Đại biểu Quốc hội đề nghị thành lập Bộ Thanh niên

26/05/2020 04:58 | 3 năm trước

(LSO) - Sáng ngày 26/5, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị thành lập Bộ Thanh niên để làm công tác quản lý nhà nước về thanh niên, thay vì giao cho Bộ Nội vụ như hiện nay. Được biết, dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) là thể chế hóa trách nhiệm của thanh niên thành các quy định pháp luật nhằm giúp thanh niên chủ động, sẵn sàng xung kích, đi đầu trên mọi lĩnh vực trong cuộc sống.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân. Ảnh: Internet

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, chiều 25/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).

Theo đó, thảo luận về luật Tổ chức Quốc hội sáng ngày 26/5, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) khi bàn về cơ cấu các ủy ban của Quốc hội đã khẳng định, thực tế 3 chủ thể liên quan đến thanh niên là Bộ Nội vụ, Trung ương Đoàn và Ủy ban Quốc gia về thanh niên hiện đang trái với tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 18 về tinh gọn đầu mối.

Đại biểu Bình Dương cho rằng, việc thành lập Bộ Thanh niên với nhiệm vụ vận động phong trào và quản lý nhà nước xét về khoa học quản lý sẽ bổ khuyết cho nhau nhằm làm tăng hiệu quả quản lý và nâng cao về chất lượng phong trào Đoàn.

“Trên nền tảng đổi mới Nghị quyết số 18 thì liệu chúng ta có thể thực hiện lời dạy của Bác là cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ; cái gì cũ mà không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý; cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm, cái gì mới mà hay thì phải làm, không chỉ áp dụng cho dự luật này mà còn cho cả dự luật Thanh niên (sửa đổi) mà Quốc hội vừa thảo luận hôm qua hay không?”, đại biểu Bình Dương nói thêm.

Trước đó, vào chiều ngày 25/5, đại biểu Trần Thị Vĩnh Nghi (Đoàn Cần Thơ) cho rằng việc này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo trong thời gian sớm nhằm bảo đảm tính kế thừa trong công tác quản lý Nhà nước về thanh niên tốt hơn và hiệu quả hơn.

Từ thực tế tìm hiểu ở các quốc gia, đại biểu Nghi cho rằng, quản lý thanh niên cần gắn với một bộ nào đó, ví dụ Bộ Thanh niên và Thể thao.

Theo thảo luận tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 20/4, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đặt vấn đề, trong điều kiện hiện nay thì có cần thiết thành lập Bộ Thanh niên không?

Về chính sách đối với thanh niên, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, trên cơ sở kế thừa quy định của Luật Thanh niên năm 2005, căn cứ vào yêu cầu của tình hình mới và để phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững, dự thảo Luật quy định chính sách dành cho các nhóm thanh niên đặc thù bao gồm chính sách dành cho thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện, thanh niên có tài năng, thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Các chính sách này được thiết kế theo hướng: Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện về mọi mặt để thanh niên thuộc các nhóm đối tượng này phát huy được khả năng của mình, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc; đồng thời quy định các giải pháp về chính sách để huy động lực lượng thanh niên này tham gia vào các dự án, hoạt động cụ thể nhằm phát triển đất nước .

Cụ thể, đối với thanh niên có tài năng, Dự thảo luật quy định: Có chính sách phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ đối với thanh niên có tài năng; Người đứng đầu cơ quan, tổ chức quy định chế độ trọng dụng và đãi ngộ đối với thanh niên có tài năng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền.

LÂM HOÀNG (t/h)

/tap-trung-dieu-tra-xu-ly-nghiem-vu-nhat-cuong-gang-thep-thai-nguyen-cung-ba-dai-an-khac.html