Dạy, học ngoại ngữ còn khó trăm bề

07/12/2018 16:54 | 5 năm trước

LSVNO - Trong xu thế hội nhập hiện nay, ngoại ngữ đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là môn tiếng Anh. Muốn ngành giáo dục Việt Nam hội nhập và tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến trên thế gi...

LSVNO - Trong xu thế hội nhập hiện nay, ngoại ngữ đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là môn tiếng Anh. Muốn ngành giáo dục Việt Nam hội nhập và tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến trên thế giới thì khả năng sử dụng tiếng Anh trong công việc và giao tiếp phải lưu loát. Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng dạy tiếng Anh của giáo dục nước nhà trong những năm qua cho ta thấy nhiều thách thức đang đặt ra.

Việc dạy ngoại ngữ trong các cấp học vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Đề án dạy và học ngoại ngữ (Đề án) của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020, trọng tâm của chương trình là giai đoạn 2016 - 2020 với nhiệm vụ triển khai chương trình ngoại ngữ 10 năm trên cả nước, từ lớp 3 đến lớp 12; tăng cường tiếng Anh trong tất cả trường nghề, cao đẳng và đại học. Đến năm 2016, Đề án đã tiêu tốn hơn 9.000 tỷ đồng, nhưng số lượng học sinh được thụ hưởng chương trình chỉ chiếm 20% so với mục tiêu. Số giáo viên ngoại ngữ đạt chuẩn là hơn 30%, thậm chí nhiều địa phương có chưa tới 100 thầy cô. 

Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), kết quả kiểm toán công tác quản lý, sử dụng Ngân sách Nhà nước thực hiện Đề án tính đến năm 2016 đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, kết quả kiểm toán đối với 4 mục tiêu của Đề án theo từng giai đoạn cho thấy đều đạt thấp cả về số lượng, chất lượng và ở tất cả các bậc học.

Cụ thể: Đối với mục tiêu “Triển khai thực hiện chương trình giáo dục 10 năm, bắt đầu từ lớp 3 môn ngoại ngữ bắt buộc ở các cấp học phổ thông... đạt khoảng 70% vào năm học 2015 - 2016”, tính đến năm học 2015 - 2016 chỉ đạt được 44,3%.

Về mục tiêu “Triển khai chương trình đào tạo tăng cường môn ngoại ngữ đối với giáo dục nghề nghiệp cho khoảng 60% vào năm 2015 - 2016”, số liệu tổng hợp của 3 Bộ và 11 địa phương cho thấy đạt tỷ lệ rất thấp, bằng 1%. Như vậy, mục tiêu này gần như không thực hiện được.

Đối với mục tiêu “Triển khai chương trình đào tạo tăng cường môn ngoại ngữ đối với giáo dục đại học và đạt 60% vào năm học 2015 - 2016”, theo báo cáo tổng kết của Ban QLDA, đạt 20% tổng số sinh viên được học ngoại ngữ vào năm học 2015 - 2016, rất thấp so với mục tiêu đề ra.

Đánh giá về mục tiêu thứ 4 của Đề án, kết quả kiểm toán chỉ rõ: Mục tiêu “Đổi mới việc dạy và học ngoại ngữ trong chương trình giáo dục thường xuyên với nội dung, chương trình đào tạo phù hợp với các cấp học, trình độ đào tạo, góp phần tích cực vào công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ, viên chức; thực hiện đa dạng hóa các hình thức học tập, đáp ứng nhu cầu người học”, từ năm 2009 đến thời điểm kiểm toán (tháng 7/2017), Bộ GD&ĐT chưa xây dựng, ban hành, bổ sung, sửa đổi quy định về việc đổi mới dạy và học trong lĩnh vực giáo dục thường xuyên, Bộ, ngành, địa phương cũng không triển khai nhiệm vụ, giải pháp thực hiện mục tiêu này. Nội dung thứ 2 của mục tiêu là “Phấn đấu có 5% số cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước có trình độ ngoại ngữ bậc 3 trở lên vào năm 2015” hầu như cũng không thực hiện được.

Cũng theo đánh giá của KTNN, trong công tác mua sắm, quản lý, sử dụng phần mềm, giáo trình của Đề án, việc mua sắm chưa căn cứ vào nhu cầu của các đơn vị; sản phẩm bàn giao chưa phù hợp với hồ sơ yêu cầu về đặc tính, thông số kỹ thuật về hàng hoá.

Bên cạnh đó, trình độ của giáo viên và sự thiếu hụt đội ngũ giáo viên tiếng Anh hiện nay cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc dạy và học tiếng Anh yếu kém, nhất là tại các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn.

Theo Bộ GD&ĐT, cả nước vẫn thiếu hơn 5.600 giáo viên tiếng Anh. Đi cùng đó là chất lượng giáo viên ngoại ngữ chưa cao, chưa đạt chuẩn, cụ thể: ở cấp Trung học Cơ sở (THCS) có chỉ 33% giáo viên đạt chuẩn, cấp Trung học Phổ thông (THPT) là 26%.

Bước vào năm học 2018 – 2019, nhiều địa phương cho biết thiếu giáo viên như: Thanh Hóa, Lai Châu thiếu khoảng 300 giáo viên tiếng Anh; Bến Tre thiếu hơn 100 giáo viên ngoại ngữ tiểu học... Tình trạng này không chỉ xảy ra ở các tỉnh, mà còn ở các thành phố lớn. Tại TP. Hồ Chí Minh, theo Sở GD&ĐT cho biết các quận, huyện gần như đơn vị nào cũng thiếu giáo viên tiếng Anh. Việc tuyển dụng cũng gặp nhiều khó khăn đặc biệt về tiêu chuẩn, chất lượng. Trong năm học 2018 – 2019, ở cấp THPT tại TP. Hồ Chí Minh cần tuyển tổng 427 giáo viên các môn thì có đến 70 chỉ tiêu là giáo viên tiếng Anh chiếm 14%.

Việc thiếu giáo viên ngoại ngữ, đi kèm trình độ giáo viên chưa đảm bảo, chưa đạt chuẩn dẫn đến hiệu quả đào tạo môn học này chưa cao. Trong kết quả thi THPT vừa qua cho thấy tiếng Anh là môn thi có điểm trung bình 3,91, với gần 80% thí sinh đạt điểm dưới trung bình. 

Theo phân tích của Bộ GD&ĐT, cả nước có tới 78,22% thí sinh điểm dưới trung bình môn tiếng Anh, với 637.335/814.779 thí sinh dự thi. Điểm có nhiều thí sinh đạt thấp nhất ở môn này là 3 với 57.320 thí sinh. Điểm trung bình môn tiếng Anh là 3,91, thấp hơn khá nhiều so với năm 2017 là 4,6 và chỉ cao hơn năm 2016 là 3,22 điểm. Có 76 thí sinh điểm 10 môn tiếng Anh và 732 thí sinh đạt điểm 0. Có 2.189 thí sinh có điểm liệt (<=1), cao khoảng gấp đôi so với năm ngoái.

Phổ điểm kết quả thi THPT môn tiếng Anh năm 2018 của Bộ GD&ĐT.

Tại một số tỉnh khó khăn đã phản ánh rõ nhất về mức điểm yếu kém của môn tiếng Anh. Sở GD&ĐT Hòa Bình cho biết, có tới 93% bài thi tiếng Anh đạt dưới trung bình. Đây cũng là môn có số điểm liệt cao nhất ở tỉnh này với khoảng hơn 30 điểm liệt. Tuy nhiên, một số thành phố lớn như TP. HCM, Hà Nội thì điểm môn tiếng Anh cũng phản ánh khá sát mức độ đầu tư cho môn học này của không chỉ nhà trường mà cả gia đình học sinh. Ví dụ, cả nước có 76 điểm 10 thì Hà Nội đã có tới 28 điểm 10 trong môn này, ngoài ra còn có 579 điểm 9. Đây cũng là môn Hà Nội có nhiều điểm 10 nhất trong các môn thi. TP. HCM cũng có khoảng 20 thí sinh điểm 10. Tuy nhiên, mức độ chênh lệch về điểm ngoại ngữ cũng thể hiện ở ngay trong một địa phương. Dù dẫn đầu cả nước về số điểm tuyệt đối nhưng môn tiếng Anh cũng là môn mà Hà Nội có số điểm liệt nhiều nhất trong tất cả các môn, với 112 thí sinh...

Để nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong các cấp học hiện nay là chuyện không phải một sớm một chiều, mà đòi hỏi quá trình dài, bắt đầu từ bậc tiểu học cho đến bậc THPT và có sự đầu tư liên tục về mọi mặt như đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất…

Việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên là giải pháp then chốt để nâng cao chất lượng dạy và học. Trong năm học 2018 - 2019, ngành GD&ĐT sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá, phân loại lại toàn bộ đội ngũ giáo viên tiếng Anh đang giảng dạy ở cấp tiểu học, THCS, THPT theo chuẩn mới của Bộ. Từ đó, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng thích hợp, đáp ứng yêu cầu mới.

Bên cạnh đó, trong khi nguồn lực Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực này còn gặp nhiều khó khăn do ngân sách có hạn. Do đó, việc xã hội hóa giáo dục đào tạo đang là một hướng mới được mở ra và hứa hẹn đem lại nhiều nét mới cho giáo dục nước nhà.

Hoàng Trung