(LSVN) - Ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến vào dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại phiên họp chiều ngày 15/1, Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Ảnh minh họa.
Tại phiên thảo luận, Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn Đại biểu tỉnh Bắc Giang) đánh giá cao quá trình tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, đồng thời bày tỏ nhất trí cao với nhiều nội dung dự thảo Luật. Đại biểu cho biết, tại hai kỳ họp trước đã phát biểu về việc ngân hàng thương mại làm đại lý bảo hiểm nhân thọ, cơ quan soạn thảo tiếp thu một phần nhưng đại biểu vẫn còn băn khoăn.
Đại biểu nêu rõ, mức chiết khấu tối đa cho đại lý bảo hiểm nhân thọ với 2 loại sản phẩm bảo hiểm nhân thọ phổ biến (bảo hiểm nhân thọ tử kỳ và bảo hiểm hỗn hợp) là 4% cho phí bảo hiểm năm đầu. Tại các ngân hàng thương mại có liên kết làm đại lý bảo hiểm nhân thọ có hiện tượng gợi ý ép khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm nhân thọ với mức đóng một năm là từ 2 - 4% giá trị khoản vay. Tại các ngân hàng thương mại, nhân viên ngân hàng được giao chỉ tiêu số hợp đồng bảo hiểm và chỉ tiêu doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ.
Theo kết luận thanh tra của Bộ Tài chính tháng 7/2023 đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cung cấp sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng qua kênh ngân hàng thương mại đã cho thấy, tỉ lệ hủy hợp đồng sau năm đầu tiên của khách hàng lên tới 70%. Nếu hủy năm đầu, khách hàng mất không số phí đã nộp. Chỉ tính riêng một công ty bảo bảo hiểm nhân thọ bán qua một ngân hàng thương mại đã có số phí bảo hiểm khách hàng hủy năm đầu tiên khoảng 2.000 tỉ đồng. Nhiều ngân hàng còn gợi ý khách hàng vay vốn nộp phí 2 năm đầu thì số tiền khách hàng vay vốn phải bỏ thêm còn lên đến từ 4-8% giá trị khoản vay. Lãi suất thực của vốn đưa ra nền kinh tế do phải mua thêm bảo hiểm nhân thọ có thể tăng lên từ 50-100% trong 2 năm đầu so với lãi suất trên hợp đồng tín dụng.
Nêu số liệu của một số ngân hàng, theo đại biểu Phạm Văn Thịnh, giai đoạn từ 2018 - 2022, thu nhập từ làm đại lý bảo hiểm nhân thọ của các ngân hàng thương mại chiếm tỉ trọng rất lớn trong lợi nhuận của các ngân hàng này.
Với thực tiễn và lợi ích lớn như vậy, đại biểu cho rằng, nếu dự thảo Luật chỉ tiếp thu theo hướng bổ sung khoản 2, Điều 113: "Ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước", sẽ không có gì đảm bảo cho tình trạng chèn ép khách hàng vay vốn mua bảo hiểm hoặc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng có tiền gửi tiết kiệm để mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ như thời gian vừa qua. Việc bán chéo bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng dễ dàng đã khiến các ngân hàng thương mại, các công ty bảo hiểm bỏ qua các ranh giới nghề nghiệp, uy tín được tích lũy để bước vào vòng xoáy tìm kiếm lợi nhuận.
Đại biểu đề nghị, nếu việc cấm bán chéo bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng thương mại không được thực hiện thì dự thảo Luật cần bổ sung một điều giao Chính phủ ban hành quy định việc kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm mà ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng làm đại lý để đảm bảo công khai, minh bạch, bảo vệ quyền của khách hàng vay vốn cũng như gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Điều này sẽ tốt cho cả hình ảnh của ngân hàng thương mại và đặc biệt là nghề kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, nghề đòi hỏi đạo đức và tính nhân văn hơn rất nhiều ngành nghề kinh doanh khác.
Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đại biểu tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, hệ lụy của việc các ngân hàng liên doanh, liên kết bán bảo hiểm thời gian qua đã rất rõ ràng. Các công ty bảo hiểm không có trụ sở mà bán qua ngân hàng nên khách hàng gặp nhiều khó khăn khi có vấn đề cần giải quyết. Ông Hòa nêu ví dụ cả khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long có 13 tỉnh nhưng chỉ có 2 trụ sở công ty bảo hiểm.
Đại biểu cũng ủng hộ quan điểm không cho phép các ngân hàng liên doanh, liên kết bán bảo hiểm.
MINH ANH
Đề xuất giao Bộ GD&ĐT phát hành, in ấn sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số