Cách ly vì dịch Covid-19: Những quyền lợi mà người lao động nên biết

31/07/2020 00:40 | 3 năm trước

(LSO) - Việc xảy ra dịch bệnh là sự kiện khách quan, sự kiện bất khả kháng nên việc cách ly phòng chống dịch bệnh theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là tình huống bất khả kháng. Chính vì vậy, thiệt hại xảy ra do áp dụng biện pháp cách ly, phía áp dụng biện pháp cách ly không chịu trách nhiệm bồi thường.

Ảnh minh họa.

Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát với tính chất và mức độ rất nguy hiểm. Ở Việt Nam 06 ngày qua ghi nhận 103 ca nhiễm Covid-19. Trong đó, Đà Nẵng 79 ca, Quảng Ngãi 01 ca, Quảng Nam 08 ca, Hà Nội 02 ca, Đắk Lắk 01 ca, TP. HCM 02 ca. Các bệnh nhân này đều có yếu tố dịch tễ liên quan Đà Nẵng. Tổng số ca nhiễm hiện tại la 509 ca.

Việt Nam đã có nhiều biện pháp khẩn cấp tích cực nhằm đối phó với dịch bệnh, như tiếp tục triển khai các biện pháp cách ly y tế, kiểm soát chặt việc xuất nhập cảnh, xử lý các trường hợp vi phạm, tung tin sai sự thật về dịch bệnh…

Trong đó, liên quan đến việc tiến hành cách ly y tế bắt buộc, các trường hợp bị dương tính, có tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc gián tiếp với người bị nhiễm bệnh đều được đưa vào diện cách ly theo dõi. Điều này nhằm kịp thời phát hiện các ca nhiễm bệnh và tránh lây lan trên diện rộng.

Tuy nhiên, những cá nhân bị cách ly tập trung hoặc kiểm soát cách ly tại nhà sẽ gặp bất tiện trong hoạt động, công việc thường ngày. Nhiều người đang đi du lịch tại Đà Nẵng nhưng bị cách ly do trước đó có tiếp xúc với người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19. Việc này khiến họ lo lắng về quyền lợi, thiệt hại, trách nhiệm của mình đối với các công việc cá nhân cần giải quyết như các quan hệ kinh tế, dân sự, giải quyết tranh chấp…

Sự kiện bất khả kháng

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội thì đây là một sự kiện bất khả kháng theo quy định của pháp luật.

Việc xảy ra dịch bệnh là sự kiện khách quan, sự kiện bất khả kháng nên việc cách ly phòng chống dịch bệnh theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là tình huống bất khả kháng. Chính vì vậy, thiệt hại xảy ra do áp dụng biện pháp cách ly, phía áp dụng biện pháp cách ly không chịu trách nhiệm bồi thường.

Tuy nhiên, theo Luật sư Hà có những vấn đề hiện pháp luật vẫn chưa quy định cụ thể hoặc các bộ, ban, ngành cũng chưa có công văn hướng dẫn.

Đối với trường hợp khi có người bị cách ly do tiếp xúc với người dương tính hoặc đang xác định dương tính mà công việc của họ bị ảnh hưởng thì trước mắt vẫn phải dựa trên tinh thần hỗ trợ nhau trong hoàn cảnh này. Việc cách ly là điều không ai muốn và tuy nói cách ly nhưng người dân vẫn có thể sử dụng các thiết bị điện tử thông thường như điện thoại, máy tính, wifi,… là những công cụ giúp trao đổi thông tin và người dân có thể làm việc online. Còn đối với những người đang vướng phải các vấn đề pháp lý liên quan đến dân sự và hình sự thì cách ly vẫn là việc bắt buộc phải thực hiện. Các vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý có thể được dời lại thực hiện sau.

Dựa vào thỏa thuận

Đối với một số trường hợp bị cách ly, quyền lợi của họ bị ảnh hưởng một cách trực tiếp. Chẳng hạn như việc, một người đặt vé khứ hồi của các hãng máy bay, nhưng khi họ mới thực hiện việc bay chiều đi thì bị cách ly. Hết thời hạn cách ly thì chiều về của họ đã qua. Vậy, trường hợp nào giải quyết thế nào?

Luật sư Hoàng Tùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng việc mua vé máy bay khứ hồi và tiến hành bay là việc sử dụng dịch vụ hàng không dân dụng do hai bên thỏa thuận. Luật Hàng không dân dụng Việt Nam không quy định cụ thể về một số các dịch vụ liên quan đến dịch vụ bay. Việc mua vé máy bay, quyền lợi và nghĩa vụ liên quan khi mua từng loại vé sẽ do hai bên thỏa thuận. Nói cách khác là khách hàng và hãng hàng không họ lựa chọn sẽ có những thỏa thuận về việc có hoàn trả hay không trong trường hợp chỉ bay được 1 chiều của vé khứ hồi vì họ bị cách ly theo quy định.

“Tuy nhiên, trước tình trạng bị cách ly không nằm trong sự kiểm soát và dự liệu trước đó khi khách hàng mua vé, vì thế mà các hãng hàng không cũng cần xem xét, hỗ trợ cho khách hàng của mình khi họ không may phải tiến hành cách ly”, Luật sư Tùng nêu quan điểm.

Luật sư Hà cũng cho rằng, hiện Nhà nước vẫn chưa có quy định cụ thể trong vấn đề này. Nếu hãng bay chấp nhận lý do này thì khách hàng có thể được hoàn tiền chiều về 100% hoặc 1 khoản tiền nhất định, Nhà nước cũng không thể bắt buộc các hãng bay phải có cơ chế hoàn tiền cho khách hàng khi chính các doanh nghiệp này cũng đang gặp khủng hoảng tài chính trong mùa dịch.

Người lao động không có lỗi

Nhiều trường hợp người lao động đang làm việc bình thường nhưng bị cách ly, theo Luật sư Hà trong tình huống này người lao động không có lỗi.

Căn cứ khoản 2, Điều 130, Bộ luật Lao động năm 2012 (BLLĐ), người lao động ngừng thực hiện công việc theo hợp đồng lao động do bị cách ly dịch bệnh, nếu gây thiệt hại thì không phải bồi thường.

Cũng theo khoản 3, Điều 98, Bộ luật Lao động, người lao động ngừng việc trong trường hợp trên vẫn được trả lương nhưng khoản lương ngừng việc trong trường hợp này do hai bên thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Đối với người sử dụng lao động, căn cứ khoản 2, Điều 12, Nghị định 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số nội dung Bộ luật Lao động 2012 thì dịch bệnh được xem như một trường hợp bất khả kháng và người sử dụng lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 38, Bộ luật Lao động.

Theo đó, người sử dụng lao động được quyền chấm dứt hợp đồng lao động nếu do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc. Tuy nhiên, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 45 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn, 30 ngày làm việc với hợp đồng xác định thời hạn, 03 ngày làm việc đối với trường hợp hợp đồng lao động mùa vụ hoặc trường hợp theo điểm b, khoản 1, Điều 38, Bộ luật Lao động. Người lao động được chi trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại khoản 1, Điều 48, Bộ Luật này.

Theo Luật sư Tùng, hiện nay pháp luật về lao động chưa có quy định nào đối với trường hợp người lao động bị cách ly vì nghi nhiễm bệnh do đại dịch. Rõ ràng, đối với người lao động bị cách ly, họ không biết, lung túng khi mình xin nghỉ làm với lý do gì vì hoàn toàn không có quy định, hướng dẫn cụ thể nào. Ngược lại, thì người sử dụng lao động cũng chưa biết xử sự như thế nào.

“Trường hợp này phụ thuộc nhiều vào thỏa thuận giữa hai bên, nhưng liệu trong mối quan hệ này thì có bình đẳng hay thiệt thòi cho người lao động? Khi mà mỗi một nơi, một đơn vị, một doanh nghiệp sẽ áp dụng khác nhau”, Luật sư Tùng chia sẻ.

THANH THANH

/nguoi-lao-dong-nghi-cach-ly-bi-tinh-vao-nghi-phep-nam-co-dung-khong.html