Chủ thể trong hoạt động tố tụng ra quyết định trái pháp luật bị xử lý hình sự ra sao?

20/05/2020 02:51 | 3 năm trước

(LSO) – Chủ thể của tội ra quyết định trái pháp luật là chủ thể đặc biệt, chỉ có những người có thẩm quyền ký ban hành các quyết định tố tụng trong các cơ quan tố tụng, như Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên; Viện trưởng, Phó Viện trưởng, kiểm sát viên; Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán, Hội thẩm; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan thi hành án, Chấp hành viên…, mới có thể thực hiện tội phạm này và phải chịu hình phạt.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Như thế nào là quyết định trái pháp luật?
Theo nội dung cấu thành Điều 371 BLHS 2015, quyết định trái pháp luật là những quyết định tố tụng được ban hành trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, lao động…, hành chính, hoặc những quyết định trong quá trình thi hành án trái với các quy định của pháp luật về nội dung; không đúng về trình tự, thủ tục ban hành; không phù hợp với những tình tiết thực tế của vụ việc hoặc yêu cầu giải quyết vụ án.

Ra quyết định trái pháp luật là hành vi của người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ra quyết định mà mình biết rõ là trái pháp luật.

Chẳng hạn, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng ra quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án không có căn cứ; quyết định chấp nhận thuận tình ly hôn nhưng không có sự đồng tình của bên vợ hoặc bên chồng…; quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự khi chỉ có sự đồng ý của một bên đương sự; quyết định thi hành án không đúng thẩm quyền hoặc không đúng với các quyết định của bản án được đem ra thi hành…
Trong hoạt động tố tụng, quyết định trái pháp luật cũng có thể là những quyết định có một phần nội dung trái pháp luật.

Điều 371 BLHS 2015 mở rộng phạm vi chủ thể tội phạm so với Điều 296 BLHS 1999, đó là chủ thể thực hiện tội ra quyết định trái pháp luật là “người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án”.

Như vậy, chủ thể của tội ra quyết định trái pháp luật là chủ thể đặc biệt, chỉ có những người có thẩm quyền ký ban hành các quyết định tố tụng trong các cơ quan tố tụng, như Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên; Viện trưởng, Phó Viện trưởng, kiểm sát viên; Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán, Hội thẩm; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan thi hành án, Chấp hành viên; và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, như Thủ trưởng Phó Thủ trưởng đơn vị Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm…, mới có thể thực hiện được tội phạm này.

Tuy nhiên, nếu người có chức vụ, quyền hạn không phải là người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ra quyết định trái pháp luật thì tùy trường hợp họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội ép buộc người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp làm trái pháp luật” (Điều 372) hoặc “Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi khi hành công vụ” (Điều 356); nhưng người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội ra quyết định trái pháp luật” theo quy định tại Điều 371 BLHS 2015.

Ra quyết định trái pháp luật "bằng miệng" có bị xử lý?

Tội ra quyết định trái pháp luật không chỉ xâm phạm đến lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân mà còn ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án, xâm phạm đến hoạt động bình thường của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và Cơ quan thi hành án, làm mất uy tín của các cơ quan tiến hành tố tụng và Cơ quan thi hành án.

Đối tượng tác động của tội phạm này là những quyết định trái pháp luật của những người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, như: Quyết định thu giữ đồ vật, tài liệu; quyết định xử lý vật chứng; quyết định việc giữ khẩn cấp; quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; quyết định kê biên tài sản; quyết định áp dụng khẩn cấp tạm thời; quyết định thi hành án…

Theo nội dung cấu thành Điều 371, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án những người có thẩm quyền ra quyết định có liên quan đến quá trình giải quyết một vụ án. Tuy nhiên, nếu trong các quyết định trái pháp luật nếu có chỉ là thủ đoạn để người phạm tội thực hiện tội truy cứu trách nhiệm người không có tội, không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội hoặc ra bản án trái pháp luật thì không còn là đối tượng tác động của tội phạm này nữa.

Người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ra quyết định trái pháp luật có thể bằng miệng hoặc bằng văn bản (phần nhiều là bằng văn bản) mà biết rõ là trái pháp luật.

Nếu người ra quyết định là Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên thì chỉ có thể ra các quyết định trái pháp luật trong quá trình điều tra vụ án hình sự; nhưng nếu là Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm thì không chỉ ra quyết định trái pháp luật liên quan đến vụ án hình sự mà còn có những quyết định trái pháp luật liên quan đến các vụ dân sự, kinh tế, hành chính, lao động.

Trong trường hợp ra quyết định bằng miệng thì phải có căn cứ xác định người có thẩm quyền đã quyết định và từ quyết định này đã trực tiếp gây thiệt hại cho lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân thì mới bị coi là hành vi phạm tội ra quyết định trái pháp luật.

Trường hợp quyết định trái pháp luật là quyết định bằng miệng của cấp trên đối với cấp dưới trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự hoặc trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, kinh tế, hành chính, lao động có liên quan đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội hoặc ra bản án trái pháp luật thì cần phân biệt:

- Nếu người ra quyết định (mệnh lệnh) biết rõ là do mệnh lệnh của mình mà cấp dưới đã truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội hoặc ra bản án trái pháp luật thì thuộc trường hợp quy định tại Điều 367 (Khái niệm các tội xâm phạm hoạt động tư pháp), Điều 368 (Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội) hoặc Điều 369 (Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội) BLHS 2015.

- Nếu người ra quyết định (mệnh lệnh) truy biết rõ là trái pháp luật nhưng không biết rõ là do mệnh lệnh của mình mà cấp dưới đã truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội hoặc ra bản án trái pháp luật thì thuộc trường hợp quy định tại Điều 370 (Tội ra bản án trái pháp luật) của BLHS 2015.

Xử lý trách nhiệm hình sự ra sao?

Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này; nếu hành vi ra quyết định trái pháp luật chưa gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân thì chưa cấu thành “Tội ra quyết định trái pháp luật”, mà tùy trường hợp người có hành vi đó có thể chỉ bị xử lý hành chính.

Về mặt chủ quan của tội phạm, người ra quyết định trái pháp luật thực hiện phạm vi phạm tội của mình là do lỗi cố ý trực tiếp, tức là người phạm tội nhận thức rõ việc ra quyết định của mình là trái pháp luật, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.

Nếu người có thẩm quyền ra quyết định và biết rõ là rái pháp luật nhưng vì chấp hành chỉ thị của cấp trên thì tùy trường hợp mà người ra quyết định trái pháp luật vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội ra quyết định trái pháp luật”; còn người ra chỉ thị, ra lệnh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (Điều 356) hoặc đồng phạm với người ra quyết định trái pháp luật theo quy định tại Điều 371 BLHS 2015.

Điều 371. Tội ra quyết định trái pháp luật
1. Người nào có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án ra quyết địn mà mình biết rõ là trái pháp luật gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 368, 369, 370, 377 và 378 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a, Có tổ chức;
b, Phạm tội 02 lần trở lên;
c, Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;
d, Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải chấp hành án, người bị hại, đương sự mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
đ, Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
e, Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 đến 12 năm:
a, Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải chấp hành án, người bị hại, đương sự mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b, Dẫn đến người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải chấp hành án, người bị hại, đương sự tự sát;
c, Gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Luật sư LÊ TRỌNG HÙNG