Bổ sung nghề Luật sư vào kế hoạch phục hồi kinh tế TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 1 là cần thiết

18/09/2021 10:54 | 2 năm trước

(LSVN) - Việc không đưa ngành nghề Luật sư vào danh mục hoạt động trong thời gian giãn cách (bổ trợ hoạt động tư pháp), kế hoạch phục hồi kinh tế với ba giai đoạn khác nhau và bắt đầu từ ngày 15/9/2021 của UBND TP. Hồ Chí Minh là chưa phù hợp với tinh thần của Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ảnh minh họa.

Trong nhiều tháng qua, dịch bệnh Covid-19 đã lan rộng trên phạm vi cả nước, đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh dịch đã gây nên những ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến đời sống nhân dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nhằm hạn chế những ngành nghề không thiết yếu hoạt động và hạn chế việc đi lại với mục đích đảm bảo an toàn về sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Sau gần 4 tháng áp dụng các lệnh giãn cách khác nhau, từ mức độ hạn chế cho đến cấm hoàn toàn gây nên những xáo trộn rất lớn đối với hoạt động kinh doanh. Tại TP. Hồ Chí Minh, UBND thành phố đã ban hành công văn số 2468/UBND-VX ngày 23/7/2021 và 2718/UBND-VX ngày 15/8/2021 thực hiện các biện pháp chống dịch trên tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, tại các văn bản của UBND thành phốTP. Hồ Chí Minh lại “bỏ quên” nghề Luật sư trong danh mục những ngành nghề được phép hoạt động theo Chỉ thị 16/CT-TTg và Công văn số 2601/VPCP-KGVX ngày 03/4/2020 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg.

Việc không đưa ngành nghề Luật sư vào danh mục hoạt động trong thời gian giãn cách (bổ trợ hoạt động tư pháp) của UBND TP. Hồ Chí Minh là chưa phù hợp với tinh thần của Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, điều này cũng không phù hợp với tinh thần, nội dung của Công văn số 1221/BTP-PLHSHC ngày 03/4/2020 của Bộ tư pháp đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cho các tổ chức hành nghề công chứng, Luật sư được tiếp tục hoạt động.

Vì một chiến lược “sống chung với dịch” một cách an toàn, đồng thời khôi phục sản xuất kinh tế, nên UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch phục hồi kinh tế với ba giai đoạn khác nhau và bắt đầu từ ngày 15/9/2021. Tuy nhiên, qua tham khảo Dự thảo kế hoạch phục hồi kinh tế của UBND thành phố, chúng tôi thấy rằng tại danh mục ngành nghề hoạt động vẫn không nêu dịch vụ pháp lý bổ trợ hoạt động tư pháp được đưa vào từ giai đoạn 1 từ ngày 15/9/2021, mà hoạt động này chỉ được thành phố đưa vào giai đoạn 3 là sau ngày 15/01/2022.

Như đã nói trên, việc không xác định ngành nghề dịch vụ pháp lý là thiết yếu là không đúng tinh thần của Chỉ thị 16 và ảnh hưởng rất lớn đến hơn 6000 Luật sư đang hoạt động tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Vì sao dịch vụ pháp lý là thiết yếu?

Trước tiên, trong ngành nghề dịch vụ pháp lý tạm chia thành hai lĩnh vực đó là, hoạt động tố tụng tại các cơ quan tiến hành tố tụng và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, cá nhân. Đặc biệt, mảng hoạt động tố tụng tại các cơ quan tố tụng thì các Luật sư không thể thiếu vì đây là điều kiện cần và đủ để đảm bảo tuân thủ các quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và các quy định có liên quan khác của pháp luật. Việc tham gia tố tụng vào các hoạt động tố tụng trong những vụ án hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại,… của Luật sư gắn liền với quá trình giải quyết vụ án của cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án, các cơ quan trọng tài thương mại nói chung. Điển hình như các vụ án hình sự, mà theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự bắt buộc phải có Luật sư tham gia khi người bị cáo buộc có mức án đến 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình. Như vậy, các cơ quan tố tụng muốn tuân thủ pháp luật thì phải cần thiết có Luật sư tham gia.

Ngoài ra, rất nhiều những vụ án đang trong quá trình giải quyết, Luật sư là một chủ thể trong tham gia tố tụng thì bắt buộc cơ quan tiến hành tố tụng phải mời Luật sư thực hiện nhiệm vụ của mình thì mới đảm bảo quá trình giải quyết. Như vậy, khi cho phép các cơ quan tố tụng hoạt động mà không cho ngành dịch vụ pháp lý hoạt động thì xem như “cắt đứt” chuỗi công việc nhằm bổ trợ cho động tư pháp thực hiện nhiệm vụ của mình.

Liên quan đến hoạt động dịch vụ pháp lý, các tổ chức hành nghề Luật sư khi hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cá nhân bắt buộc phải liên hệ trực tiếp với các cơ quan nhà nước, các tổ chức, đơn vị khác để thực hiện các thủ tục hồ sơ theo bộ thủ tục hành chính. Do có nhiều hoạt động có thể thực hiện trực tuyến, nhưng cũng có rất nhiều hoạt động của cơ quan nhà nước bắt buộc phải trực tiếp, chính vì thế, dịch vụ pháp lý cũng phải cần thiết di chuyển, đặc biệt là trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp khi phục hồi kinh tế.

Như vậy, tính thiết yếu của ngành nghề dịch vụ pháp lý thể hiện trên hai phương diện. Thứ nhất, đó là đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật khi là một đơn vị hoạt động bổ trợ tư pháp cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Thứ hai, tạo điều kiện như là một “đầu mối” thực hiện chức năng hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cá nhân trong kế hoạch khôi phục kinh tế và giải quyết các thủ tục pháp lý tại các cơ quan nhà nước.

Ngoài ra, tính thiết yếu còn thể hiện trên phương diện đảm bảo quyền cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật nói chung.

Luật sư TRẦN BÁ HỌC

Đoàn Luật sư Hồ Chí Minh

Kiến nghị đưa nghề Luật sư vào kế hoạch phục hồi kinh tế TP. HCM giai đoạn 1