Đề xuất thí điểm phân cấp quản lý sân bay Cát Bi cho TP. Hải Phòng

20/09/2021 09:23 | 2 năm trước

(LSVN) - Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến các địa phương về Đề án “Định hướng huy động nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không”. Trong đó, có việc phân cấp địa phương quản lý một số cảng hàng không, sân bay.

Ảnh minh họa. 

Cụ thể, tại đề án này, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất thí điểm phân cấp quản lý cảng hàng không quốc tế Cát Bi cho UBND TP. Hải Phòng.

Trong đề án đang được Bộ Giao thông Vận tải lấy ý kiến, các cảng hàng không, sân bay trên cả nước được chia thành 3 nhóm. Nhóm 1 là các cảng hàng không quốc tế quan trọng quốc gia, vùng gồm: Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc, Long Thành. Nhóm 2 là các cảng hàng không đang hoạt động hỗn hợp dân dụng và quân sự với vai trò quân sự quan trọng gồm: Thọ Xuân, Chu Lai, Phù Cát, Tuy Hòa.

Đây là các cảng hàng không có hoạt động quân sự chiến lược của lực lượng không quân Việt Nam, triển khai song song hoạt động khai thác hàng không dân dụng và quân sự, huấn luyện quân sự. Tài sản kết cấu hạ tầng cảng hàng không gồm: đường cất hạ cánh, đường lăn... của các cảng này do Bộ Quốc phòng quản lý, không thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông Vận tải.

Nhóm 3 là các cảng hàng không còn lại gồm: Điện Biên, Nà Sản, Cát Bi, Vinh, Phú Bài, Đồng Hới, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Cần Thơ, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo.

Trên cơ sở phân nhóm cảng hàng không như trên, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Chính phủ thông qua Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục sở hữu các cảng hàng không và giao cho doanh nghiệp Nhà nước là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý, khai thác và huy động nguồn lực để đầu tư đối với nhóm 1 và nhóm 2.

Riêng nhóm 3, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất phân cấp cho UBND các tỉnh quản lý thông qua việc chuyển quyền sử dụng đất đai, quyền sở hữu các công trình tại các cảng hàng không từ cơ quan Trung ương cho UBND các tỉnh.

Lý giải điều này, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho hay, việc này để phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của các địa phương để đầu tư phát triển các cảng hàng không.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, quan điểm khi xây dựng đề án là tuân thủ nguyên tắc bảo đảm an ninh, an toàn hàng không; vừa đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững lĩnh vực hàng không, vừa đảm bảo quốc phòng - an ninh của đất nước.

Đồng thời, đảm bảo doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước giữ quyền đầu tư, quản lý, khai thác các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo đảm hoạt động bay. Không làm suy yếu vai trò chủ đạo và nguồn lực của thành phần kinh tế nhà nước trong đầu tư, quản lý, khai thác hệ thống cảng hàng không trên cả nước.

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, hiện việc phân cấp quản lý cho địa phương đối với các cảng hàng không nhóm 3 chưa quy định tại Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, nhưng Bộ Giao thông Vận tải đề xuất thí điểm phân cấp quản lý cảng hàng không quốc tế Cát Bi cho UBND TP. Hải Phòng.

Đề xuất trên của Bộ Giao thông Vận tải được đưa ra theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Những việc chưa có quy định hoặc vượt quá quy định thì mạnh dạn đề xuất làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, thực hiện từng bước chắc chắn, không cầu toàn, không nóng vội”.

Lý do thí điểm với Cát Bi, theo Bộ Giao thông Vận tải, mặc dù sân bay này hiện nay chưa hoạt động có lãi nhưng có tiềm năng phát triển rất tốt. Cùng với đó, Hải Phòng có tiềm năng kinh tế để hỗ trợ đầu tư phát triển cảng hàng không quốc tế Cát Bi. Hiện, Hải Phòng cũng có kinh nghiệm hỗ trợ xây dựng đường cất hạ cánh, đường lăn.

Ngoài ra, tại dự thảo đề án, Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ ba bước triển khai. Theo đó, bước đầu tiên, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo ACV thành lập công ty con quản lý cảng hàng không quốc tế Cát Bi và thực hiện hạch toán độc lập. Sau đó, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và ACV chuyển đại diện chủ sở hữu Công ty quản lý cảng hàng không quốc tế Cát Bi cho UBND TP. Hải Phòng; đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải chuyển giao tài sản khu bay gồm đường cất/hạ cánh cũ, đường lăn…cho UBND TP. Hải Phòng. Bộ Quốc phòng thực hiện thủ tục chuyển giao đất được quy hoạch cho hàng không dân dụng và đất dùng chung cho UBND TP. Hải Phòng.

Về lâu dài, để triển khai được công tác phân cấp quản lý cảng hàng không từ Trung ương cho UBND cấp tỉnh, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Hàng không dân dụng Việt Nam theo hướng bổ sung quy định UBND cấp tỉnh, thành phố có đủ điều kiện và năng lực được Chính phủ phân cấp quản lý cảng hàng không nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố.

PV

Quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử