Dấu hiệu sai phạm nào khiến cán bộ CDC Hà Nội bị công an triệu tập?

18/04/2020 05:04 | 4 năm trước

(LSO) - Nhiều dấu hiệu tăng giá mua sắm máy xét nghiệm vẫn diễn ra và không loại trừ có sai sót của các đơn vị mua sắm của CDC Hà Nội. Trong đó có cả nội dung liên quan đến các tỉnh thành khác. 

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP. Hà Nội ngày 17/4, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an đã làm việc và triệu tập một số cán bộ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội để làm rõ vụ việc mua sắm máy xét nghiệm liên quan đến tỉnh, thành khác.

Công an triệu tập cán bộ CDC Hà Nội.

Ông Chung cho biết, tất cả các đơn vị từ xã, phường đến các quận, huyện phải rà soát lại tất các trang thiết bị đã mua trong thời gian qua, đã dùng hết bao nhiêu, còn bao nhiêu chiều ngày 19/4 phải báo cáo về Ban chỉ đạo thành phố.

Yêu cầu Sở Y tế Hà Nội rà soát lại toàn bộ quá trình mua sắm giai đoạn 1 của CDC Hà Nội và các bệnh viện, kiểm tra rà soát đã dùng những cái gì, còn cái gì; phải kiểm kê thống kê, đưa vào kho quản lý, sau này khi nào bắt đầu dịch cần dùng đến thì dùng. Tuyệt đối các bệnh viện và các trung tâm y tế không được dùng các trang thiết bị này phục vụ cho công tác khám chữa bệnh thông thường.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, trong cuộc làm việc với Ban chỉ đạo thành phố mới đây cũng cảnh báo, tiêu cực xà xẻo trong phòng chống dịch Covid-19 là có tội, phải xử lý nghiêm.

Hiện nay, TP. Hà Nội có 8 máy xét nghiệm RT-PCR; 30.000 test nhanh, hiện đã sử dụng hơn 13.000 test. Sở Y tế đã thực hiện mua bổ sung 145 máy thở; tổ chức rà soát công tác cung ứng thuốc, các trang thiết bị y tế, phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Tuổi trẻ thông tin, thời gian vừa qua CDC Hà Nội có mua thêm một hệ thống xét nghiệm realtime PCR, do số lượng mẫu nghi nhiễm Covid-19 cần xét nghiệm gia tăng (Hà Nội đã có 2 máy tương tự, một đơn vị đối tác cũng cho mượn 6 máy), đủ khả năng xét nghiệm 2.000 - 2.500 mẫu/ngày (chạy 24/24 giờ).

Về giá thành thiết bị, loại Hà Nội đã mua là hệ thống bao gồm đầy đủ các máy kèm theo như máy tách chiết mẫu, máy phân tích mẫu (realtime PCR) khoảng 7 tỉ đồng.

Trong khi đó, một nhà cung cấp thiết bị xét nghiệm vào loại lớn trên thị trường cho biết giá một hệ thống xét nghiệm như thế này không quá 4 tỉ đồng.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền xác nhận ngay sau khi cơ quan Công an làm việc với một số cán bộ CDC, Sở Y tế đã đến kiểm tra toàn bộ hồ sơ chứng từ, hợp đồng liên quan đến thiết bị này.

Ông Hiền cho biết, đoàn kiểm tra của sở chưa phát hiện sai sót mà mới thấy một số chi tiết nhỏ có thể "nhầm" như ngày ký hợp đồng, ngày lấy máy...

Về giá của thiết bị, ông Hiền cho biết còn một số tỉnh thành khác mua thiết bị tương tự Hà Nội, cũng với mức giá trên dưới 7 tỉ đồng.

"Chúng tôi đang đợi cơ quan chức năng xem xét cụ thể sai ở đâu, bộ phận nào sai sót sẽ phải chịu trách nhiệm", ông Hiền nói.

Không chỉ Hà Nội có tình trạng mua hệ thống xét nghiệm giá cao, theo Tuổi trẻ, đã có nhiều tỉnh thành mua thiết bị này với giá khoảng 7 tỉ đồng, cao hơn so với thị trường.

Đáng chú ý, dự trù trang thiết bị phòng chống dịch cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh (dự trù ký ngày 26/3) cho tình huống bệnh nhân gia tăng, giá một máy realtime PCR được dự trù tới 15 tỉ đồng, máy tách chiết 2 tỉ đồng.

Cả hệ thống xét nghiệm này nếu mua theo dự trù và báo giá của doanh nghiệp cung cấp lên tới 17 tỉ đồng, cao gấp 4-5 lần so với thị trường.

Được biết, có 4-5 tỉnh thành phía Bắc và miền Trung đã mua hệ thống thiết bị realtime PCR với giá xấp xỉ 7 tỉ đồng, mức giá cao hơn so với thị trường thông thường.

Thậm chí có 2 tỉnh đã mua hệ thống thiết bị cũng 7 tỉ đồng/hệ thống, nhưng lại là hệ thống "đóng", chỉ có thể xét nghiệm các virus, vi khuẩn gây bệnh theo danh mục sẵn, còn Covid-19 là bệnh mới, không bao gồm trong danh mục sẵn này.

CDC Hà Nội là đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, chỉ đạo và triển khai thực hiện các hoạt động chuyên môn về công tác y tế dự phòng trên địa bàn TP. Hà Nội, trên cơ sở định hướng chiến lược của Bộ Y tế, chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, Sở Y tế và tình hình thực tế tại TP. Hà Nội.
Hiện CDC Hà Nội có tất cả 16 khoa, phòng. Ban Giám đốc của CDC Hà Nội có 01 Giám đốc 04 Phó Giám đốc. Trong đó, Giám đốc CDC chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Y tế, trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Trung tâm.
PGS. TS. BS. Nguyễn Nhật Cảm hiện là Giám đốc CDC Hà Nội.
Ông Cảm được UBND TP. Hà Nội bổ nhiệm Giám đốc CDC theo Quyết định số 4955/QĐ-UBND, ngày 19/9/2018, trực thuộc Sở Y tế.

PV

/trieu-tap-mot-so-can-bo-lien-quan-den-may-xet-nghiem-cdc-lam-gi-trong-cuoc-chien-chong-dich-covid-19.html