Châu Âu “nhen nhóm” hy vọng hạn chế được đại dịch Covid-19, Thủ tướng Anh tuyên bố vượt qua đỉnh dịch

30/04/2020 17:57 | 3 năm trước

(LSO) - Tính đến 6h30 ngày 1/5, tổng số ca nhiễm trên thế giới hiện tại đã lên tới hơn 3,3 triệu người , trong đó số ca tử vong chiếm 233.785 ca, số ca được công bố khỏi bệnh đã chiếm 1/3 tổng số ca nhiễm là 1.038.440 ca.

Thụy Sĩ điều chỉnh quy định về phòng dịch sau khi nới lỏng hạn chế

Tại Geneva, Thụy Sĩ đã bắt đầu điều chỉnh các hướng dẫn về phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, sau khi giới chức nước này nới lỏng các biện pháp phong tỏa đề người dân dần trở lại cuộc sống bình thường.

Các địa điểm công cộng bắt đầu có nhiều người qua lại.

Ngày 30/4, Văn phòng Y tế Công cộng Liên bang (FOPH) Thụy Sĩ, đã khuyến cáo người dân sử dụng khẩu trang trong những tình huống không thể duy trì khoảng cách an toàn, thường xuyên rửa kỹ tay, không bắt tay và chỉ ho hoặc hắt hơi vào khăn giấy hoặc khuỷu tay.

Chính phủ Thụy Sĩ cũng khuyến cáo người dân tiếp tục làm việc tại nhà khi có thể. Một số cửa hàng và doanh nghiệp đã hoạt động trở lại từ ngày 27/4, trong giai đoạn đầu tiên về nới lỏng các biện pháp phong toả.

Trước đó, trong cuộc họp chiều 29/4, Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ đã quyết định nới lỏng thêm các quy định về phong toả và giãn cách xã hội. Theo đó, tất cả các cửa hàng, nhà hàng, quán ăn, bảo tàng và thư viện có thể mở cửa trở lại từ ngày 11/5. Các trường tiểu học, trung học cũng được phép mở cửa trở lại tùy theo quyết định của từng bang.

Các nhà hàng phải tuân thủ hàng loạt quy định nghiêm ngặt như: chỉ được xếp tối đa 4 người ngồi chung một bàn (trừ trường hợp ngoại lệ cho cha mẹ và con cái), các bàn ăn phải được sắp xếp sao cho khoảng cách giữa các nhóm thực khách với nhau là 2m. Tuy nhiên, các vũ trường và hộp đêm vẫn tiếp tục đóng cửa.

Các hoạt động thể thao phổ biến sẽ được phép diễn ra nhưng những người tham gia không được tiếp xúc trực tiếp và vẫn phải giữ khoảng cách an toàn.

Các trận đấu, trận bóng đá và hoạt động thi đấu thể thao chuyên nghiệp không khán giả sẽ được phép tổ chức từ ngày 8/6. Những sự kiện lớn trên 1.000 người vẫn bị cấm, ít nhất là cho đến cuối tháng 8.

Song song với việc mở cửa trở lại các hoạt động kinh doanh, những quy định về hạn chế nhập cảnh cũng sẽ được nới lỏng. Hội đồng Liên bang sẽ giảm dần các biện pháp hạn chế nhập cảnh cho người lao động nước ngoài.

Tính đến hết ngày 1/4, Thụy Sĩ ghi nhận tổng cộng 29.407 ca mắc Covid-19, trong đó có 1.716 trường hợp tử vong, 22.600 ca bình phục.

Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố vượt qua đỉnh dịch

Thủ tướng Anh Boris Johnson.

Ngày 30/4, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố nước này hiện đã vượt qua đỉnh điểm của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, đồng thời cam kết trong tuần tới sẽ đưa ra một lộ trình dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa trên toàn quốc.

Trong cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi bình phục từ dịch Covid-19, Thủ tướng Johnson cam kết trong tuần tới sẽ đưa ra “một loạt lựa chọn” về việc nới lỏng các lệnh phong tỏa.

Tuy nhiên, ông khẳng định bất cứ sự thay đổi nào cũng sẽ dựa trên dữ liệu và cố vấn khoa học. Ông kêu gọi người dân Anh tiếp tục tuân thủ các quy định hiện hành để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Trong khi đó, cố vấn khoa học hàng đầu của chính phủ Anh, ông Patrick Vallance cho biết tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 ở nước này hiện đang ở dưới mức 1, với số lượng bệnh nhân phải nhập viện và thuộc diện điều trị đặc biệt đều ở mức thấp.

Mặc dù vậy, Anh vẫn ghi nhận thêm 674 ca tử vong vì Covid-19 trong 24 giờ qua. Nước này hiện có số ca tử vong do Covid-19 cao thứ 3 thế giới với gần 27.000 người, chỉ sau Mỹ và Italy.

Chính phủ Anh đang phải tìm cách cân bằng áp lực kiểm soát dịch bệnh và khởi động trở lại nền kinh tế. Bên cạnh đó, Chính phủ của Thủ tướng Johnson cũng bị chỉ trích vì sự chậm trễ hơn so với hầu hết các nước châu Âu khác trong việc thực hiện phong tỏa chống dịch.

Tình hình New York đang ổn

Ngày 30/4, Liên quan đến diễn biến dịch bệnh ở New York, tàu bệnh viện hải quân Comfort rời cảng New York, sau một tháng tới chi viện chống dịch Covid-19 trong trường hợp các bệnh viện quá tải.

Theo hãng tin Reuters, trong thời gian qua, số ca bệnh mà tàu này cần chữa trị quá ít, chưa bao giờ gần với năng lực điều trị của tàu cho dù New York là tâm dịch của Mỹ.

Con tàu bệnh viện có 1.000 giường bệnh này sẽ trở về Norfolk, bang Virginia. Việc nó rời đi cho thấy các biện pháp giãn cách xã hội ở New York phát huy tác dụng và tình hình ở New York đang cải thiện.

Để chuẩn bị cho việc bay lại đường bay nội địa ở Mỹ, theo hãng tin Reuters, 2 hãng hàng không lớn nhất của Mỹ là Delta Air Lines và American Airlines và hãng nhỏ Frontier Airlines thông báo các khách hàng phải đeo khẩu trang trên các chuyến bay nội địa. Trước đó, JetBlue Airways cũng đề ra biện pháp này.

Việc đeo khẩu trang hay các dụng cụ che mặt khác không áp dụng với trẻ em nhưng áp dụng đối với cả phi hành đoàn lẫn hành khách.

Cập nhật đến 06h ngày 01/5, Mỹ có 1.0.39.909 ca nhiễm Covid-19 và 60.967 ca tử vong.

Châu Âu “nhen nhóm” hy vọng hạn chế được đại dịch

Người dân đeo khẩu trang ra đường tại Pháp.

Tây Ban Nha báo cáo thêm 2.740 ca nhiễm và 268 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 239.899 và 24.275, tiếp tục là vùng dịch lớn thứ hai trên thế giới.

Đây là ngày Tây Ban Nha ghi nhận số ca tử vong thấp nhất kể từ 20/3, khi nước này báo cáo 235 người chết. Hơn 112.000 người đã hồi phục. Các chuyên gia y tế tin rằng Tây Ban Nha đạt đỉnh dịch hôm 2/4 khi ghi nhận 950 người chết trong 24 giờ. Kể từ đó, số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 tại nước này giảm dần.

Tây Ban Nha áp lệnh phong tỏa từ giữa tháng ba. Từ ngày 2/5, người dân Tây Ban Nha sẽ được phép tập thể dục ngoài trời nếu số ca nhiễm nCoV vẫn tiếp tục giảm. Người dân sẽ có một giờ hoạt động ngoài trời dưới sự giám sát, trong khoảng thời gian từ 9h đến 21h, trong phạm vi một km quanh nhà họ. Một người lớn có thể đi với tối đa với ba trẻ em nhưng không được sử dụng các khu vui chơi ngoài trời và phải tuân thủ nguyên tắc cách biệt cộng đồng, cách nhau ít nhất hai mét.

Italy ghi nhận thêm 1.872 ca nhiễm và 285 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 203.591 và 27.682. Cả hai mức tăng đều thấp hơn so với một ngày trước đó. Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho biết số người điều trị tích cực đã giảm từ 1.795 xuống còn 1.694. 1,3 triệu xét nghiệm đã được thực hiện tại đất nước 60 triệu dân này.

Italy áp phong tỏa toàn quốc từ 9/3, buộc người dân phải ở nhà, hầu hết các doanh nghiệp phải đóng cửa, gây áp lực lớn cho nền kinh tế lớn thứ ba khu vực đồng euro. Chính quyền Italy dự kiến nới phong tỏa từ ngày 4/5.

Pháp xác nhận thêm 758 ca nhiễm và 289 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 166.543 và 24.121. Pháp sẽ nới phong tỏa, cho phép một số trường học mở cửa trở lại sau 11/5 song những cơ sở kinh doanh không thiết yếu như quán cà phê, nhà hàng dự kiến tiếp tục ngừng hoạt động.

Đức ghi nhận thêm 1.470 ca nhiễm nCoV và 156 ca tử vong, nâng tổng số ca lần lượt lên 161.539 và 6.467. Nước này đang nới lỏng phong tỏa, "bật đèn xanh" cho tổ chức tôn giáo, sân chơi, bảo tàng và sở thú mở cửa trở lại nhưng phải đảm bảo "các yêu cầu về vệ sinh, kiểm soát ra vào và tránh xếp hàng dài".

Ngày 06/5, giới lãnh đạo Đức sẽ họp để ra quyết định về việc mở lại trường học, nhà hàng và giải bóng đá.

LÂM HOÀNG (T/H)

/ly-giai-14-ngay-viet-nam-khong-co-ca-nhiem-moi-trong-cong-dong.html
/thu-tuong-nga-duong-tinh-voi-covid-19.html