(LSVN) - Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã hoàn thành dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 91/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ. Trong đó đề xuất sửa đổi việc xác định số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định tại Điều 7, Nghị định 91/2019/NĐ-CP. Đây là một trong những nội dung được chú ý được Bộ TN&MT đưa ra trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung lần này.
Thực hiện Quyết định về Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính số 126/QĐ-TTg của Thủ tướng, Bộ TN&MT đã bước đầu hoàn thiện và công bố Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong đó có lĩnh vực đất đai để xin ý kiến rộng rãi người dân.
Lý do sửa đổi, bổ sung lần này, theo Bộ Tài Nguyên và Môi Trường là do ngày 13/11/2020, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022. Luật này có nhiều nội dung cơ bản, quan trọng đã được sửa đổi, bổ sung, trong đó một số nội dung sửa đổi liên quan trực tiếp đến việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Sửa đổi, bổ sung về thủ tục xử phạt (Điều 58 về lập biên bản vi phạm hành chính).
Mặt khác, trong quá trình thi hành Nghị định số 91/2019/NĐ-CP cho thấy một số văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành có quy định về nội dung quản lý nhưng chưa có quy định về xử phạt để thực hiện hoặc cần được làm rõ thêm để nhất quán trong cách thực hiện; một số hành vi tại các Nghị định xử phạt qua rà soát còn thiếu so với quy định pháp luật cần bổ sung để làm căn cứ xác định hành vi vi phạm, biện pháp khắc phục hậu quả; quy định về một số hành vi chưa phù hợp với thực tiễn, cần có sự điều chỉnh. Do vậy, để bảo đảm phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020 và đáp ứng yêu cầu quản lý, thực tiễn trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính thì việc trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực trong đó có đất đai là cần thiết.
Đáng chú ý, trong Dự thảo Nghị định đang lấy ý kiến, Bộ TN&MT đề xuất sửa đổi, bổ sung 8/44 Điều của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Trong đó, có sửa đổi, bổ sung các khoản của Điều 7 về việc xác định “Giá đất của loại đất trước và sau khi vi phạm được xác định bằng giá đất của bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định”.
Đánh giá về các đề xuất sửa đổi mà Bộ TN&MT đưa ra, Luật sư Lê Tự Nhiên, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho rằng để đồng nhất thuật ngữ với các văn bản về xử phạt hành chính khác và phù hợp với một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022, thay vì dùng cụm từ “số lợi có được do vi phạm” của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP dự thảo lần này đã thay bằng “số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Luật sư Nhiên cũng cho biết thêm: “Việc sửa đổi này cũng đảm bảo đối với khoản tiền thu được từ vi phạm trong hoạt động sử dụng đất sang mục đích khác hợp lý hơn, khi mà khoản lợi này không chỉ xuất phát từ những hành vi vi phạm, mà còn mang tính chất là bất hợp pháp. Nếu như số lợi thu được từ người thực hiện hành vi vi phạm không phải là bất hợp pháp. Ví dụ: tiền bán được từ hoa màu trồng được trên đất lấn chiếm (dù xuất phát từ hành vi canh tác đất lấn chiếm) mà vẫn yêu cầu thu hồi thì khó định lượng và không phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành hơn nữa là không nhằm đúng mục đích răn đe hành vi vi phạm đối với hành vi sử dụng đất sang mục đích khác. Do đó căn cứ xác định để thu số lợi bất hợp pháp đối với hành vi sử dụng đất sai mục đích được ấn định là Giá đất của bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định là hợp lý”.
Luật sư Lê Tự Nhiên – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh.
Trao đổi với Luật sư Nguyễn Tiến Hiếu, Công ty luật HOK (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết thêm, đối với một số cụm từ được thống nhất sử dụng để phù hợp với các văn bản pháp luật khác và phản ánh đúng bản chất của sự vi phạm là bất hợp pháp, dự thảo đã có sự điều chỉnh từ: “số lợi có được do vi phạm” thành “số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm” và căn cứ xác định để thu số lợi bất hợp pháp đối với hành vi sử dụng đất sai mục đích được ấn định là “Giá đất của bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định” điều này phù hợp với phù hợp với quy định tại điểm d khoản 2 Điều 114 Luật Đất đai 2013.
Tại dự thảo lần này, đơn vị soạn thảo có đề xuất bổ sung khoản 10 vào Điều 7 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP phương án về thời điểm chuyển tiếp để áp dụng văn bản pháp luật đối với việc nộp số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra hai (02) phương án tại dự thảo, cụ thể:
Dự thảo bổ sung: khoản 10, Điều 7 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP.
Trao đổi thêm về nội dung bổ sung khoản 10 Điều 7 của dự thảo, Luật sư Nguyễn Tiến Hiếu nhận định: “Các phương án của dự thảo đã bảo đảm phù hợp về mặt thẩm quyền, và các điều kiện áp dụng pháp luật đối với mỗi hành vi vi phạm theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, các quy định pháp luật có liên quan, tương thích với hệ thống các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực này và chắc chắn sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm thi hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan”.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TM&MT đã đăng toàn văn nội dung dự thảo để lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và đông đảo người dân trong và ngoài nước.
NGUYỄN ĐỨC HOÀN
Doanh nghiệp nhỏ và vừa được giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp bằng 0% trong bao lâu?