Cần hình sự hóa hành vi “thổi giá” bất động sản, trục lợi cá nhân

04/04/2020 16:46 | 4 năm trước

(LSO) - Luật sư Trương Anh Tú cho rằng cần thiết phải cải cách pháp luật trong lĩnh vực bất động sản, cụ thể là hình sự hóa các hành vi “thổi giá” bất động shản để khi có thực trạng, chúng ta sẽ giải quyết được nhanh chóng hơn.

Giá đất Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, Hà Nội đang nhận được nhiều sự quan tâm của người dân cũng như các nhà đầu tư bất động sản sau khi có thông tin tập đoàn lớn về xây 2 khu đô thị rộng vài trăm héc ta. Dự án chưa biết “mặt mũi” ra sao, nhưng theo ghi nhận của PV thì chỉ riêng khu Quan Giai Trúc Động giá đất mới được “hét” gấp 3, 4 lần. Còn các khu vực lân cận, đất vẫn “im hơi lặng tiếng”.

Thực trạng phổ biến

Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch Công ty TAT Law firm, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nêu quan điểm: Trước thực trạng "cò đất", người buôn bất động sản tạo ra những công ty, sự khan hiếm trên thị trường để đẩy giá lên cao, chúng ta phải xác định trường hợp ở Thạch Thất không phải trường hợp đầu tiên và cũng không phải trường hợp cuối cùng.

Hành vi “thổi giá” bất động sản, trục lợi cá nhân.

“Thị trường bất động sản ở nước ra xảy ra rất nhiều trường hợp tương tự, từ trong Nam ngoài Bắc, từ biên giới tới hải đảo, từ khu đô thị đến tỉnh lẻ, ở đâu đâu cũng có tình trạng này. Đứng trước thực trạng như trên, chúng ta phải thấy rằng trong những năm qua, công tác quản lý thị trường bất động sản của chúng ta - nói một cách thẳng thắn là đang còn rất yếu kém. Chúng ta đứng trước thực trạng, nhưng gần như không có giải pháp mang tính triệt để để xử lý, triệt tiêu được tình trạng này”, Luật sư Trương Anh Tú nói.

Cũng theo Luật sư Tú, từ giải pháp về thị trường đến giải pháp pháp lý chúng ta hoàn toàn lúng túng. Là người làm công tác pháp luật, Luật sư Tú thấy rằng, đứng đầu là Bộ xây dựng quản lý vấn đề bất động sản, chúng ta hoàn toàn lúng túng và theo quan sát của tôi chưa có giải pháp nào khả dĩ để xử lý được tình trạng này.

Theo Luật sư Tú, nếu không có giải pháp hữu hiệu thì thời gian tới sẽ còn rất nhiều trường hợp tương tự xảy ra.

Trở lại câu hỏi về chế tài xử lý, quy định của pháp luật để giải quyết tình trạng “thổi giá” bất động sản. Luật sư Trương Anh Tú cho biết, ngày 27/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 139/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.

Các hành vi như kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định; không cung cấp, cung cấp không đầy đủ hoặc cung cấp không chính xác hồ sơ, thông tin về bất động sản mà mình môi giới… chế tài xử phạt từ 10 triệu đến 50 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo Luật sư Tú, hiện nay, chúng ta chưa có chế tài cụ thể và đủ mạnh để xử lý thực trạng này.

Đứng dưới góc độ quản lý thị trường về bất động sản, Luật sư Tú thấy thị trường bất động sản của chúng ta luôn luôn rơi vào thực trạng là cầu thì vượt quá cung, không đáp ứng được nhu cầu về bất động sản, cụ thể là nhà ở cho người dân. Nguyên tắc là khi sốt đất, sốt nhà ở, nhất định là do nhu cầu của nhân dân quá lớn, chưa đáp ứng được.

Luật sư Tú cho biết, lấy ví dụ ở Nhật Bản diện tích nhỏ hơn đất nước chúng ta, có đến 120 – 130 triệu dân, nhưng họ vẫn có những ngôi nhà một vài nghìn đô, vẫn đầy đủ tiện ích, có sân vườn, bên cạnh vẫn còn hàng triệu ngôi nhà hoang, không có người ở. Singapore chật hẹp như vậy, dân số đông như vậy nhưng họ vẫn giải quyết tốt bài toán bất động sản.

“Bất động sản tính theo thu nhập bình quân đầu người thì ở Việt Nam được xếp vào hàng đắt nhất thế giới. Thế thì đây là những lý do chúng ta có một thị trường bất động sản méo mó, có những hành vi trục lợi, thổi giá lên cao như chúng ta đang bàn ở đây”, Luật sư Tú nói.

Chính vì vậy, Luật sư Tú cho rằng dưới góc độ thị trường chúng ta phải đưa vào thị trường khối lượng bất động sản lớn, từ đất nền, cho đến nhà ở. Muốn đưa vào số lượng lớn thì chúng ta phải minh bạch, minh bạch trong quy hoạch đô thị, minh bạch trong việc cung cấp thông tin đến người dân, minh bạch trong quá trình tiếp cận nguồn lực về đất đai của các doanh nghiệp…

Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch Công ty TAT Law firm, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Cần thiết phải hình sự hóa hành vi?

Theo Luật sư Tú, thì nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận được với bất động sản để kinh doanh kiếm lời, trong đó có yếu tố thiếu minh bạch.

Khi có cơ chế pháp luật minh bạch, rõ ràng, tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp bất động sản có cơ hội tiếp cận thị trường bất động sản công bằng thì đương nhiên, hàng hóa bất động sản sẽ nhiều lên, và điều đó đồng nghĩa với việc nó sẽ rẻ đi.

“Nếu chúng ta minh bạch, liêm chính, công bằng thì không có lý do gì giá bất động sản lại cao bất thường như hiện nay. Khi nguồn cung tăng lên, giá thành giảm xuống, không có lý gì người dân phải đi “mua tranh, bán cướp”. Do vậy, vấn đề ở đây là phải giải quyết tận gốc vấn đề, như vậy thực trạng thổi giá bất động sản mới được giải quyết”, Luật sư Tú phát biểu.

Từ đó, Luật sư Tú kiến nghị: Cần thiết phải cải cách pháp luật để khi có thực trạng, chúng ta sẽ giải quyết được nhanh chóng hơn, đó là hình sự hóa các hành vi “thổi giá” bất động sản.

Luật sư Tú cho rằng, tất cả những hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm tới lợi ích công cộng đều là những hành vi có thể đưa vào chế tài hình sự để xử lý, do vậy, cần phải xây dựng những tội danh mới trong Bộ luật Hình sự.

Bởi, theo Luật sư thì những hành vi thổi giá lên cao thu lợi hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng rõ ràng là hành vi xâm phạm nghiêm trọng tới quá trình quản lý thị trường bất động sản, xâm phạm tới lợi ích của người dân.

“Rõ ràng đây là hành vi phạm tội, phải đưa vào chế tài hình sự, tức là hình sự hóa hành vi này. Việc chỉ ra, nhận biết được hành vi nguy hiểm cho xã hội thì cần phải đưa vào Bộ luật Hình sự ngay để đảm bảo tính kịp thời, điều chỉnh các mối quan hệ bất bình thường trong xã hội. Đây là điều chúng ta nên làm ngay, làm sớm để không phải thấy những tình cảnh đau lòng như trên. Chỉ có như vậy mới đảm bảo được đời sống và quyền lợi của người dân”, Luật sư Tú phát biểu.

Hoàng Yến

/xu-ly-the-nao-voi-thanh-nien-tron-cach-ly-ve-tham-vo-chong-nguoi-thi-hanh-cong-vu.html
/doi-tuong-cuop-o-to-danh-csgt-tron-cach-ly-doi-dien-nhieu-toi-danh.html