Đắk Lắk: Thị trường phân bón - “Góc khuất” cần làm sáng tỏ?

29/07/2019 08:36 | 4 năm trước

LSVNO - Thị trường phân bón trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung đã và đang gián tiếp gây ra thiệt hại nghiêm trọng tới năng xuất cây trồng cũng như đời sống của nhân dân. Ch...

LSVNO - Thị trường phân bón trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung đã và đang gián tiếp gây ra thiệt hại nghiêm trọng tới năng xuất cây trồng cũng như đời sống của nhân dân. Chỉ vì doanh nghiệp, công ty sản xuất phân bón cố tình in sai thành phần, không đúng với tiêu chuẩn sản xuất, không đảm bảo chất lượng sản phẩm trên bao bì và thành phần chính trong từng loại sản phẩm.

Bất chấp quy định, lập lờ đánh tráo?

Theo thống kê, hiện nay, trên thị trường phân bón tỉnh Đắk Lắk có hàng trăm loại phân bón được bày bán với khoảng hơn 1.000 đại lý lớn nhỏ. Bên cạnh những công ty có uy tín lâu năm, luôn đảm bảo về bao bì và chất lượng thì cũng có nhiều công ty dùng nhiều chiêu thức để đánh lừa nông dân, trong đó tình trạng ghi sai nhãn hàng hóa, công bố tiêu chuẩn chất lượng phân bón không đúng diễn ra tràn lan và phức tạp. 

Theo tìm hiểu của phóng viên Luật Sư Việt Nam Online, Công ty TNHH TM Nam Việt có trụ sở tại Thới Hòa, Bến Cát, Bình Dương là một trong nhiều công ty sản xuất phân bón có dấu hiệu vi phạm về vấn đề này. Sai phạm của Công ty nằm trên dòng phân hữu cơ sinh học Remedy –organi. 

Đáng nói là phân này có nguồn gốc chủ yếu từ phân bò, phân dê, phân được dùng để  bón lót, bón thúc nhưng công dụng của phân hữu cơ này lại được ghi dùng để phòng và trị bệnh sưng rễ và truyến trùng trên các loại cây trồng; phòng và trị bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu; phòng và trị bệnh vàng lá, chết nhanh, chết chậm trên cây cà phê….

Tuy nhiên, công dụng thực sự của các loại phân trên lại khó kiểm chứng. Đương nhiên, việc công ty  ghi nhãn mác hàng hóa mập mờ sẽ khiến người tiêu dùng khó nhận biết về chất lượng. Hay nói cách khác, việc công ty Nam Việt ghi sai công dụng đã khiến cho người dùng hiểu sai về bản chất của phân bón, khiến phân bón vô tình thay thế luôn cả thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

Người nông dân khi mua bón phân này về sử dụng sẽ đinh ninh là phân có thể bón cho cây và thay thế thuốc BVTV mà không cần xài thêm thứ gì, dẫn đến năng xuất cây trồng giảm thậm chí là cây chết.

Liên hệ với công ty Nam Việt để tìm hiểu sự việc, ông Ngô Xuân Chinh – phó giám đốc phụ trách kinh doanh cho biết: Dòng phân phân hữu cơ sinh học Remedy –organic sản xuất tháng 6/2018 được đưa ra trên thị trường này là dòng phân thử nghiệm. Phận này công ty làm thử nghiệm trên hai vùng tiêu chính là xã Xuân Trường, huyện Đăk Song và xã Chư Sê, tỉnh Gia Lai.

Tuy nhiên, theo điều tra của phóng viên, hiện dòng phân này hiện nay vẫn đang còn được bán tại thị trường tỉnh Đắk Lắk và trên mẫu bao bì theo chia sẻ của ông Chinh “cũng không hề ghi là sản phẩm dùng để thử nghiệm”.

Còn về vấn đề công dụng của phân này thì ông Chinh khẳng định: “Câu chữ thì anh em thiết kế bao bì ghi sai, đáng lẽ là chỉ ghi chữ “phòng” thôi chứ không có chữ “trị”. Trên nguyên tắc thì nó chỉ phòng thôi”.

Như vậy, việc công ty Nam Việt biết ghi sai công dụng trên bao bì nhưng vẫn đưa sản phẩm ra thị trường, để sản phẩm “lập lờ đánh lận con đen” giữa thuốc BVTV và phân bón để đánh lừa khách hàng, thậm chí đến nay sản phẩm này vẫn đang được bày bán tại đại lý mà công ty không hề có chính sách thu hồi là thiếu trách nhiệm, coi thường quy định của nhà nước.  

Nhập nhèm thị trường phân lân

Ngoài sản phẩm của công ty Nam Việt còn xuất hiện nhan nhản các loại phân bón trung, vi lượng với tên gọi thành phần dinh dưỡng được ghi nhập nhèm, đội lốt phân lân với hiện tượng, để tên một đằng, thành phần một nẻo.

Đó là sản phẩm phân bón Lân Đen complex 500 của Công ty cổ phần phân bón N (địa chỉ tại KCN Tân Kim, xã Tân Kim, Cần Giuộc, Long An), mặc dù tên gọi là Lân Đen, nhưng trong phần hàm lượng thì không có phần trăm nào của lân cả. Thành phần duy nhất mà doanh nghiệp này ghi là canxi (14,3%) và magie (7,2%).

Các loại phân bón trung, vi lượng với tên gọi, thành phần dinh dưỡng được ghi rất nhập nhèm, đội lốt phân lân tràn ngập thị trường.

Tiếp đến là sản phẩm Supper lân của Công ty TNHH Quốc Tế FiFa (địa chỉ tại 145 Nguyễn Văn Thủ, phường Đa Kao, quận 1, TP. HCM), trong thành phần nguyên liệu là 17% nhưng hàm lượng thì lại không có tí lân nào.

Trong khi đó, người dùng khi mua sản phẩm cứ ngỡ mình mua được sản phẩm lân tốt về hoặc sẽ bón cho cây trồng thay thế lân, hoặc sẽ không bổ sung thêm lân cho cây trồng dẫn đến cây bị thiếu hụt dinh dưỡng trầm trọng, dẫn đến năng xuất giảm sút, thậm chí cây chết mà không biết nguyên nhân vì sao.

Được biết, theo quy định của ngành hóa chất, các công ty muốn sản xuất phân lân phải có nhà máy có công nghệ gốc được Chính phủ cấp phép sản xuất. Thực tế các công ty có được giấy phép này chỉ tính trên đầu ngón tay như Công ty cổ phần phân lân Nung chảy Văn Điển, Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình, Công ty cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao...

Vậy các doanh nghiệp được nêu tên ở trên lấy cơ sở nào để sản xuât phân lân? Phải chăng việc các công ty ấy lấy tên sản phẩm là Lân Đen, supper Lân..., là có dấu hiệu vi phạm Nghị định 108/20017/NĐ-CP về quản lý phân bón và Nghị định 89/2006/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn mác hàng hóa?

Thực tế, trên thị trường Đắk Lắk hiện nay, các sản phẩm phân bón với tên gọi, nhãn mác, thành phần nhập nhèm rất nhiều. Các doanh nghiệp này nhập nhèm trong công bố hàm lượng, mẫu mã, bao bì để qua mặt người dân và cơ quan quản lý.

Như vậy, chưa cần phải đem đi xét nghiệm mà thông qua nhãn mác bao bì cũng có thể khẳng định các sản phẩm phân bón trên đều có vấn đề.

Với thực trạng như thế này, phân bón kém chất lượng đã và đang không chỉ gây thiệt hại cho nông dân mà còn gây bức xúc đối với những doanh nghiệp lớn có thương hiệu chân chính.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng sớm cần phải siết chặt quản lý hơn nữa để  tình trạng phân bón với tên gọi, bao bì nhãn mác mập mờ, công dụng ghi sai, ghi nhầm không còn tung hoành ngang nhiên trên thị trường.

                                                                         Lam Sơn – Lê Hiếu