Đề xuất gỡ vướng pháp lý trong xây dựng mới, cải tạo tài sản công

28/09/2022 11:11 | 1 năm trước

(LSVN) - Bộ Tài chính vừa có tờ trình đề xuất bổ sung quy định sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước để thực hiện xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng tài sản công hàng năm.

Ảnh minh họa. 

Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết, qua phản ảnh của cử tri, đại biểu Quốc hội và các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương, thực tế phát sinh nhiều trường hợp các tài sản công có nhu cầu cấp bách, cấp thiết phải xây dựng mới các hạng mục công trình, sửa chữa, cải tạo nâng cấp, mở rộng tài sản công để phát huy hiệu quả quản lý, sử dụng, khắc phục tình trạng xuống cấp nhưng chưa được bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, trong khi quy mô yêu cầu về vốn nhỏ, có thể sử dụng, cân đối nguồn chi thường xuyên để đảm bảo hoạt động của các cơ quan đơn vị và đời sống của người dân.

Theo Bộ Tài chính, trước thời điểm triển khai Luật Đầu tư công năm 2019, việc cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 92/2017/TT-BTC ngày 18/9/2017 của Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí để thực hiện sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất. Thực hiện quy định của Luật Đầu tư công, để tránh chống chéo, trùng lắp, bảo đảm sự thống nhất trong thi hành các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tài chính đã rà soát, lấy ý kiến các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương và ban hành Thông tư số 65/2021/TT-BTC quy định về lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công. Trong đó, tại điểm a khoản 2 Điều 2 Thông tư số 65/2021/TT-BTC quy định không áp dụng đối với kinh phi xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng tài sản cộng theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn.

Thực tế triển khai các quy định nêu trên của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn, trong đó có Thông tư số 65/2021/TT-BTC, đã phát sinh nhiều bất cập, hạn chế trong việc bố trí nguồn vốn để cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất đã được cử tri, đại biểu Quốc hội và các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương phản ánh. Nguyên nhân là do khái niệm xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng; sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị theo quy định của Luật Đầu tư công chưa rõ ràng, nên các cơ quan, đơn vị phản ánh việc gặp khó khăn trong trường hợp chỉ xây mới, cải tạo, mở rộng một số hạng mục trong công trình chính hoặc khó khăn trong mua sắm, sửa chữa, nâng cấp một số các trang thiết bị phát sinh thường xuyên, hoặc phát sinh đột xuất, cấp bách nhưng có giá trị không lớn.

Việc thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công là khó khả thi do theo quy định tại Luật Đầu tư công, quy trình bố trí vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ, dự án cần phải xây dựng qua rất nhiều bước và phải báo cáo nhiều cấp thẩm quyền, thậm chí phải xác định danh mục đầu tư trước 5 năm.

Bộ Tài chính chỉ ra rằng, hiện nay, các trụ sở, hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (giao thông, thoát nước, chiếu sáng, đê điều, thuỷ lợi, nhà văn hoá thôn xã, trạm y tế, trường học...) của các bộ, cơ quan, địa phương có số lượng rất lớn, được xây dựng từ lâu, đã lạc hậu về thiết kế, công năng sử dụng, đầu tư xây dựng chưa đầy đủ, đồng bộ các hạng mục; nhiều công trình sau khi đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng mới bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, chưa phù hợp, cần được điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu trong quá trình phục vụ hoạt động của các cơ quan, đơn vị, đời sống của nhân dân. Cùng với đó, các công việc cải tạo, nâng cấp, mở rộng nêu trên thường có quy mô nhỏ, phát sinh thường xuyên, hoặc phát sinh đột xuất nhưng cấp bách phải thực hiện ngay trong thời gian ngắn để kịp thời xử lý những bất cập trong quá trình khai thác, sử dụng, kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc dân sinh và kinh phí thực hiện không lớn. Nếu phải sử dụng nguồn vốn đầu tư công được xây dựng theo giai đoạn, phải trải qua nhiều trình tự, thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian. Trong khi đó, việc sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên sẽ đáp ứng được yêu cầu, kịp thời giải quyết những vấn đề bất cập nêu trên.

Ngoài ra, hiện vẫn còn một số dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng đang thực hiện đã được bố trí một phần vốn từ nguồn chi thường xuyên trước đây, nhưng do Luật Đầu tư công không có quy định chuyển tiếp nên hiện đang gặp khó khăn trong việc bố trí tiếp nguồn vốn từ chi đầu tư phát triển. Theo đó, việc xem xét, đề xuất giải pháp để các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương có cơ chế sử dụng nguồn chi thường xuyên của ngân sách nhà nước để thực hiện các dự án xây dựng mới, cải tạo nâng cấp, mở rộng, bảo đảm tính kịp thời, linh hoạt và tính chủ động trong điều hành chi ngân sách nhà nước, đặc biệt là ngân sách địa phương là cần thiết.

Trước những thực trạng khó khăn kể trên, mới đây, Bộ Tài chính đã có tờ trình đề xuất bổ sung quy định sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước để thực hiện xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng tài sản công hàng năm. Theo Bộ Tài chính, theo quy định pháp luật chuyên ngành về xây dựng thì dự án sửa chữa và dự án cải tạo đều là dự án đầu tư xây dựng. Đặc biệt, đối với những dự án có quy mô nhỏ (dưới 15 tỉ đồng) thì chỉ cần yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng. Vì vậy, căn cứ phản ảnh vướng mắc từ thực tế của các bộ, ngành, địa phương, đại biểu Quốc hội, ý kiến cử tri nhiều địa phương, để bảo đảm căn cứ pháp lý làm cơ sở phân định rõ nhiệm vụ chi từ nguồn ngân sách nhà nước cho đầu tư, nhiệm vụ chi từ nguồn ngân sách nhà nước cho thường xuyên, Bộ Tài chính thấy cần nghiên cứu sửa đổi các quy định có liên quan tại Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng để bảo đảm đồng bộ giữa các quy định của các Luật này.

Tuy nhiên, việc này cần có thời gian và gắn với nghiên cứu sửa đổi thêm các nội dung khác đã và đang phát sinh. Do vậy, trước mắt, trong khi chưa sửa Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, để tháo gỡ vướng mắc cho các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương, Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định về việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình trong các cơ sở đã có, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất có quy mô dưới 15 tỉ đồng (như phân loại tại điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP).

PV

Một số vấn đề về quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự