Dấu hiệu "lạm quyền" thu phí cách ly: Không phù hợp với quy định pháp luật

08/04/2020 22:09 | 4 năm trước

(LSO) – Việc thu phí cách ly dịch bệnh Covid-19 tại một số tỉnh/thành tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận cả nước trong bối cảnh Chính phủ và nhân dân Việt Nam đang nỗ lực hết mình chống lại căn bệnh này. Luật sư Việt Nam Online tiếp tục thông tin đến bạn đọc quan điểm, góc nhìn của bạn đọc, các chuyên gia pháp lý… về vấn đề này.

Việc thu phí cách ly đối với người ngoại tỉnh là không căn cứ rõ ràng

Theo Luật sư Đặng Xuân Cường, Trưởng Ban Hình sự - Công ty Luật TAT Law firm: “Đối với việc thu phí cách ly với người ngoại tỉnh thì không có căn cứ rõ ràng, bởi luật chỉ quy định công dân Việt Nam hay người phải cách ly mà không quy định riêng người địa phương nào, hơn nữa việc thu toàn bộ phí cách ly cũng là không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.”

Nghị định 101/2010/NĐ-CP, Thông tư 32/2012/TT-BTC hướng dẫn Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 đối với các trường hợp cách ly y tế. Theo đó, người cách ly được miễn chi phí khám bệnh, chữa bệnh (chỉ riêng đối với bệnh truyền nhiễm theo dịch) theo quy định hiện hành về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở y tế công lập do cơ quan có thẩm quyền ban hành khi phát hiện, điều trị các bệnh truyền nhiễm theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế. Được cấp không thu tiền: nước uống, khăn mặt, khẩu trang, nước dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng tắm gội và các vật dụng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế theo định mức sử dụng cho người bị cách ly y tế do Bộ Y tế ban hành.

"Đối với tiền ăn trong thời gian cách ly, đơn vị thực hiện cưỡng chế cách ly y tế có trách nhiệm cung cấp bữa ăn cho người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế bảo đảm kịp thời, thuận lợi", Luật sư Cường nói.

Cách ly thu tiền là đi ngược lại với Chính sách của Chính phủ

Theo Luật sư Nguyễn Hoài Nghĩa (Đoàn Luật sư TP. HCM, Công ty Luật TNHH Hãng luật Châu Đại Dương) nhận định trên PLVN: “Không thể thu tiền ăn với người bị cách ly tập trung. Ngân sách nhà nước từ các tỉnh đã có sẵn và nếu không đủ sẽ có ngân sách từ Trung ương. Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp quốc gia chưa yêu cầu phải thu phí trừ một số trường hợp nêu rõ trong Nghị quyết 37. Thứ hai, không thể tự ý chọn nơi cách ly là khách sạn, nhà nghỉ để thu phí. Các địa phương làm như thế là đang phạm luật, không tuân thủ yêu cầu của Chính phủ”.

Nghị quyết số 37/NQ-CP do Chính phủ ban hành ngày 29/3/2020 về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 cũng quy định không thu tiền ăn với người Việt Nam, người nước ngoài đang bị áp dụng biện pháp cách ly tập trung tại cơ sở khám bệnh chữa bệnh hoặc tại cơ sở, địa điểm khác. Mỗi người bị cách ly một ngày được hỗ trợ 80.000 đồng, trừ khi cách ly tại nhà, nơi lưu trú, khách sạn, resort, doanh nghiệp.

Theo Luật sư Nghĩa, Nghị quyết 37 phù hợp với Điều 60 Luật Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm về “Kinh phí cho công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm bao gồm: NSNN; Vốn viện trợ; Các nguồn kinh phí khác theo quy định pháp luật. Hằng năm Nhà nước bảo đảm đủ, kịp thời ngân sách cho các hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Ngân sách phòng, chống bệnh truyền nhiễm không được sử dụng vào mục đích khác”.

Phản bác quan điểm của một số địa phương cho rằng ra các biện pháp trên là thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng, LS Nguyễn Mạnh Thuật, Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Đông Nam Á (Hà Nội) giải thích, Chỉ thị 16 không phải là một văn bản quy phạm pháp luật, mà là văn bản áp dụng pháp luật vào một hoặc một số tình huống pháp lý cụ thể để điều hành hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước, bảo đảm thống nhất và thông suốt trong cả nước. Trong hoạt động chấp hành và điều hành thì chỉ thị của người đứng đầu cơ quan hành chính cao nhất của Nhà nước có tính mệnh lệnh. Trong tình thế cấp thiết, việc dùng văn bản này là nhanh nhất.

“Cách hiểu của một số cán bộ  “có vấn đề”, việc áp dụng của một số địa phương rất lúng túng. Cũng vì có nhiều cách hiểu về khái niệm “cách ly toàn xã hội” trong Chỉ thị 16 mà một số địa phương đã có cách làm tùy tiện. Vì vậy, Văn phòng Chính phủ đã phải có văn bản hướng dẫn thực hiện Chỉ thị này một cách thống nhất, nhưng một số địa phương vẫn tiếp tục làm sai”, LS Thuật nói.

LS Nguyễn Đình Thuận (Đoàn Luật sư TP. HCM) nhận định “Việc tự cho mình quyền cách ly người từ TP. HCM, Hà Nội về địa phương và “ngăn sông, cấm chợ”, thu phí cách ly là thực hiện sai tinh thần của Thủ tướng, trái với Luật Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm. Những địa phương có các hành vi trên cần xem xét lại, sửa sai”.

“Tôi cũng xin nói rõ thêm, tại khoản 9 Điều 22, Chủ tịch UBND tỉnh có nhiệm vụ “chỉ đạo và áp dụng các biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh… trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật”. Nhưng ràng buộc rất rõ là “theo quy định của pháp luật”, chứ không được tùy tiện, “sáng tác” ra kiểu riêng để “một mình một chợ””, LS Thuận nói.

Các tỉnh phải cân nhắc, tính toán kỹ

Tại cuộc họp Chính phủ ngày 6/4, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cân nhắc thận trọng việc thu phí cách ly đối với người đến từ các địa phương trong nước.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói "Vấn đề này là địa phương làm, địa phương phải tính toán kỹ phát sinh phí thế nào, thực tiễn thế nào". Cũng theo Bộ trưởng, chỉ đạo trên là thẩm quyền địa phương và các địa phương phải cân đối, tính toán vấn đề pháp lý, thực tiễn.

Thanh Loan

Luật sư Việt Nam Online trân trọng kính mời các chuyên gia pháp lý, luật sư và độc giả bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình về việc này để việc áp dụng chính sách pháp luật đúng quy định. Mọi ý kiến xin gửi về email tòa soạn: banbientaplsvno@gmail.com.

/thu-phi-nguoi-cach-ly-dau-hieu-lam-quyen-chi-dao-o-mot-so-dia-phuong.html
/dau-hieu-lam-quyen-thu-phi-cach-ly-khong-de-phep-vua-thua-le-lang.html