Ca nhiễm Covid-19 thứ 100: Có thể xử lý hình sự?

23/03/2020 14:29 | 4 năm trước

(LSO) - Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP. HCM cho rằng, nếu chiếu theo Luật Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, ca bệnh thứ 100 sẽ bị xử phạt hành chính ở mức từ 5 đến 10 triệu đồng, nghiêm trọng hơn có thể bị xử lý hình sự.

Bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 100 là nam, 55 tuổi, quốc tịch Việt Nam. Trú tại quận 8, TP. Hồ Chí Minh. Ngày 03/3/2020, người này đi từ Kuala Lumpur, Malaysia về Việt Nam.

Ngay sau khi về nước, bệnh nhân đã được hướng dẫn tự cách ly tại nhà vì những yếu tố nguy cơ có liên quan đến sự bùng phát dịch bệnh tại nước bạn sau Thánh lễ Hồi giáo. Tuy nhiên, người này đã không tuân thủ các khuyến cáo cách ly của cơ quan chức năng.

Trong thời gian từ ngày 04/3 đến ngày 17/3, bệnh nhân đã liên tục đi lễ tại Thánh đường Hồi giáo Jamiul Anwar, số 157B/9 Dương Bá Trạc, phường 1, quận 8, TP. HCM.

Ngày 18/3, mặc dù bệnh nhân chưa có dấu hiệu bệnh nhưng được Trung tâm Y tế quận 8 lấy mẫu giám sát theo nhóm người dự lễ hội từ Malaysia.

Theo kết quả xét nghiệm nhận được lúc 20h ngày 22/3 từ Viện Pasteur TP. HCM, người này đã dương tính với virus SARS-CoV-2.

Hành vi trốn cách ly gia tăng nguy cơ phát tán dịch bệnh.

Ngay sau khi xác định ca bệnh, giải pháp khoanh vùng xử lý dịch đã được ngành thành phố khẩn trương thực hiện.

UBND quận 8 đã vận động 129 người liên quan đi cách ly tập trung; vận động người thân của họ tự cách ly tại nhà.

Ngoài ra, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của quận và phường tiếp tục vận động cộng đồng người Chăm theo đạo Hồi khai báo y tế nếu tiếp xúc với nhóm người vừa đi cách ly tập trung.

Trước đó, UBND quận 8 đã đưa cách ly tập trung, điều tra dịch tễ 11 người tiếp xúc trực tiếp, thường xuyên với bệnh nhân số 100.

Có thể xử lý hình sự

Hành vi trốn cách ly, gia tăng nguy cơ phát tán dịch bệnh, xem thường sức khỏe, sinh mạng của cộng đồng đang gây tâm lý bức xúc cho xã hội và các chuyên gia trong lĩnh vực y tế.

Trả lời báo chí, Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP. HCM cho rằng: “Rõ ràng ca bệnh thứ 100 đã có hành vi trốn cách ly làm gia tăng nguy cơ phát tán dịch Covid-19. Đây là hành vi nguy hiểm, đe dọa an toàn của cả cộng đồng, dù đang mắc bệnh nhưng hành vi này của người bệnh cần phải xử phạt nóng để làm gương cho những người khác”.

Bác sĩ Khanh đánh giá: “Ca bệnh thứ 17 cơ quan chức năng nói sẽ phạt, đến ca bệnh thứ 34 lại nói chờ xong phạt, điều đó đã làm phát sinh ra ca bệnh thứ 100. Hồng Kông, Đài Loan thành công trong phòng chống dịch chính là do phạt "nóng". Nếu chiếu theo Luật Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, ca bệnh thứ 100 sẽ bị xử phạt hành chính ở mức từ 5 đến 10 triệu đồng, nghiêm trọng hơn có thể bị xử lý hình sự”.

Lãnh đạo Sở Y tế TP. HCM cho biết: “Hiện tại, chúng tôi đang phải tập trung chủ lực vào việc tìm kiếm những trường hợp tiếp xúc với ca bệnh để thực hiện biện pháp cách ly, khoanh vùng xử lý dịch. Hành vi của người bệnh nếu chiếu theo luật thì sẽ bị xử lý. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, cách tốt nhất là động viên người bệnh an tâm điều trị, từ thông tin người bệnh cung cấp để tìm kiếm những người tiếp xúc gần, việc xử phạt sẽ hạ hồi phân giải”.

Luật sư Nguyễn Hồng Tâm, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, hành vi trốn cách ly, gia tăng nguy cơ phát tán dịch bệnh, xem thường sức khỏe, sinh mạng của cộng đồng cần phải được xử lý nghiêm, nhằm răn đe, đảm bảo lợi ích chung của cộng đồng.

Đối với ca bệnh thứ 100, theo Luật sư Tâm, tùy vào mức độ nguy hiểm của hành vi và hậu quả gây ra mà cần áp dụng các quy định trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và Bộ luật Hình sự năm 2015 hoặc xử phạt hành chính theo quy định tại nghị định 176/2013/NĐ-CP để xử lý.

Luật sư Nguyễn Tiến Trung, Công ty Luật Trung Nguyễn cho rằng, trong trường hợp hành vi trốn cách ly gây hậu quả nghiêm trọng, các cơ quan chức năng có thể xem xét để khởi tố vụ án, khởi tố bị can về “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo quy định tại Điều 240 Bộ Luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt cao nhất đến 12 năm tù.

Trách nhiệm của mỗi người

Chia sẻ về vấn đề này, Luật sư Hoàng Tùng, Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho biết, dù đã có rất nhiều thông tin với mục đích tuyên truyền, giáo dục và hướng dẫn người dân phối hợp với cơ quan chức năng để tiến hành phòng và chống dịch bệnh nhưng vẫn còn rất nhiều người chưa thực sự phối hợp và đôi khi còn chống đối.

Chốt kiểm soát tại khu vực bệnh nhân 100 sinh sống.

Đối với mỗi người dân đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, Việt kiều trở về quê hương tránh dịch, chữa bệnh hay những du khách, người ngoại quốc nhập cảnh vào Việt Nam trong thời gian này cần phải tự có trách nhiệm với bản thân trong công tác phòng chống dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe chính mình. Đây là quyền lợi của mỗi cá nhân, và cũng là nghĩa vụ trong tình hình hiện nay.

Với cơ quan chức năng, qua đây cũng cần phải tự kiểm điểm lại trách nhiệm của bản thân khi để các bệnh nhân, người nghi nhiễm ngang nhiên bỏ trốn khỏi khu cách ly và khu điều trị. Đã có rất nhiều người có hành vi gian dối để né tránh, bỏ trốn thực hiện cách ly y tế, vì thế mà công tác quản lý rà soát cần phải được quán triệt và siết chặt hơn nữa. Tránh tình trạng thiếu trách nhiệm trong công vụ của cán bộ dẫn đến tình trạng mất kiểm soát, vô tình tiếp tay cho người dân có cơ hội để trốn tránh việc cách ly. Cũng cần phải có biện pháp xử lý thích đáng đối với những hành vi nêu trên.

Hơn nữa, cơ quan chức năng cần xem xét lại về hình thức xử phạt, mức xử phạt và cách áp dụng đối với những người vi phạm liệu có phải là vẫn còn nhẹ nên tình trạng trốn tránh vẫn cứ xảy ra.

Bộ luật Hình sự 2015.
Điều 240. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người
Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;
c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;
b) Làm chết người.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:
a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;
b) Làm chết 02 người trở lên.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Thành Trung - Thanh Hà