Có được đưa hình ảnh, thông tin bệnh nhân nhiễm Covid-19 lên mạng?

09/04/2020 01:00 | 4 năm trước

(LSO) - Pháp luật quy định việc sử dụng hình ảnh nếu vi phạm quy định tại Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2105 thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, cơ quan chức năng vẫn chưa có những biện pháp cụ thể, hình thức xử lý phù hợp, đủ sức răn đe với các trường hợp trốn khỏi nơi cách ly, không tuân thủ quy định về cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối...

Mới đây, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã ban hành Công văn số 45/TANDTC-PC hướng dẫn cách xác định tội danh liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.

Theo công văn, người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015 (BLHS 2015) và bị xử lý về tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người".

Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Phạm Hồng Kiên – Giám đốc công ty Luật Cán Cân Việt, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, việc làm này của cơ quan chức năng là hết sức cần thiết, nhằm góp phần đẩy lùi sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 cũng như giáo dục công nhân ý thức tôn trọng, thực hiện pháp luật.

Tuy nhiên, tại thời điểm đang diễn ra dịch bệnh Covid-19, một số cá nhân đã đưa hình ảnh bệnh nhân lên mạng cùng những lời lẽ bôi nhọ, xúc phạm danh dự nhân phẩm. Việc làm này theo quy định của pháp luật có được hay không?

Luật sư Phạm Hồng Kiên – Giám đốc công ty Luật Cán Cân Việt, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Theo Luật sư Kiên cho rằng, quyền cá nhân đối với hình ảnh được pháp luật ghi nhận và bảo vệ có ý nghĩa rất lớn đối với mỗi cá nhân. Quyền này được quy định cụ thể tại Điều 32 BLDS 2015.

“1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý;
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:
a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh”.

“Khi việc đưa hình ảnh công dân lên mạng không được sự đồng ý của cá nhân đó, cũng như không thuộc các trường hợp được phép đăng tải hình ảnh lên mạng thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật - khoản 3, Điều 32, BLDS 2015”, Luật sư Kiên nói.

Để đảm bảo quyền này của công dân, pháp luật quy định: Người nào tự ý đăng tải hình ảnh của người khác trên mạng xã hội… sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng theo điểm e, điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013 đối với hành vi:
Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật;
Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
Hay tại điểm e khoản 2 Điều 8 Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí quy định: “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, một số người đã cố tình khai báo gian dối, trốn khỏi nơi cách ly,… việc này là tác nhân lớn dẫn tới việc lây lan Covid-19. Do vậy, việc sự dụng hình ảnh, thông tin của những người này, trong trường hợp này là cần thiết để người dân biết để phòng tránh. Hay nói cách khác, việc sử dụng hình ảnh vì mục đích công công là được phép.

Song, cũng theo Luật sư Kiên, nếu người nào đó lợi dụng việc này để phỉ báng, xúc phạm, chì chiết người khác trên mạng có thể bị xử phạt hành chính. Nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" theo Điều 288, BLHS năm 2015; hoặc tội "Làm nhục người khác" theo Điều 155 BLHS năm 2015.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Trung Tiệp, Đoàn luật sư TP. Hà Nội, tại Điều 8 Luật An ninh mạng cũng nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Còn nếu xác định tin đồn sai sự thật nhưng chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội, không xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác và chưa ảnh hưởng lớn đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì người tung tin sẽ bị xử phạt hành chính.

Luật sư Nguyễn Trung Tiệp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Khoản 3, Điều 64 Nghị định 174/2013-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện quy định, trường hợp phao tin đồn sai sự thật nhằm xuyên tạc, câu like hoặc phục vụ cho mục đích kinh doanh qua mạng,… thì người đăng tin sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền 20 – 30 triệu đồng đối với tổ chức, 10 – 15 triệu đồng đối với cá nhân.

Bên cạnh đó, trong quá trình điều tra xác minh, nếu cơ quan chức năng có căn cứ xác định người tung tin thất thiệt nhằm gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân, thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự người đó về hành vi vu khống, quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù cao nhất 7 năm.

Người có hành vi thông tin sai sự thật gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại khoản 1, Điều 288 Bộ luật Hình sự về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” với mức phạt tù lên đến 3 năm.

Luật sư Tiệp nhấn mạnh, cơ quan chức năng cần phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, đặc biệt là áp dụng nghiêm minh các chế tài hành chính và hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành để ngăn chặn việc tung tin thất thiệt về dịch bệnh Covid-19.

Hoàng Yến

/nguoi-tung-tin-benh-nhan-so-21-co-bo-nhi-con-rieng-co-the-doi-mat-an-tu.html