LSVNO - Chiều 15/8/2019, tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã chất vấn Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình về bản án phúc thẩm vụ “buôn lậu” gỗ trắc của TAND cấp cao tại Đà Năng tuyên hôm 26/7/2019.
Câu hỏi
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị), nêu câu hỏi chất vấn: “Tôi xin gửi đến đồng chí Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình câu hỏi sau đây. Ngày 26/7/2019, kết thúc phiên xét xử vụ án “buôn lậu”, “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại tỉnh Quảng Trị và TP. Đà Nẵng (vụ án kéo dài 8 năm, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã chất vấn, kiến nghị nhiều lần), TAND cấp cao tại Đà Nẵng buộc phải thừa nhận không có cơ sở pháp lý để buộc tội các bị cáo làm giả hồ sơ nhập khẩu hàng hóa.
Tuy nhiên, lại căn cứ duy nhất vào Biên bản giám định vật chứng vụ án được lập nên bởi các cơ quan, đơn vị không có tư cách pháp nhân về Giám định Tư pháp, hay nói cách khác đó là “giám định chui”, không có giá trị pháp lý để buộc tội các bị cáo. Trong khi đó, toàn bộ vật chứng này Cơ quan Cảnh sát điều tra-C44 Bộ Công an đã bán tháo khi đang trong quá trình điều tra là vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Bộ luật Tố tụng hình sự.
Vậy theo đồng chí, phán quyết của TAND cấp cao tại Đà Nẵng như vậy là do nhận thức, vận dụng non kém về pháp luật hay do mục đích, động cơ nào khác? Quan điểm của đồng chí như thế nào về phán quyết này?
Nhân đây, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị chúng tôi xin kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho giám sát vụ án có nhiều dấu hiệu oan sai, vi phạm nghiêm trọng pháp luật trong quá trình tố tụng này”.
Trả lời
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình, trả lời: “Phiên tòa phúc thẩm, HĐXX không chấp nhận cáo trạng buôn lậu 614 m3 mà chỉ chấp nhận buôn lậu 78 m3. Lý do của việc này là vì có 535 m3 đã được đóng thuế và khai báo hải quan.
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn. (Ảnh chụp qua màn hình VTV1).
Và theo ý kiến công văn của Bộ Công Thương và trình bày trước tòa của Bộ Công Thương thì doanh nghiệp Việt nam không phải chịu trách nhiệm về tính đúng đắn, tính hợp pháp của các hồ sơ từ bên ngoài. Việc đấy của doanh nghiệp bên ngoài chịu trách nhiệm.
Cho nên những hàng hóa đã khai báo hải quan, đóng thuế thì được coi là hợp pháp. Chính vì vậy tòa đã chấp nhận 535 m3 của Công ty Ngọc Hưng là hợp pháp. Nhưng phần không khai báo là 78 m3 bao gồm 23 m3 gỗ giáng hương mà sơ thẩm đã tuyên và 55 m3 gỗ trắc không khai báo hải quan và đóng thuế thì tòa tuyên là buôn lậu và tịch thu. Và đấy là kết quả phiên tòa.
Còn cái Biên bản giám định, đại biểu nói là “giám định chui” thì tôi cũng phải nói lại để cho cử tri cả nước biết chứ không thành ra câu chuyện cơ quan điều tra làm có gì đấy khuất tất.
Đây là kết quả giám định trên cơ sở đề nghị của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và Viện Khoa học công nghệ Việt Nam-Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật tiến hành giám định. Năng lực và tư cách pháp nhân của viện này như thế nào thì chúng ta chưa bàn nhưng đây là yêu cầu chính thức của Cơ quan điều tra có sự giám sát của Viện kiểm sát nên không có gì chui lủi ở đây cả. Đây là yêu cầu chính thức.
Còn tòa tuyên có căn cứ duy nhất vào Biên bản giám định này không? Báo cáo Quốc hội là HĐXX đã căn cứ vào 6 tài liệu:
1/Kết quả giám định của Viện Khoa học công nghệ Việt Nam- Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật. 2/Báo cáo của Bộ Công an. 3/Báo cáo của Viện kiểm sát. 4/Biên bản định giá của Đà Nẵng. Biên bản này có 12 chữ kí bao gồm Sở Tài chính, Sở Khoa học Công nghệ, Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Kiểm lâm, đại diện Bộ Công an… 5/Kết quả bán đấu giá của Sở Tư pháp TP. Hà Nội, đấu giá 614 m3. 6/Hợp đồng mua bán của người trúng đấu giá, tức là bên thứ ba, người ta đồng ý mua 614 m3 chứ không phải 535 m3.
Với 6 tài liệu này HĐXX khẳng định rằng lô hàng có khối lượng là 614 m3 chứ không phải chỉ có 1 biên bản. Sau khi trừ đi phần đã khai báo và đóng thuế là 535 m3 còn lại 78 m3 thì HĐXX chấp nhận đề nghị của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đây là hàng buôn lậu.
Còn Quốc hội giám sát tối cao thì chúng tôi sẵn sàng phục vụ vụ án này”.
Nhận xét
Ngay sau khi Chánh án Nguyễn Hòa Bình trả lời, ở hành lang hội trường, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng trả lời báo chí: “Về trả lời của chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình đối với chất vấn của Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, chúng tôi rất mừng là Chánh án cũng đã thấy rõ những căn cứ không đầy đủ nên TAND cấp cao taị Đà Nẵng đã không thừa nhận các kháng nghị của VKSND cấp cao tại Đà Nẵng về việc cho rằng các bị cáo lập hồ sơ giả để nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam cũng như xuất khẩu đi nước thứ ba.
Vế thứ 2 là Chánh án TAND tối cao trả lời việc Đại biểu Hà Sỹ Đồng đặt vấn đề căn cứ pháp lý của Biên bản giám định. Đây là cái cơ sở gốc để sau đó các văn bản của các cơ quan liên quan, ví dụ như Cơ quan Cảnh sát điều tra, rồi ví dụ như việc bán lô vật chứng cũng là trên cơ sở Biên bản giám định này.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng đã nói là cái Biên bản giám định này được xác lập bởi các tổ chức và cá nhân không có tư cách pháp nhân trong Giám định Tư pháp, thì có nghĩa là nó không có giá trị pháp lý. Mà khi cơ sở gốc này không có giá trị pháp lý thì tất cả các văn bản dựa trên văn bản gốc này đều không có giá trị pháp lý. Mấu chốt ở chỗ đó.
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình không làm rõ vấn đề này. Và dường như là đang đưa cách hiểu cho các cử tri và nhân dân rằng, các văn bản của các cơ quan là đầy đủ nhưng thực ra soi chiếu lại thì tất cả các văn bản đó phải bắt đầu từ Biên bản giám định tư pháp. Mà Biên bản đó như chúng tôi đã khẳng định trong báo cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội và chất vấn của Đại biểu Hà Sỹ Đồng là không có cơ sở pháp lý thì không thể buộc tội các bị cáo trong vụ án này được”.
Luật sư Nguyễn Trường Thành (Đoàn Luật sư TP. Cần Thơ), phát biểu: “Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nói sai toàn bộ. Vụ án bán vật chứng đã được khởi tố, vật chứng đã bán mất rồi thì lấy gì đối chiếu để khẳng định số liệu điều tra là đúng. Mà Công ty Ngọc Hưng nếu kê khai sai khi nhập và xuất khẩu lô gỗ thì theo pháp luật cũng chỉ bị xử lý hành chính, không thể xử lý hình sự”.
Trích bản án phúc thẩm tuyên ngày 26/7/2019:
“Các cán bộ thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (ST&TNSV) chưa được Bộ Tư pháp công bố danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc theo quy định tại Khoản 3 Điều 11 của Pháp lệnh Giám định tư pháp năm 2004, đồng thời họ không có kiến thức chuyên môn để xác định khối lượng gỗ mà chỉ có chuyên môn phân loại gỗ.
Lẽ ra, sau khi nhận được quyết định trưng cầu giám định số 01 ngày 27/7/2012 của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện ST&TNSV phải từ chối giám định về lĩnh vực không có chuyên môn để Cơ quan Cảnh sát điều tra tiếp tục trưng cầu cơ quan có chuyên môn để xác định khối lượng gỗ, tức cơ quan Kiểm lâm vùng 2 cùng tham gia giám định.
Nhưng Viện ST&TNSV lại ban hành công văn số 654 ngày 30/8/2012 và công văn số 642 ngày 19/9/2012 mời cơ quan Kiểm lâm vùng 2 tham gia giám định là chưa đúng quy định pháp luật về giám định tư pháp.
Tuy nhiên, tại biên bản cuộc họp ngày 13/9/2012, các cơ quan Viện ST&TNSV, cơ quan Kiểm lâm vùng 2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Vụ 1 VKSND tối cao, Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan đã họp phân công nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan khi tiến hành giám định, và tại biên bản làm việc ngày 20/9/2012 Viện ST&TNSV và cơ quan Kiểm lâm vùng 2 đã họp phân công nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan.
Theo đó, Viện ST&TNSV có trách nhiệm xác định chủng loại gỗ, tức là tên gỗ. Cơ quan Kiểm lâm vùng 2 có trách nhiệm xác định quy cách, số lượng, khối lượng gỗ, số hiệu đầu thanh, đầu lóng và kí hiệu dấu búa trên từng chủng loại gỗ.
Như vậy, mặc dù các thành viên tham gia giám định chưa được Bộ Tư pháp công bố danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, theo đề nghị của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhưng theo quy định tại Khoản 8 Điều 12, Khoản 3 Điều 37 Pháp lệnh giám định tư pháp năm 2004 thì các thành viên nêu trên không thuộc những trường hợp không được thực hiện các giám định tư pháp.
Và theo tinh thần được quy định tại Khoản 2 Điều 20 luật giám định tư pháp năm 2012 thì các thành viên này có đủ điều kiện kiến thức chuyên môn tuy không thuộc danh sách đã công bố nhưng được thực hiện giám định, đồng thời trước khi tiến hành giám định các cơ quan tiến hành giám định đã họp phân công nhiệm vụ cụ thể có sự chứng kiến của các cơ quan tiến hành tố tụng (...).
Do đó, Kết luận giám định số 783 ngày 26/11/2012 của Viện ST&TNSV vẫn đảm bảo về mặt pháp lý”.
Sáu Nghệ