án thì chỉ xác định có 01 tiền án”.

Từ những bất cập, hạn chế nêu trên thiết nghĩ cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề xác định tiền án để trong thực tiễn thực hiện được thống nhất.

Trần Văn Hùng
(Thẩm phán TAQS khu vực 1, Quân khu 4)