Các bị can trong vụ CDC Hà Nội có được giảm hình phạt khi đã nhận tội và tự nguyện khắc phục hậu quả?

06/05/2020 16:43 | 3 năm trước

(LSO) - Việc bị can thừa nhận hành vi phạm tội ở vụ án này cũng sẽ là cơ sở cho cơ quan điều tra mở rộng điều tra đối với sai phạm ở các địa phương khác liên quan đến việc xác định giá cả của hệ thống xét nghiệm Covid-19, cũng như phương thức thủ đoạn nâng giá trong hợp đồng để chiếm đoạt tiền của Nhà nước.

7 bị can bị bắt giữ trong vụ CDC Hà Nội.

Chiều tối ngày 05/5, tại phiên họp báo thường kì tháng 4/2020 của Chính phủ, nhiều phóng viên báo chí đã đặt câu hỏi với Trung tướng Lương Tam Quang - Thứ trưởng Bộ Công an về vụ án xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội.

Quá trình điều tra bước đầu xác định các đối tượng đã câu kết, nâng khống giá gói thầu mua hệ thống xét nghiệm Covid-19 gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.

Trung tướng Lương Tam Quang cho biết: "Kết quả bước đầu xác định các đối tượng cùng với các công ty cấu kết gian lận thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm hệ thống xét nghiệm của Covid-19 lên gấp 3 lần. Hiện nay, các đối tượng đã khai nhận hành vi phạm tội và tự nguyện khắc phục hậu quả, nộp lại khoản tiền này".

Vậy, việc các bị can thừa nhận hành vi phạm tội, tự nguyện khắc phục hậu quả có được miễn giảm trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật tố tụng hiện hành?

Mỗi hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý một lần

Theo Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, nếu lời khai nhận tội của các bị can phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thì là căn cứ để tòa án kết tội các bị can trong vụ án này.

Đồng thời, việc thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả sẽ là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự. Việc bị can tự nhận thức được sai lầm của mình và tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả hoặc tác động để gia đình bồi thường khắc phục sẽ là tình tiết giảm nhẹ đáng kể trách nhiệm hình sự. Còn việc gia đình tự nguyện bồi thường khắc phục mà không có sự tác động của bị can thì chỉ giảm nhẹ phần nào.

Việc quyết định bị can có tội hay không, tội gì và hình phạt như thế nào cho phù hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo quy định của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự hiện hành.

Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường.

Trong vụ án này, yếu tố chiếm đoạt tài sản của Nhà nước có thể sẽ bị xem xét xử lý thêm trách nhiệm pháp lý ngoài trách nhiệm theo quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Bởi, tội danh này chỉ quy định về việc gây thiệt hại cho Nhà nước còn yếu tố chiếm đoạt tài sản của Nhà nước không được đề cập trong Điều luật này...

Ngoài ra, việc bị can thừa nhận hành vi phạm tội ở vụ án này cũng sẽ là cơ sở cho cơ quan điều tra mở rộng điều tra đối với sai phạm ở các địa phương khác liên quan đến việc xác định giá cả của hệ thống xét nghiệm Covid-19, cũng như phương thức thủ đoạn nâng giá trong hợp đồng để chiếm đoạt tiền của Nhà nước.

Ngoài hành vi vi phạm quy định về đấu thầu thì hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản của nhà nước có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm tội danh khác về chức vụ và tham nhũng. Vấn đề này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ theo nguyên tắc mỗi hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý một lần. Hành vi thỏa mãn dấu hiệu của tội danh nào thì sẽ bị xử lý về tội danh đó.

Tuyệt đối không bao che vi phạm

Liên quan đến vụ việc, chiều 06/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu Quốc hội ứng cử tại Đơn vị bầu cử số 5, đã tiếp xúc cử tri quận Bắc Từ Liêm trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV.

Giám đốc CDC Hà Nội - Nguyễn Nhật Cảm bị bắt về hành vi nâng khống giá máy xét nghiệm.

Trả lời kiến nghị của cử tri về vụ án xảy ra tại CDC Hà Nội, Bí thư Thành ủy cho biết, lãnh đạo Thành phố rất bất bình, đau xót vì sai phạm của một số cán bộ ngành y tế như ở CDC Hà Nội.

Ông Huệ cho biết, tinh thần của Thành ủy, Thành phố đồng tình phải xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật, tuyệt đối không bao che vi phạm.

Trước đó, sáng 17/4, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì phiên họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP. Hà Nội.

Tại buổi họp, ông Chung nói: "Quan điểm của Thường trực Thành ủy, Bí thư Thành ủy và Ban Chỉ đạo phòng dịch Covid-19 TP. Hà Nội là các trường hợp vi phạm phải được điều tra xử lý và xử lý nghiêm; không nương nhẹ với trường hợp nào".

"Trong dịch bệnh mà có các trường hợp này sẽ là những tình tiết tăng nặng", Chủ tịch UBND TP. Hà Nội khẳng định.

Sẽ xử lý nếu phát hiện sai phạm tại các địa phương?

Cũng tại buổi họp báo Chính phủ thường kì tháng 4/2020 vào chiều tối 05/5, nhiều câu hỏi của phóng viên báo chí với đại diện Bộ Công an về việc sau sự việc xảy ra tại CDC Hà Nội, hàng loạt tỉnh bắt đầu công bố giảm giá máy xét nghiệm, cho thấy dấu hiệu bất thường.

Sau Hà Nội, nhiều địa phương khác đã có thông tin "bất thường" về việc mua máy xét nghiệm.

Vậy ngoài Hà Nội, Bộ Công an có kế hoạch mở rộng điều tra ra các địa phương khác trong việc mua sắm thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19 hay không?

Theo Thứ trưởng Quang, qua nắm tình hình, có nhiều địa phương trong cả nước vừa qua cũng tổ chức mua các thiết bị, hóa chất, khẩu trang y tế để chống dịch. Bộ Công an đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ, và Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, thẩm định, thanh tra.

Các địa phương đã vào cuộc thanh tra việc thực hiện mua sắm các gói thầu trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh phục vụ phòng chống dịch, trong đó có các gói thầu mua sắm máy xét nghiệm sinh hóa, máy thở, khẩu trang y tế...

"Sau khi Thanh tra Bộ Y tế hoặc Thanh tra các tỉnh thành rà soát, thanh tra, nếu thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cơ quan Công an sẽ tiếp nhận, xử lý theo đúng quy định", Thứ trưởng Lương Tam Quang khẳng định.

Căn cứ kết quả điều tra và tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 22/4/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội, Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST) và các đơn vị liên quan; Quyết định khởi tố bị can; Lệnh khám xét và Lệnh bắt bị can để tạm giam, áp dụng các biện pháp ngăn chặn về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Khoản 3, Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, đối với:
1. Nguyễn Nhật Cảm, sinh năm 1963, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội;
2. Nguyễn Vũ Hà Thanh, sinh năm 1979, Trưởng phòng Tài chính kế toán Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội;
3. Đào Thế Vinh, sinh năm 1975, Giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST);
4. Nguyễn Trần Duy, sinh năm 1980, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành;
5. Nguyễn Ngọc Nhất, sinh năm 1986, nhân viên Công ty TNHH Phát triển khoa học Vitech;
6. Nguyễn Thanh Tuyền, sinh năm 1985, nhân viên Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông;
7. Lê Xuân Tuấn, sinh năm 1982, nhân viên Phòng Tài chính kế toán Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội.

LÊ HOÀNG

/luat-su-tran-hong-phong-hy-vong-phien-toa-giam-doc-tham-se-xem-xet-mot-cach-khach-quan-co-phan-quyet-tot-nhat-doi-voi-ho-duy-hai.html