(LSVN) - Các chuyên gia pháp luật cho rằng, việc đề xuất xử lý hình sự tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức độ cao cần nghiên cứu, đánh giá kỹ. Hiện, pháp luật Việt Nam đã có quy định, nhưng thực tế vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành.
Ảnh minh họa.
Tại hội thảo "Tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông đường bộ" do Bộ Công an phối hợp Bộ Y tế tổ chức ngày 29/01/2024, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Trần Hữu Minh đã có đề xuất xử lý hình sự tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng (vượt mức 3) dù chưa gây hậu quả.
Cụ thể, theo Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, pháp luật hiện hành quy định tài xế có nồng độ cồn ở mức 3 (trên 0,4mg/lít khí thở hoặc quá 80mg/100ml máu) dù cao đến mấy vẫn chung một hình phạt. Điều này chưa hoàn toàn phù hợp nguyên tắc cơ bản trong xử phạt hành chính, đó là phạt tương xứng mức độ vi phạm.
Do vậy, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị cần quy định mức độ nào là đặc biệt nghiêm trọng khiến tài xế mất kiểm soát hoàn toàn và bị xử lý theo khoản 4, Điều 260, Bộ luật Hình sự. Theo Bộ luật này, vi phạm giao thông có khả năng dẫn đến hậu quả như làm 03 người chết trở lên, gây thiệt hại tài sản 1,5 tỉ đồng trở lên... nếu không được ngăn chặn kịp thời thì có thể bị phạt tù đến một năm.
Cần nghiên cứu kỹ
Liên quan đến vấn đề này, theo Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, việc tăng cường xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi uống rượu bia, nhất là uống rượu bia vượt ngưỡng cho phép, rồi chạy xe gây nguy hiểm, gây tai nạn là rất cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay quy định hiện hành mới chỉ xử lý hành vi uống rượu bia rồi lái xe bằng biện pháp hành chính chứ chưa xử lý hình sự.
Ông Hòa cho rằng, trên thực tế, nếu chưa gây thiệt hại về người, tài sản thì chưa thể có đủ căn cứ, cơ sở để xử lý hình sự. Do đó, ông đề nghị cần nghiên cứu rất kỹ việc này.
Đồng quan điểm, Luật sư Trần Xuân Tiền, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Trường hợp người vi phạm chưa gây thiệt hại về tài sản hay về tính mạng sức khỏe của người khác thì chưa đủ căn cứ xử lý hình sự.
Luật sư đề xuất thay vì là xử lý hình sự có thể xử phạt bằng hình thức lao động cải tạo, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc tham gia hoạt động nhất định có thời hạn; trừ điểm bằng lái xe, phạt lũy tiến... Luật sư Tiền cho rằng Việt Nam có thể thao khảo kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc xử lý đối với tài xế tham gia giao thông có nồng độ cồn cao.
"Không phải cứ tăng mức phạt là hạn chế được hành vi vi phạm về nồng độ cồn, điều quan trọng ở đây là ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Khi áp dụng việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn cần kết hợp với việc giáo dục, tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân về sự nguy hiểm của việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông", Luật sư nói.
Luật đã có quy định
Đối với quy định của pháp luật hiện hành, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, người vi phạm nồng độ cồn nhưng chưa gây ra tai nạn giao thông sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, mức xử phạt cao nhất đối với người điều khiển xe mô tô là 08 triệu đồng, đối với người điều khiển xe ô tô là 40 triệu đồng.
Thực tiễn cho thấy người say rượu, vi phạm nồng độ cồn ở mức cao thì rất dễ gây tai nạn giao thông và khi tai nạn giao thông xảy ra thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Do đó, tại nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay đang có quy định xử phạt tiền với số tiền rất lớn hoặc phạt tù với người say xỉn điều khiển phương tiện giao thông.
Quy định về chế tài hình sự đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông ở mức độ cao được nêu rõ tại khoản 4, Điều 260, Bộ luật Hình sự về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ". Cụ thể, việc vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c, khoản 3, Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
Từ đó cho thấy pháp luật Việt Nam đã có quy định về việc người vi phạm nồng độ cồn ở mức gần như mất kiểm soát về hành vi, có khả năng thực tế gây ra hậu quả tai nạn giao thông rất nghiêm trọng thì sẽ áp dụng chế tài hình sự, không phụ thuộc vào vụ tai nạn đã xảy ra hay chưa. Quy định này phù hợp với xu hướng tăng cao chế tài đối với hành vi vi phạm giao thông đường bộ, răn đe đối với những hành vi đe dọa gây ra nguy hiểm cho những người tham gia giao thông và cũng đã được nhiều quốc gia trên thế giới quy định cụ thể, áp dụng hiện nay.
"Nội dung này chưa có văn bản hướng dẫn nên trong thực tế chưa có trường hợp nào uống rượu say điều khiển phương tiện giao thông chưa gây tai nạn mà bị xử lý hình sự. Bởi vậy, tinh thần và mục tiêu của nội dung này trong Điều luật vẫn ở văn bản", Luật sư nói.
Từ đó, Luật sư đề nghị để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, để xử lý quyết liệt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn ở mức mất kiểm soát hành vi, cần có hướng dẫn quy định cụ thể.
MINH QUÝ
Nguyên nhân khiến nhiều người 'sập bẫy' thủ đoạn lừa giả mạo cơ quan chức năng chiếm đoạt tài sản