(LSVN) - Trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về công tác phòng chống tham nhũng và vi phạm pháp luật (từ 01/10/2020 đến 30/9/2021), lĩnh vực phạm tội tham nhũng chức vụ có 371 vụ, tăng 22,44%, 657 đối tượng tăng 5,69%.
Ảnh minh họa.
Đáng chú ý là trong lĩnh vực này có tình trạng cán bộ “bảo kê” bao che cho các hành vi phạm tội. Dẫn chứng vụ ông Trần Hùng, cựu Cục phó Cục quản lý thị trường bị bắt vì liên quan đến đường dây sản xuất và tiêu thụ sách giáo khoa giả. Đáng chú ý hơn, ông Hùng là nhân vật nổi tiếng, dũng mãnh trong lĩnh vực mình phụ trách là chống hàng giả.
Việc các cán bộ trong cơ quan chức năng có hành vi đi ngược lại ngay trong nhiệm vụ, trọng trách của mình, chống lại ngay cái mình được giao bảo vệ vốn không phải là chuyện hy hữu. Nhiều vụ việc đình đám đáng xấu hổ đã bị phơi bày và không ít người đã phải nhận sự trừng phạt thích đáng của pháp luật.
Có thể điểm qua một số trường hợp nổi cộm như tướng Công an phụ trách chống tội phạm công nghệ cao lại bao che cho đường dây đánh bạc qua mạng và cũng không ít trường hợp các cán bộ Công an “bảo kê” cho trường gà, sới bạc; Đội trưởng chống buôn lậu Hải quan nhận hối lộ trong vụ 2,7 triệu lít xăng giả, chống buôn lậu nhưng che chắn cho hành vi buôn lậu. Mới đây nhất, ngày 18/10, Công an An Giang bắt một cán bộ Hải quan vì tội danh “Buôn lậu” liên quan tới việc chuyển lậu 100 tấn đường từ Campuchia về Việt Nam; Thanh tra giao thông hoặc Cảnh sát giao thông “bảo kê” cho “xe vua” hoặc xe quá khổ, quá tải vi phạm pháp luật; Phó phòng chống tham nhũng của Thanh tra Bộ Xây dựng lại có hành vi tham nhũng, thanh tra để làm trong sạch bộ máy cán bộ, công chức nhưng chính mình lại làm bẩn bộ máy đó.
Có những người làm Thẩm phán hoặc Kiểm sát viên lại phải đứng vào chỗ của bị cáo bởi những hành vi vi phạm pháp luật mà mình nắm chắc đã từng dùng để buộc tội hoặc tuyên phạt các bị cáo, thật hết sức trớ trêu.
Những người nắm giữ quyền lực được nhà nước giao phó lại dùng quyền lực đó để bao che cho tội phạm, nói cách khác là “bảo kê” đã phải trả cái giá rất đắt cho sinh mạng chính trị và sinh mạng pháp lý của mình đến thân bại, danh liệt.
Những hành vi biểu hiện của sự thoái hóa phẩm chất, đạo đức cán bộ như “bảo kê”, “chống lưng”, “chạy án”, “móc ngoặc”, “sân sau”, “bắt tay dưới gầm bàn”, “ăn đất”,... tiếc thay, không là những từ được tìm thấy trong bất cứ điều luật nào nhưng lại hiện diện trong cuộc sống với những ngôn ngữ đời thường mà ai cũng hiểu. Điều đó mặc nhiên nói lên rằng sự phổ biến của những hành vi đó đã ở mức cao và liên tục cập nhật.
Đang có một chủ trương lớn và thực hiện quyết liệt là việc chống suy thoái đạo đức, lối sống trong cán bộ, đặc biệt là các cán bộ giữ cương vị lãnh đạo. Nhiều hình thức khác nhau được đưa ra như tuyên truyền, quán triệt, phổ biến, yêu cầu thực hiện và cả cảnh báo, răn đe, xử lý kỷ luật và cao hơn là áp dụng các biện pháp hình sự. Tỷ lệ gia tăng cả về số vụ và số người vi phạm trong lĩnh vực phạm tội tham nhũng và chức vụ đã phản ảnh một phần của bức tranh chống tham nhũng và tiêu cực hiện nay với việc đưa chủ trương vào hiện thực.
NHỊ NGỌC
Vấn đề giao dịch vô hiệu khi bên chuyển nhượng tài sản là người phải thi hành án