Cơ sở để xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao

21/05/2020 23:00 | 3 năm trước

(LSO) - Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao không biết được khi ra quyết định đó, nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng VKSND tối cao kiến nghị, Chánh án TAND tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Chương XXVII Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có 9 điều từ Điều 404 đến 412 quy định về thủ tục xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao. Đây là quy định mới, tiến bộ so với Bộ luật Tố tụng hình sự 2003. Trong đó, Điều 404 quy định về “Yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao”.

Căn cứ nào xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán?

Khoản 1 Điều 404, quy định: "Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao không biết được khi ra quyết định đó, nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng VKSND tối cao kiến nghị, Chánh án TAND tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó”.

Nghiên cứu nội dung khoản 1 Điều 404 nói trên cho thấy, đây là quy định mới trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015; Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 chưa có quy định về thủ tục đặc biệt này để xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.

Theo nguyên tắc xét xử hai cấp, một vụ án hình sự thông thường được xét xử qua hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm - do bị cáo kháng cáo hoặc bị Viện kiểm sát kháng nghị. Trong trường hợp “phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án” hoặc “có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung bản án, quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định đó” thì vụ án sẽ được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm ở TAND cấp cao hoặc Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.

Tuy nhiên, vẫn có thể xảy ra trường hợp quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao vẫn mắc phải những sai sót.

Vì theo nội dung khoản 4 Điều 22 Luật Tổ chức TAND năm 2014, thì Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao là cơ quan xét xử cao nhất nên việc xét xử sai có thể dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng, trong khi đó quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao là quyết định cao nhất, không bị kháng nghị.

Từ thực trạng này, thực tiễn xét xử đòi hỏi phải có cơ chế đặc biệt để xem xét lại những quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.

Những cơ quan, người nào có thẩm quyền yêu cầu hoặc kiến nghị, đề nghị xem xét lại các quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao?

Điều 404 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có những nội dung quy định về các cơ quan, những người có thẩm quyền yêu cầu hoặc kiến nghị, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao xem xét lại các quyết định của mình khi có căn cứ xác định quyết định đó có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao không biết được khi ra quyết định đó.

Theo quy định của Điều 404 nói trên, những cơ quan có thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao gồm có:

1 - Ủy ban thường vụ Quốc hội (là cơ quan thường trực của Quốc hội) thực hiện chức năng giám sát hoạt động của TAND tối cao theo quy định tại Điều 74 Hiến pháp 2013. Căn cứ vào quy định của Hiến pháp,  khoản 2 Điều 404 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cụ thể hóa: Trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội có quyền yêu cầu thì Chánh án TAND tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao để xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao.

2 - Ủy ban Tư pháp của Quốc hội có quyền kiến nghị. Theo nội dung Điều 74 Luật Tổ chức Quốc hội 2014, thì Ủy ban Tư pháp Quốc hội là cơ quan của Quốc hội, có thẩm quyền “giám sát hoạt động của Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bổ trợ tư pháp; giám sát việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng”.

Trong khi thực hiện chức năng giám sát của mình, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nếu phát hiện căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao không biết được khi ra quyết định đó, thì Ủy ban Tư pháp của Quốc hội có quyền kiến nghị; Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao phải mở phiên họp xem xét kiến nghị đó.

3 – Viện trưởng VKSND tối cao có quyền kiến nghị theo quy định tại khoản 3 Điều 404 Bộ luật Tố tụng hình sự. Theo nội dung này, trong trường hợp phát hiện căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao không biết được khi ra quyết định đó, thì Viện trưởng VKSND tối cao có quyền kiến nghị. Khi nhận được kiến nghị này, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao phải mở phiên họp xem xét kiến nghị của Viện trưởng VKSND tối cao. Đây cũng là một trong những hoạt động thực hiện chức năng giám sát hoạt động tư pháp của Viện KSND được quy định tại Điều 4 Luật Tổ chức Viện KSND 2014.

4 – Khi có căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 404 nói trên, Chánh án TAND tối cao thực hiện quyền “đề nghị” của mình, thì báo cáo Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao mở phiên họp xem xét đề nghị đó.

Thời hạn xem xét kiến nghị, đề nghị và phiên họp xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao

Khoản 2 Điều 406 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng VKSND tối cao hoặc kể từ ngày Chánh án TAND tối cao có văn bản đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao phải mở phiên họp xem xét “kiến nghị, đề nghị” đó và thông báo bằng văn bản cho Viện trưởng VKSND tối cao về thời gian địa điểm mở phiên họp xem xét xem xét kiến nghị, đề nghị.

Thủ tục mở phiên họp xem xét kiến nghị đề nghị theo quy định tại Điều 407 và các quy định khác trong Chương XXVII Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Còn thời hạn mở phiên họp xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao được quy định tại Điều 410 Bộ luật Tố tụng hình sự. Theo khoản 1 điều này, trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc kể từ ngày có quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao nhất trí xem xét lại quyết định của mình, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao phải mở phiên họp.

Điều 409. Thẩm định hồ sơ vụ án; xác minh, thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật

1. Trường hợp có yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc có quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao nhất trí xem xét lại quyết định của mình thì Chánh án TAND tối cao tổ chức việc thẩm định hồ sơ vụ án và tổ chức việc xác minh, thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật trong trường hợp cần thiết.

2. Việc thẩm định hồ sơ vụ án, xác minh, thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật phải làm rõ có hay không có tình tiết quan trọng mới làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao.

Luật sư LÊ TRỌNG HÙNG

/bo-truong-le-thanh-long-bao-cao-bo-sung-3-noi-dung-duoc-quan-tam-trong-sua-doi-luat-giam-dinh-tu-phap.html