Cán bộ giảng viên đại học không tham gia coi thi, chấm thi tốt nghiệp THPT

20/05/2020 02:35 | 3 năm trước

(LSO) - Ngày 20/5, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2020, theo dự thảo, cán bộ, giảng viên đại học sẽ không tham gia vào bất cứ khâu nào, từ coi thi cho đến chấm thi như những năm trước.

Ngày 20/5, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT dự kiến sẽ áp dụng từ kỳ thi năm 2020 đã nêu rõ, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ tổ chức thi 5 bài thi, bao gồm: 3 bài thi độc lập là toán, ngữ văn, ngoại ngữ; bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (gồm các môn thi thành phần vật lý, hóa học, sinh học); bài thi tổ hợp khoa học xã hội (gồm các môn thi thành phần lịch sử, địa lý, giáo dục công dân) đối với thí sinh học chương trình giáo dục THPT hoặc các môn thi thành phần lịch sử, địa lý (đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT).

Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh học chương trình Giáo dục phổ thông cấp THPT phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn. 

Đối với những thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT phải dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn. Thí sinh GDTX có thể dự thi bài thi Ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh.

Còn với những thí sinh đã tốt nghiệp THPT và tốt nghiệp trung cấp mà tham dự lại kỳ thi, sẽ được dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp theo nguyện vọng.

Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, KHTN và KHXH thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan (gọi chung là bài thi trắc nghiệm). Bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận (gọi chung là bài thi tự luận).

Thời gian làm bài thi Ngữ văn 120 phút; Toán 90 phút; Ngoại ngữ 60 phút; 50 phút đối với mỗi môn thi thành phần của bài thi tổ hợp KHTN và KHXH.

Nội dung đề thi nằm trong chương trình cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12 (chương trình đã được tinh giản).

Dự thảo quy chế nêu: mỗi tỉnh tổ chức một hội đồng thi, do sở GD-ĐT chủ trì, để tổ chức thi cho tất cả các thí sinh đăng ký dự thi tại tỉnh. Mỗi hội đồng thi có các điểm thi để tổ chức khâu coi thi trong kỳ thi.

Ban coi thi, chấm thi đều do giám đốc sở GD-ĐT thành lập, trường đại học sẽ không tham gia coi thi, chấm thi

Nếu như các năm trước và đặc biệt là năm 2019, với kỳ thi THPT quốc gia, có tới 50% số giám thị được điều động về các địa phương để coi thi; các trường ĐH uy tín được phân công nhiệm vụ chủ trì công tác chấm thi trắc nghiệm thì năm nay lực lượng này đã rút hoàn toàn khi kỳ thi đổi tên thành kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ giao cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì. Trong đó, lãnh đạo UBND tỉnh/thành là trưởng ban chỉ đạo thi. Trách nhiệm coi thi, chấm thi bao gồm cả chấm tự luận và trắc nghiệm hoàn toàn thuộc lãnh đạo, cán bộ tại địa phương.

Mỗi tỉnh tổ chức một Hội đồng thi, do sở GD-ĐT chủ trì, để tổ chức thi cho tất cả các thí sinh đăng ký dự thi tại tỉnh. Mỗi hội đồng thi có các điểm để tổ chức khâu coi thi trong kỳ thi.

Được biết, thành phần coi thi kỳ thi tốt nghiệp THPT ở hội đồng thi cấp tỉnh sẽ gồm: trưởng ban do lãnh đạo hội đồng thi kiêm nhiệm; phó trưởng ban thường trực là lãnh đạo sở GD-ĐT hoặc lãnh đạo phòng quản lý thi của sở GD-ĐT, các phó trưởng ban khác là lãnh đạo sở GD-ĐT, lãnh đạo một số phòng thuộc sở GD-ĐT và hiệu trưởng trường phổ thông; ủy viên, thư ký là lãnh đạo, chuyên viên các phòng của sở GD-ĐT, lãnh đạo và giáo viên trường phổ thông.

Ở khâu chấm thi, dự thảo vẫn quy định việc chấm kiểm tra 5% số bài thi rút ngẫu nhiên. Bên cạnh đó, trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ quyết định thành lập hội đồng chấm thẩm định toàn bộ hoặc một số bài thi, kiểm tra kết quả chấm phúc khảo của một số hội đồng thi.

Trong thành phần chấm thẩm định này, ngoài lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ GD-ĐT, giáo viên, giảng viên có chuyên môn tốt cũng sẽ được huy động.

Điểm tốt nghiệp: Kết quả thi chiếm 70%
Theo quy định, điểm xét tốt nghiệp THPT năm nay gồm tổng điểm của 4 bài thi bắt buộc x7 cộng với điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh x3, cộng với điểm ưu tiên (nếu có).
Điểm bài thi của thí sinh được quy về thang điểm 10 để tính điểm xét tốt nghiệp. Điểm xét tốt nghiệp được lấy đến hai chữ số thập phân, do phần mềm máy tính tự động thực hiện.
Những thí sinh đủ điều kiện dự thi, không bị kỷ luật hủy kết quả thi, tất cả các bài thi để xét công nhận tốt nghiệp đều đạt trên 1,0 điểm theo thang điểm 10 và có ĐXTN từ 5,0 điểm trở lên được công nhận tốt nghiệp THPT.

LÂM HOÀNG (t/h)

/de-nghi-da-nang-bao-cao-tinh-trang-nguoi-trung-quoc-su-dung-dat-o-vi-tri-trong-yeu.html