(LSVN) - Chiều 16/9, 14 hiệp hội đã gửi thư kiến nghị đến Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề xuất đưa kit xét nghiệm Covid-19 vào diện được trợ giá, bình ổn giá nhằm giảm gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp.
Ảnh minh họa.
14 hiệp hội doanh nghiệp gồm: Lương thực thực phẩm TP. HCM, Thực phẩm minh bạch, Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam; Doanh nghiệp điện tử Việt Nam; Nhựa Việt Nam, Dệt may Việt Nam; Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam; Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao; Da giày, Túi xách Việt Nam; Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. HCM; Gỗ và Lâm sản Việt Nam; Sữa Việt Nam; Giấy và bột giấy Việt Nam; Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Đồng thời, các hiệp hội cũng đề nghị Chính phủ cho các tổ chức y tế được bán kit xét nghiệm theo giá cạnh tranh.
Theo các hiệp hội, đề xuất này là một trong những biện pháp quan trọng nhằm kéo giảm giá xét nghiệm, hạ chi phí cho dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, cộng đồng các doanh nghiệp này mong được khấu trừ chi phí xét nghiệm và phòng chống dịch vào chi phí doanh nghiệp hoặc kinh phí công đoàn, phí bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế chi trả các chi phí cho các cá nhân đóng bảo hiểm, còn với những người chưa đóng, sẽ do ngân sách chi trả; các bệnh viện, tổ chức y tế tư nhân được phép thu phí xét nghiệm và điều trị.
Gần đây nhất, 11 doanh nghiệp (sở hữu 1.337 nhà hàng với gần 41.000 nhân viên) trong ngành bán lẻ và F&B cũng bày tỏ lo ngại tăng chi phí hoạt động trước yêu cầu người lao động phải xét nghiệm nhanh Covid-19 hai ngày một lần, với mức phí doanh nghiệp tự chi trả. Điều này có thể tác động tiêu cực đến việc quay trở lại kinh doanh của doanh nghiệp khi kinh tế mở dần.
LINH NHI