Danh sách 10 luật và nhiều nghị quyết đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

23/06/2020 02:26 | 3 năm trước

(LSO) - Sau hơn 20 ngày làm việc, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình Kỳ họp thứ 9. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, thảo luận và thông qua 10 luật, nhiều nghị quyết, cho ý kiến 6 dự án luật.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Đây là những luật, nghị quyết quan trọng liên quan đến các lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, tổ chức bộ máy, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phòng, chống thiên tai và quản lý đê điều..., tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; đồng thời, đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để khắc phục hậu quả dịch bệnh Covid-19 gây ra.

Cụ thể, thông qua 10 luật, gồm:

1. Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020

- Ngày thông qua: 10/6/2020

- Ngày có hiệu lực: 01/01/2021

Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020 được ban hành sửa đổi, bổ sung quy định về Phòng giám định kỹ thuật hình sự; trách nhiệm giới thiệu cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện tiêu chuẩn để thực hiện giám định; thời hạn giám định tư pháp; quyền, nghĩa vụ của người trưng cầu giám định tư pháp, tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp; quyền, nghĩa vụ của giám định viên tư pháp…

2. Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án 2020

- Ngày thông qua: 16/6/2020

- Ngày có hiệu lực: 01/01/2021

Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được ban hành gồm 04 chương, 42 điều quy định về: nguyên tắc, chính sách của Nhà nước; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên khi thực hiện hòa giải, đối thoại, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án; trách nhiệm của Tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại thành tại Tòa án…

3. Luật Thanh niên 2020

- Ngày thông qua: 16/6/2020

- Ngày có hiệu lực: 01/01/2021

Luật Thanh niên được sửa đổi với những quy định mới như: tháng 3 hằng năm là Tháng Thanh niên; thiết lập cơ chế đối thoại giữa người đứng đầu Chính phủ, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị với thanh niên về các vấn đề liên quan đến thanh niên; quản lý nhà nước về thanh niên; các tổ chức thanh niên, cơ sở giáo dục, gia đình đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về thanh niên…

4. Luật Doanh nghiệp 2020

- Ngày thông qua: 17/6/2020

- Ngày có hiệu lực: 01/01/2021

Luật Doanh nghiệp được sửa đổi với nhiều nội dung như: sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước; quy định cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% xuống 5% tổng số cổ phần phổ thông trở lên có quyền tiếp cận thông tin về tình hình hoạt động của công ty và triệu tập họp đại hội đồng cổ đông; quy định đối tượng tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; bỏ thủ tục báo cáo thay đổi thông tin của người quản lý doanh nghiệp, thủ tục thông báo mẫu dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh;…

5. Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 2020

- Ngày thông qua: 17/6/2020

- Ngày có hiệu lực: 01/7/2021

Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 2020 được ban hành đã bổ sung một số loại hình thiên tai, công trình phòng, chống thiên tai cho phù hợp với thực tế; quy định về việc được phép sử dụng bãi nổi, cù lao nơi chưa có công trình xây dựng; làm rõ nguồn nhân lực, nguồn ngân sách cho phòng, chống thiên tai; quy định rõ về Quỹ phòng, chống thiên tai trung ương; bổ sung, mở rộng thẩm quyền vận động quyên góp để hỗ trợ, cứu trợ thiên tai đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;…

6. Luật Đầu tư 2020

- Ngày thông qua: 17/6/2020

- Ngày có hiệu lực: 01/01/2021

Luật Đầu tư được sửa đổi với nhiều quy định mới như: Phân định rõ phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng; bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; về điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; việc chấp thuận chủ trương đầu tư và các hình thức lựa chọn nhà đầu tư; giám định vốn đầu tư; bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện…

7. Luật Xây dựng sửa đổi 2020

- Ngày thông qua: 17/6/2020

- Ngày có hiệu lực: 01/01/2021

Luật Xây dựng sửa đổi 2020 được ban hành đã sửa đổi, bổ sung quy định xây dựng và cấp phép xây dựng công trình có thời hạn trên đất có quy hoạch chậm triển khai; quy định thẩm quyền cấp phép các công trình xây dựng cấp đặc biệt đã được phân cấp, quy định cụ thể điều kiện cấp giấy phép xây dựng có thời hạn, những loại công trình xây dựng được miễn giấy phép; phân loại và cấp công trình xây dựng; dự án đầu tư xây dựng; dự án đầu tư xây dựng khu đô thị; Ban quản lý dự án; việc thẩm định dự án đầu tư xây dựng; cấp giấy phép xây dựng; xây dựng công trình khẩn cấp; trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư xây dựng…

8. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi 2020

- Ngày thông qua: 18/6/2020

- Ngày có hiệu lực: 01/01/2021

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi 2020 được ban hành đã bổ sung một số quy định để tiếp tục khẳng định, làm rõ và sâu sắc hơn cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong hoạt động xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thể chế hóa chủ trương của Đảng về việc đưa hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội vào quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; sửa đổi một số quy định trong công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương; trách nhiệm của các cơ quan trong toàn bộ quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật…

9. Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020

- Ngày thông qua: 18/6/2020

- Ngày có hiệu lực: 01/01/2021

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được ban hành gồm 11 chương, 101 điều, quy định về: lĩnh vực đầu tư dự án PPP tập trung vào 5 nhóm quan trọng, thiết yếu liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội, hạ tầng công nghệ thông tin; quy mô dự án PPP; cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu được áp dụng đối với các dự án PPP; các nội dung Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán trong đầu tư theo phương thức PPP; hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và giám sát của cơ quan quản lý nhà nước; quy định dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng xây dựng-chuyển giao kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành…

10. Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi 2020

- Ngày thông qua: 19/6/2020

- Ngày có hiệu lực: 01/01/2021

Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi 2020 được ban hành bổ sung quy định về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội; thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; mở rộng cơ cấu của Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội; sửa đổi tên gọi của 2 Ủy ban của Quốc hội.

Đồng thời, nhiều Nghị quyết của Quốc hội cũng được thông qua tại kỳ họp này, như:

1. Nghị quyết Phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh Châu Âu;

2. Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA);

3. Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về Xóa bỏ lao động cưỡng bức;

4. Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021;

5. Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020;

6. Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp;

7. Nghị quyết về việc miễn nhiệm chức vụ Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XIV đối với bà Nguyễn Thanh Hải;

8. Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng đối với ông Vương Đình Huệ;

9. Nghị quyết của Quốc hội về bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia;

10. Nghị quyết về phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia; bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

11. Nghị quyết về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU và các nước thành viên EU;

12. Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018;

13. Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội;

14. Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác;

15. Nghị quyết về việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia;

16. Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác;

17. Nghị quyết Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030;

18. Nghị quyết kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Bên cạnh đó, Quốc hội cho ý kiến 6 dự án luật khác, cụ thể, gồm: Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật Cư trú (sửa đổi); Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Như vậy, sau gần 1 tháng làm việc, với cách thức điều hành linh hoạt, chủ động thích ứng, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành chương trình nghị sự đề ra, thông qua nhiều quyết sách lớn để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế cũng như đặt nền móng quan trọng trong đổi mới hoạt động của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất ở Việt Nam.

THANH THANH

/hanh-vi-hack-tai-khoan-mang-xa-hoi-cua-nguoi-khac-bi-xu-ly-nhu-the-nao.html