Dấu hiệu “lạm quyền” thu phí cách ly: Không đúng với quy định pháp luật

11/04/2020 01:21 | 4 năm trước

(LSO) - Việc thu phí cách ly dịch bệnh Covid-19 tại một số tỉnh/thành tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận cả nước trong bối cảnh Chính phủ và nhân dân Việt Nam đang nỗ lực hết mình chống lại căn bệnh này. Luật sư Việt Nam Online tiếp tục thông tin đến bạn đọc quan điểm, góc nhìn của bạn đọc, các chuyên gia pháp lý… về vấn đề này.

Theo quy định tại Điều 49 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định: “Người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế phải được cách ly, hình thức cách ly bao gồm cách ly tại nhà, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại các cơ sở, địa điểm khác”.

Các chế độ đối với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế theo Điều 2 Thông tư 32/2012/TT-BTC:

“1. Được miễn chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định hiện hành về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở y tế công lập do cơ quan có thẩm quyền ban hành khi phát hiện, điều trị các bệnh truyền nhiễm theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.

2. Được cấp không thu tiền: nước uống, khăn mặt, khẩu trang, nước dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng tắm gội và các vật dụng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế theo định mức sử dụng cho người bị cách ly y tế do Bộ Y tế ban hành...

6. Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được cơ sở thực hiện cách ly y tế cung cấp bữa ăn theo yêu cầu, phù hợp với khả năng của cơ sở thực hiện cách ly y tế. Chi phí tiền ăn do người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tự chi trả. Trường hợp người bị cách ly y tế là người thuộc hộ nghèo theo quy định thì được hỗ trợ tiền ăn theo mức 40.000 đồng/ngày trong thời gian cách ly y tế.

Điều 3 Thông tư này cũng quy định nguồn kinh phí thực hiện chế độ nêu trên do ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; nguồn vận động, đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, theo quy định chung của pháp luật thì trong thời gian cách ly y tế, người phải cách ly y tế vẫn phải tự chi trả tiền ăn; còn đối với chi phí khám bệnh, chữa bệnh, nước uống, khăn mặt, khẩu trang, nước dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng tắm gội và các vật dụng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt thì được cấp miễn phí.

Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và nhằm động viên, khuyến khích người dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, ngừa dịch bệnh, ngày 29/03/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 37/NQ-CP về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19.

Cụ thể, theo quy định tại Nghị quyết 37/NQ-CP, người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế (không áp dụng với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú, khách sạn, resort, doanh nghiệp) sẽ được hỗ trợ tiền ăn là 80.000 đồng/ngày trong thời gian cách ly y tế và được cấp không thu tiền: nước uống, khăn mặt, khẩu trang, nước dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng tắm gội và các vật dụng thiết yếu, các chi phí khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế với tổng chi phí là 40.000 đồng/ngày. Trường hợp người bị cách ly y tế có yêu cầu bữa ăn theo nhu cầu (nếu có), thì phải tự chi trả phần chi phí tăng thêm.

Như vậy, việc cách ly y tế nhằm phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là trường hợp đặc thù được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn đối với mỗi cá nhân phải áp dụng biện pháp cách ly là 80.000 đồng/ngày.

Theo quy định tại Điều 12 Nghị định 101/2010/NĐ-CP, thì thủ tục, thẩm quyền áp dụng biện pháp cách ly y tế đối với người nước ngoài cũng áp dụng giống như đối với người Việt Nam.

Các chế độ khi cách ly y tế không phải chế độ được hưởng theo Bảo hiểm y tế nên dù không có thẻ bảo hiểm y tế vẫn được hưởng các chế độ này. Tuy nhiên, chế độ khám chữa bệnh đối với các bệnh khác phải khám điều trị trong thời gian cách ly lại khác nhau.

Cụ thể, Nghị quyết 37/NQ-CP quy định rõ về việc chi trả chi phí khám, chữa bệnh khác đối với trường hợp đang trong thời gian cách ly y tế tập trung mà mắc các bệnh khác phải khám, điều trị như sau:

- Đối với người có thẻ bảo hiểm y tế, quỹ bảo hiểm y tế thanh toán phần chi phí khám, điều trị trong phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế như trường hợp đi khám, chữa bệnh đúng tuyến. Ngân sách nhà nước chi trả phần chi phí đồng chi trả của người bệnh và các chi phí ngoài phạm vi hưởng bảo hiểm y tế;

- Đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế thì do ngân sách nhà nước chi trả; người nước ngoài tự chi trả chi phí khám, điều trị.

Chính phủ thực hiện hỗ trợ chi phí cách ly cho người dân nhằm thể hiện quan điểm chấp nhận thiệt hại kinh tế, bảo vệ sức khoẻ, tính mạng người dân trong đại dịch. Điều này giúp khuyến khích người dân ý thức, tự giác cách ly, bảo đảm an toàn chung cho cộng đồng. Dù vậy, hiện nay vẫn có những người trốn cách ly, khai báo gian dối. Do đó, nếu không có sự hỗ trợ từ Chính phủ thì có lẽ việc thực hiện cách ly y tế sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn nữa.

Vũ Văn Biên, Văn phòng luật An Phước.

Đối với trường hợp một số địa phương như Hải Phòng, Đà Nẵng, Bắc Ninh… yêu cầu những người từ những địa phương khác đến như TP. HCM, Hà Nội phải thực hiện cách ly y tế và phải nộp phí cách ly là không đúng với quy định của pháp luật.

Căn cứ theo chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, thì những người từ Hà Nội, TP. HCM đến Đà Nẵng, Hải Phòng… được xác định là vi phạm về phòng chống dịch bệnh thì đã có chế tài xử lý là Bộ luật Hình sự và Nghị Định 76 của Chính phủ. Những người vi phạm có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù, không có quy định thu tiền cách ly. Hơn nữa, những người này không thuộc trường hợp phải cách ly y tế tập trung tại cơ sở khác theo quy định tại Nghị định 101/2010/NĐ-CP.

Một số địa phương khi tiến hành thu phí cách ly đã cho rằng xác định Hà Nội và TP. HCM là vùng dịch, việc thu phí sẽ hạn chế người ở hai địa phương này về không có lý do chính đáng. Đây không chỉ là sự nhầm lẫn tai hại về phòng chống dịch bệnh mà nó còn gây tâm lý không tốt trong cộng đồng. Bởi, cho đến nay chưa có văn bản nào cho thấy Hà Nội và TP. HCM được coi là vùng dịch.

Trong khi các địa phương trên cả nước không tiến hành thu phí cách ly đối với người dân theo đúng quy định của Chính phủ thì một vài địa phương lại tự ý “tách” mình ra khỏi cộng đồng. Liệu việc làm này có mang tính cá nhân, tự phát hay tự đặt mình cao hơn Chính phủ?

Một số địa phương sau khi có dự định thấy dư luận phản ứng đã “rút lui”, thu hồi quyết định hoặc hoãn… Vấn đề này xét về quản lý nhà nước thì không hề đơn giản, cần phải làm cho rõ trách nhiệm của người ban hành quy định. Bởi, quy định pháp luật được áp dụng để phục vụ đời sống nhân dân, an toàn xã hội. Do đó cần nghiên cứu thật kỹ trước khi ban hành, chứ không phải câu chuyện của một vài cá nhân thích thì ban hành rồi thấy không phù hợp lại thu hồi hoặc hoãn.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc cách ly xã hội gặp rất nhiều khó khăn, có nhiều trường hợp cần áp dụng các phương án đặc biệt nhưng lại không có quy định pháp luật cụ thể. Tuy nhiên, mọi quy định trước khi được áp dụng cần phải được Chính phủ hoặc Bộ Y tế ban hành văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng chung trên phạm vi cả nước nhằm đạt được sự đồng bộ, thống nhất trong quá trình áp dụng.

Luật sư Vũ Văn Biên, Văn phòng luật An Phước

Luật sư Việt Nam Online trân trọng kính mời các chuyên gia pháp lý, luật sư và độc giả bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình về việc này để việc áp dụng chính sách pháp luật đúng quy định. Mọi ý kiến xin gửi về email tòa soạn: banbientaplsvno@gmail.com.

/dau-hieu-lam-quyen-thu-phi-cach-ly-khong-de-phep-vua-thua-le-lang.html
/dau-hieu-lam-quyen-thu-phi-cach-ly-se-gay-ra-he-luy-kha-lon.html