Đề xuất mới về giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng

30/09/2020 20:30 | 3 năm trước

(LSO) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang dự thảo Thông tư quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng nhằm thay thế Thông tư 44/2014/TT-NHNN.

Ảnh minh họa.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các quy định của Thông tư số 44/2014/TT-NHNN ngày 29/12/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) hướng dẫn một số nội dung về giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng sau 05 năm áp dụng đã bộc lộ một số bất cập.

Cụ thể như: Quy định về tiêu chuẩn giám định viên trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng chưa phù hợp với thực tiễn; chưa có cơ chế để khuyến khích, thu hút sự tham gia của các cá nhân, tổ chức ngoài NHNN; quy định về quy chuẩn chuyên môn áp dụng trong hoạt động giám định tư pháp còn chưa phù hợp…

Do vậy, việc ban hành Thông tư thay thế Thông tư 44 là rất cần thiết để giải quyết những bất cập hiện nay.

Về nội dung giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng được quy định tại Điều 3 của dự thảo Thông tư. Theo đó, để bảo đảm việc trưng cầu, yêu cầu giám định đúng chức năng, nhiệm vụ của NHNN và có cơ sở từ chối đối với các nội dung giám định không thuộc phạm vi giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, dự thảo Thông tư đã quy định cụ thể về nội dung giám định như sau:

- Giám định về tiêu chuẩn đối với tiền giấy, tiền kim loại do NHNN phát hành (không thực hiện giám định về tiêu chuẩn ngoại tệ và vàng).

- Giám định về điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện đối với các hoạt động về tiền tệ và ngân hàng, gồm: huy động vốn; cấp tín dụng, nhận ủy thác, ủy thác; ngoại hối; kinh doanh vàng; thanh toán; bảo hiểm tiền gửi; quản lý tiền tệ và kho quỹ; mua, bán và xử lý nợ và việc chấp hành quy định về bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; góp vốn, giới hạn góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng.

So với Thông tư số 44/2014/TT-NHNN, dự thảo Thông tư đã quy định theo hướng mở rộng hơn lĩnh vực giám định để bảo đảm đáp ứng yêu cầu tội phạm trong điều kiện hiện hành; đồng thời rà soát, thu hẹp nội dung giám định theo hướng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của NHNN (giám định chất lượng vàng do Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện).

LINH NHI

/nhung-chinh-sach-moi-quan-trong-co-hieu-luc-tu-thang-10-2020.html