Chủ tịch UBND xã cũng có thẩm quyền xử phạt về báo chí

04/12/2020 17:09 | 3 năm trước

(LSVN) - Ngày 07/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 119/2020/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản. Trong đó có nội dung nổi bật là quy định việc Chủ tịch UBND xã cũng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.

Ảnh minh họa.

Căn cứ khoản 1 Điều 40 Nghị định 119/2020, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã có thẩm quyền xử phạt với các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, cụ thể như sau:

- Phạt cảnh cáo;

- Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;

- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;

- Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí, chương trình phát thanh, chương trình truyền hình, xuất bản phẩm vi phạm quy định của pháp luật.

Đây là quy định mới chưa từng có tại Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013. Như vậy, từ 01/12/2020, Chủ tịch UBND xã có thẩm quyền xử phạt với các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.

Bên cạnh đó, trong Nghị định 119/2020 cũng mở rộng thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh. Cụ thể Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền xử phạt đến 100 triệu đồng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền xử phạt đến 200 triệu đồng.

Ngoài ra, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sỹ thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đang thi hành công vụ khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản thì được quyền lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định.

Nghị định 119/2020/NĐ-CP có nhiều quy định mới so với Nghị định 159/2013/NĐ-CP nhằm tạo thuận lợi hơn trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, hoạt động in. Cụ thể như:

Quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn các hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí được quy định tại Luật Báo chí mới, trong đó bổ sung một số hành vi mới: Thông tin quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án, thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em,… các quy định này không chỉ cụ thể hơn, mà còn tương thích với Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật; quyền hạn, nghĩa vụ của nhà báo, trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm.

Bổ sung thẩm quyền của các lực lượng Hải quan, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Quản lý thị trường, Công an chưa được phân định rõ ràng, khó áp dụng, dễ bị chồng lấn, lạm quyền. Lực lượng thanh tra Ngoại giao mà Nghị định số 159/2013/NĐ-CP chưa được quy định. Khắc phục các quy định về mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân nhằm tạo sự thống nhất với các văn bản khác.

 Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2020.

NGỌC NHI

/tu-01-12-2020-co-quan-bao-chi-co-the-bi-dinh-chi-hoat-dong-den-12-thang.html