Cần có phương án, chiến lược ứng phó với hình thái “đa thiên tai” ngày càng xuất hiện rõ nét

02/11/2020 06:42 | 3 năm trước

(LSVN) - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế và các đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm...

(LSVN) - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế và các đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm chiến lược ứng phó với thiên tai trong giai đoạn mới trong khi hình thái “đa thiên tai” ngày càng xuất hiện rõ nét.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế tham gia thảo luận tại tổ.

Sáng 2/11, tham gia thảo luận đóng góp ý kiến về phát triển kinh tế- xã hội ở tổ, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế, đã có những đánh giá cũng như đưa ra các kiến nghị, đề xuất các phương án ứng phó với hình thái “đa thiên tai” ngày càng xuất hiện rõ nét; ứng phó dịch Covid-19 trong giai đoạn mới; thu hút đầu tư nước
ngoài và công tác hỗ trợ, phát triển vùng kinh tế miền núi và vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế nhấn mạnh, chúng ta chưa kịp gượng dậy sau đại dịch Covid-19 lại phải chịu tác động của bão lụt dồn dập tàn phá. Trong thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng như các tỉnh miền trung phải hứng chịu nhiều cơn bão, lũ trong một thời gian rất ngắn. Bên cạnh sự thiệt hại về tài sản thì điều đau thương nhất là sự hy sinh của các bộ, chiến  sĩ và người dân do bão lũ gây ra. Hiện nay, tỉnh đang tập trung khắc phục, phụ hồi sau lũ và tìm kiếm thi thể các nạn nhân mất tích ở Rào Trăng 3. 

Trước những thiệt hại do bão lũ, ông Phan Ngọc Thọ đã tri ân, cảm ơn Đảng, Chính phủ và sự chia sẻ, hỗ trợ tích cực của các tỉnh miền Nam, miền Bắc cho Nhân dân vùng bị ảnh hưởng của bão lụt miền Trung, trong đó có Thừa Thiên- Huế.

Qua dịch bệnh Covid-19, qua lụt bão có nhiều vấn đề cần đặt ra. Công tác phòng tránh vẫn quan trọng nhất. Trong phòng chống bão lụt, ngoài phương châm “4 tại chỗ”, Thừa Thiên - Huế có thêm phương châm “tự quản tại chỗ”. Để thực hiện tốt các phương châm trên, cần chuẩn bị hậu cần tại chỗ tốt trước khi bão lụt xuất hiện, nhất là ở các vùng chia cắt, vùng xung yếu, vùng ngập sâu dài ngày. Khi đã bị cô lập cần phát huy vai trò của “4 tại chỗ”. Ngoài ra lực lượng cứu hộ phải chuyên nghiệp, phương tiện vật chất hiện đại, tương đối để thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn. Đặc biệt là cứu nạn trên biển, núi, địa hình và thời tiết phức tạp.

Mưa lũ đã gây ra nhiều thiệt hại cho tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Đề nghị Chính phủ quan tâm, hỗ trợ phục hồi cho khu vực miền Trung, hiện các địa phương đã qua giai đoạn hỗ trợ khẩn cấp và tập trung lãnh đạo, điều hành, cương quyết và khẳng định không để người dân bị đói, rét. Vấn đề ở đây là cần hỗ trợ để phục hồi, để tái thiết sản xuất, sửa chữa đường sá, đê kè, chống xâm thực bờ biển… Đề nghị Chính phủ quan tâm chiến lược ứng phó với thiên tai trong giai đoạn mới trong khi hình thái “đa thiên tai” ngày càng xuất hiện rõ nét. Cần có những đánh giá thấu đáo về sự tàn phá của thiên tai, bão lụt và xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, tăng cường thông tin cho chính
quyền và người dân.

Đối với phòng chống Covid-19, chúng ta phải có chiến lược đánh giá thận trọng về dịch bệnh; cần có một chiến lược tốt trong phòng, chống dịch Covid-19. Vừa qua, chúng ta đã có kinh nghiệm trong các đợt phòng dịch, song diễn biến trong thời gian đến sẽ rất phức tạp; Chính phủ cần cân nhắc thận trọng trong việc mở cửa trở lại.

Để thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh vừa phục hội phát triển kinh tế, đề nghị Chính phủ cần quan tâm đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế. Trong đó cần có chính sách riêng nhằm kêu gọi các đầu tư, chuyển đổi các giá trị sản xuất từ các nước đang có xu hướng về Việt Nam, đặc biệt là Nhật, Hàn Quốc, Mỹ…

Liên quan đến vấn đề hỗ trợ, phát triển vùng kinh tế miền núi và vùng kinh tế đặc biệt khó khăn trong chương trình mục tiêu quốc gia. Đề nghị cần nghiên cứu lại khu vực miền núi, đảm bảo cơ sở hạ tầng, hạn chế thiệt hại về người và tài sản đã xay ra trong thời gian vừa qua trên địa bàn các vùng miền núi và khu vực miền trung.

HOÀNG NGHĨA

/dau-hieu-oan-sai.html