Cố ý phá hỏng Chính phủ kiến tạo

19/11/2020 21:00 | 3 năm trước

(LSVN) - Dư luận đang sôi sùng sục, hết sức phẫn nộ trước nạn phá rừng dẫn đến hậu quả hết sức tang thương, thế mà cùng một lúc 3 tỉnh "đệ đơn" xin được "chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên", thực chất của cái tên gọi mỹ miều đó là phá rừng.

Trong khi người ta hào sảng tuyên bố mức độ phủ xanh núi đồi của chúng ta cao hơn thế giới, chúng ta khôi phục từng mét vuông rừng nguyên sinh, chúng ta không để thủy điện xâm phạm đến một mét vuông rừng tự nhiên,... thì hành vi phá rừng được hợp pháp hoá bằng các dự án phát triển kinh tế xã hội. Theo thống kê từ cơ quan nhà nước, thì lực lượng lâm tặc thực sự chỉ phá hơn 10% rừng mà thôi.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Không chỉ phá rừng được núp dưới mỹ từ đẹp đẽ "chuyển đổi mục đích sử dụng" mà trong lĩnh vực quản lý đất đai cũng thế. Đó thực chất chỉ là thâu tóm đất đai, phân lô, bán nền, chỉ cần chứng nhận cho đất nông nghiệp thành đất ở đã kiếm được khối tiền và cũng đẩy không ít quan chức vào tù. Làm sao mà xây dựng chính phủ kién tạo được khi tình trạng quản lý đất đai theo kiểu "quân hồi vô phèng" xảy ra ở hầu hết các địa phương và cả trong quân đội nữa.

Ngay cả việc tham ô, sử dụng công quỹ tùy tiện cũng được gọi một cách đẹp đẽ là "chi tiêu không đúng quy định", mà cái này không phải ít, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra có đến 45 - 50 nghìn tỉ đồng ngân sách bị thổi bay bởi kiểu "chi tiêu không đúng" này! Mục tiêu "chính phủ kiến tạo" càng xa vời với kiểu chi tiêu như vậy!

"Chi tiêu không đúng quy định" hay "chuyển đổi sử dụng chưa đúng mục đích" thực chất là tham ô, lãng phí, lạm dụng quyền lực, gây bất an lòng người và bất ổn xã hội. Các hành vi sai trái thường được gọi tên bằng mỹ từ khiến việc đấu tranh với cái xấu, cái cái ác bị giảm sức mạnh đáng kể. Hãy xem như việc thủy điện xả lũ vô tội vạ, gây nên thảm họa với bà con nhân dân vùng hạ lưu, nhưng có người bảo vệ nó bằng cách tuyên bố là "đúng quy trình". Hàng chục năm nay bà con ta khốn khổ vì sự "đúng quy trình" đó, thiệt hại không được ai đền bù, thậm chí một lời xin lỗi cũng không. Được bao che, thủy điện tư nhân càng làm già, ví dụ như thủy điện Thượng Nhật (Thừa Thiên - Huế), chống lệnh Chính phủ, ngang nhiên tích nước, ngang nhiên bán điện khi chưa được phép.

Một việc nhỏ như sắp xếp việc đưa đón khách ở Sân bay Tân Sơn Nhất, tống các phương tiện vận tải công nghệ lên tầng 4 và khách phải xách va ly leo lên tận đó thì đủ hiểu sự "cát cứ quyền lực" như thế nào chứ nói gì đến kiến tạo!

NHỊ NGỌC

/dbqh-pham-van-hoa-can-dieu-tra-lam-ro-va-xu-ly-that-nghiem-khac-giao-vien-bi-to-bat-tre-uong-nuoc-bon-cau.html