/ Tin tức
/ Cội nguồn “Lễ hội Làng Sen”

Cội nguồn “Lễ hội Làng Sen”

15/05/2023 14:46 |

(LSVN) - Hàng năm, cứ vào dịp kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5, trên quê hương của Người lại tổ chức “Lễ hội Làng Sen”. Năm nay, tổ chức “Lễ hội Làng Sen” vào dịp Kỷ niệm 155 năm sinh bà Hoàng Thị Loan Thân mẫu Bác Hồ (1868-2023) và 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023).

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thắp hương mộ bà Hoàng Thị Loan.

Xuất xứ “Tiếng hát Làng Sen”

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng Giải phóng dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới, cả cuộc đời vì nước, vì dân tuy đã đi xa nhưng mãi trong lòng người dân Việt Nam với sự tôn kính, biết ơn sâu sắc. Đặc biệt, Người để lại cho quê hương một tình cảm vô cùng thân thương, quý mến.

Nghệ Tĩnh - Một vùng đất có phong trào văn nghệ quần chúng phát triển. Phong trào văn nghệ quần chúng đã tạo nên sức mạnh tinh thần để người dân vượt qua thiên tai, địch họa phát triển kinh tế - xã hội. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” đã đem lại sức mạnh vô cùng to lớn chiến thắng kẻ thù giữa đạn bom ác liệt. Sau khi Bác đi xa, hàng năm cứ đến dịp Kỷ niệm Ngày sinh của Người (19/5) khắp nơi trong tỉnh tổ chức Liên hoan văn nghệ quần chúng. Mỗi địa phương có một tên gọi khác nhau: Huyện Yên Thành tổ chức “Toàn dân hát về Bác Hồ”, huyện Nam Đàn “Hát từ Làng Sen”, huyện Nghi Xuân “Chúng con hát về Người kính yêu”; một số huyện, thị lấy chủ đề  “Quê ta hát về Bác Hồ”; các huyện miền núi “Nhân dân các dân tộc hát về Bác”... Các cơ quan, trường học, Đoàn Thanh niên thì tổ chức “Khúc ca dâng Bác”; “Tuổi trẻ hát về Bác”... Hội diễn văn nghệ ca ngợi Bác Hồ kính yêu trở thành truyền thống khắp các địa phương của Nghệ Tĩnh.

Đoàn nghệ thuật huyện Quỳnh Lưu tham gia liên hoan “Tiếng hát Làng Sen”

Ông Nguyễn Hữu Thuông- Giám đốc Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh Nghệ Tĩnh nhiều năm trăn trở, suy nghĩ phải tìm cho liên hoan nghệ thuật quần chúng mỗi lần sinh nhật Bác một chủ đề. Ông đem ý tưởng tổ chức một loại hình sân khấu không chuyên hát về Bác Hồ với tên gọi: “Tiếng hát Làng Sen” đưa ra tham khảo ý kiến anh em Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh, được mọi người đồng tình cao, cho đây là một ý tưởng hay, rất có ý nghĩa. Năm 1981, ông báo cáo với Lãnh đạo tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Trương Kiện, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quang Đạt cho đây là một sáng kiến hay và khuyến khích tổ chức. Bộ Văn hóa, Thông tin cũng đồng tình cao. Ông Nguyễn Hữu Thuông vô cùng phấn khởi về lập tờ trình đề nghị Sở Văn hóa, Thông tin, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho phép từ năm 1982 trở đi được tổ chức hội diễn “Tiếng hát Làng Sen” hàng năm. Đồng thời, đề nghị Nhà Văn hóa Trung tâm, Cục Văn hóa quần chúng, Bộ Văn hóa, Thông tin tổ chức liên hoan “Tiếng hát Làng Sen” với qui mô toàn quốc, cứ 5 năm một lần. Bộ Văn hóa, Thông tin đồng ý; các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc sĩ đến với “Tiếng hát Làng Sen” như đi trẩy hội về quê hương Bác Hồ về với cội nguồn.

Liên hoan “Tiếng hát Làng Sen” lần thứ Nhất diễn ra vào ngày 19/5/1982, do Nhà Văn hóa Trung ương và Sở Văn hóa, Thông tin tỉnh Nghệ Tĩnh tổ chức với sự tham gia của các Đoàn nghệ thuật quần chúng Thủ đô Hà Nội , TP. Hồ Chí Minh, Nhà Văn hóa Trung ương, Nhà Văn hóa Nghệ Tĩnh, Đội Văn nghệ Làng Sen. Cuộc liên hoan thành công tốt đẹp, để lại ấn tượng sâu sắc trong quần chúng Nhân dân và các đoàn nghệ thuật. Năm 1985, liên hoan lần thứ 2 có 14 tỉnh thành, ngành trong cả nước tham gia. Càng về sau số lượng tham gia càng đông. Cố Giáo sư Lưu Hữu Phước sau 1 lần tham gia phát biểu: “Tiếng hát Làng Sen” là một ngày hội mới, không chỉ có tầm cỡ quốc gia mà có ý nghĩa quốc tế”.

Hằng năm vào dịp Ngày sinh nhật Bác đều tổ chức diễu hành rước ảnh của Người từ Quảng trường Hồ Chí Minh (TP. Vinh) về Kim Liên (Nam Đàn)

Phát triển thành “Lễ hội Làng Sen”

Liên hoan “Tiếng hát Làng Sen” hàng năm ngày càng được mở rộng với nhiều hình thức hoạt động văn hóa khác như: Triển lãm, chiếu phim, hội chợ, hội thảo khoa học, trình diễn trang phục dân tộc, thi đấu thể  thao, diễu hành về quê Bác dần trở thành lễ hội ở Nghệ Tĩnh. Từ đó những người làm văn hóa ở Nghệ Tĩnh đã chuyển hóa và phát triển thành “Lễ hội Làng Sen”. Tháng 8/1988 được sự giúp đỡ của Trung tâm Phương pháp câu lạc bộ, Nhà văn hóa Trung tâm Nghệ Tĩnh tổ chức trại viết sân khấu hóa cho “Lễ hội Làng Sen” toàn quốc từ Thừa Thiên - Huế trở ra tham gia. Trại viết đã ra đời 10 kịch bản, mỗi kịch bản có cấu trúc quy mô khác nhau, mang tính truyền thống gắn với hiện đại, tính quần chúng có phần lễ và phần hội về Bác Hồ. Nhân dịp Kỷ niệm Ngày sinh Bác Hồ 19/5/ 1989, ngành Văn hóa , Thông tin tỉnh Nghệ Tĩnh tổ chức thí điểm “Lễ hội Làng Sen” lần thứ nhất thành công tốt đẹp, được quần chúng Nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng. Tháng 5/1990, tổ chức “Lễ hội Làng Sen” lần thứ 2 với quy mô toàn quốc thành công vượt ngoài mong đợi.

Pa nô trưng bày tại Quảng trường Hồ Chí Minh

Năm 2005, vào dịp Kỷ niệm 115 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm Du lịch quốc gia tổ chức tại Nghệ An, Kỷ niệm 975 năm mốc lịch sử có tên gọi Nghệ An được sự đồng ý của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thông tin phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An ( thời điểm này tỉnh Nghệ Tĩnh đã tách thành 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh ) tổ chức “Lễ hội Làng Sen” chủ đề: “ Hồ Chí Minh với bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam”. Tham gia có 10 đoàn chuyên nghiệp Trung ương, tỉnh, thành phố trong cả nước, 20 đoàn nghệ thuật quần chúng, có cả Đoàn nghệ thuật quốc gia nước bạn Lào. Các hãng phim truyện, tài liệu, hoạt hình, truyền hình, các Nhà xuất bản Trung ương và các tỉnh, thành phố đều tham gia. Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Vụ Mỹ thuật, Bảo tàng Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An tổ chức trưng bày hoành tráng, giới thiệu thân thể, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày hội Văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, Tây Bắc, Nam Bộ, dân tộc Chăm trình diễn các sắc phục dân tộc Việt Nam. Tổ chức tìm hiểu về Bác Hồ, về Làng Sen. Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Hồ Chí Minh”, tổ chức tham quan các di tích, danh lam ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Lễ hội gây được tiếng vang trong nước và quốc tế.

Từ đó đến nay, “Lễ hội Làng Sen” trở thành truyền thống hằng năm vào dịp Kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác Hồ trên quê hương của Người. Lễ hội được quần chúng hóa thu hút Nhân dân và các đoàn nghệ thuật quần chúng tham gia.

HẢI HƯNG

Nguyễn Hữu Trọng