Chương trình “mở” trong giảng dạy ngoại ngữ - đòi hỏi từ thực tiễn

24/12/2018 16:16 | 5 năm trước

LSVNO - Trước thực trạng Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020 hầu như không đạt được mục tiêu, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã đề xuất và Thủ tướng Ch...

LSVNO - Trước thực trạng Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020 hầu như không đạt được mục tiêu, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã đề xuất và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 - 2025”. Vấn đề đặt ra là, cần đa dạng chương trình và hình thức đào tạo.

Kết quả còn khiêm tốn

Để thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020, Bộ GD&ĐT đã giao một số đơn vị nòng cốt phối hợp với các Sở GD&ĐT triển khai nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ các cấp phổ thông; xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên, giảng viên theo khung năng lực giáo viên tiếng Anh ETCF. Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục xây dựng các định dạng đề thi, ngân hàng câu hỏi, đề thi đánh giá năng lực tiếng Anh của khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng tại Việt Nam. Tiếp tục đầu tư trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy và học ngoại ngữ tại một số trường đại học; hệ thống trang thiết bị đáp ứng yêu cầu bồi dưỡng giáo viên, giảng viên ngoại ngữ trực tuyến; phát triển mô hình cộng đồng học tập ngoại ngữ.

 Một số địa phương đã tổ chức các hoạt động để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.

Các địa phương và cơ sở đào tạo tiếp tục triển khai đề án “Dạy và học ngoại ngữ” trong hệ thống giáo dục quốc dân; nâng cao chất lượng dạy và học môn tiếng Anh với 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và triển khai phần tự luận trong các bài kiểm tra viết, vận dụng định dạng đề thi đối với học sinh học chương trình tiếng Anh theo đề án; phối hợp với tổ chức, cá nhân, giáo viên nước ngoài tham gia dạy ngoại ngữ ở các trường phổ thông. Hầu hết các cơ sở đào tạo đã xây dựng và công bố chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho từng ngành đào tạo.

Một số địa phương đã tổ chức các hoạt động để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh thông qua việc đánh giá năng lực đầu ra bậc 2 đối với học sinh lớp 9; bậc 3 đối với học sinh lớp 12. Thí điểm dạy một số môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh ở một số cơ sở giáo dục phổ thông; tổ chức các cuộc thi hùng biện bằng tiếng Anh…

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực thực hiện, tuy nhiên tại tại hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và triển khai công tác năm học 2017-2018, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, nhiều mục tiêu của Đề án vẫn chưa đạt được. Số lượng học sinh được thụ hưởng chương trình chỉ chiếm 20% so với mục tiêu, số giáo viên ngoại ngữ đạt chuẩn chỉ hơn 30%, năng lực và nghiệp vụ sư phạm của giáo viên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Việc triển khai chương trình ngoại ngữ mới ở giáo dục phổ thông còn lúng túng; số lượng học sinh học theo chương trình ngoại ngữ mới còn thấp. Chưa có giải pháp cụ thể trong dạy và học ngoại ngữ ở các vùng miền, địa phương dẫn đến việc nâng cao chất lượng giáo viên đạt chuẩn tại tất cả địa phương trở nên khó khăn. Nhiều sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu về năng lực ngoại ngữ. Chất lượng chương trình còn thấp, đặc biệt là tiếng Anh, thể hiện rõ trong kỳ thi THPT Quốc gia.

Hướng tới chương trình học “mở”

Xác định nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt môn tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo là nhiệm trọng tâm, giai đoạn 2017 - 2025, ngành Giáo dục sẽ hoàn thiện các định dạng đề thi theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam; ban hành quy chế thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung này.

 Cần tạo “sân chơi bình đẳng” để các tổ chức, cá nhân đóng góp cho sự phát triển của giáo dục.

Bên cạnh đó, tiếp theo hoàn thiện các định dạng đề thi theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, ưu tiên các định dạng hỗ trợ thi trên máy tính và thi trực tuyến; từng bước hoàn thiện, phát triển ngân hàng đề thi ngoại ngữ quốc gia. Ban hành quy chế thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ; đặc biệt là đội ngũ giáo viên ngoại ngữ phổ thông đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình ngoại ngữ hệ 10 năm. Chú trọng phương thức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến.

Một trong những giải pháp quan trọng là cần đa dạng hóa các chương trình, sách giáo khoa, tài liệu, giáo trình dạy học và hình thức đào tạo, bồi dưỡng nhằm đáp ứng mục tiêu đào tạo, và nhu cầu học tập ngoại ngữ của học sinh, sinh viên.

Việc biên soạn sách giáo khoa mới sẽ thực hiện theo chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”, khuyến khích các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa. Với chủ trương này nhằm phát huy trí tuệ, sáng tạo của các tổ chức, cá nhân đóng góp cho sự nghiệp giáo dục; tạo “sân chơi bình đẳng” để các nhà xuất bản thi đua, nâng cao chất lượng sách giáo khoa. Theo đó, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông…

Việc có nhiều tài liệu, giáo trình dạy học cộng với sự tham gia của doanh nghiệp vào sự phát triển giáo dục sẽ là một yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục. Một chương trình học liên thông và nhất quán, hướng đến mục tiêu kiến thức, kỹ năng, vừa sâu sắc vừa nhẹ nhàng, không những dạy về ngoại ngữ mà còn bổ sung kiến thức về giá trị văn hóa truyền thống, đạo đức, nhiều tài liệu bổ trợ sẽ là sự lựa chọn của thầy, trò. Cùng một chủ đề, giáo viên được nghiên cứu và dạy từ các bộ sách khác nhau. Học sinh cũng được học tập, bổ sung kiến thức một cách phù hợp và đầy đủ hơn.

Hoàng Trung