Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai tổ chức buổi tọa đàm triển khai Nghị định 82/2020/NĐ-CP cho Trưởng các Tổ chức hành nghề Luật sư

28/08/2020 21:40 | 3 năm trước

(LSO) - Hôm nay (29/8), Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức buổi tọa đàm triển khai những vấn đề quan trọng và cần thiết liên quan đến Nghị định 82/NĐ-CP cho các Trưởng tổ chức hành nghề Luật sư, triển khai nội dung Nghị định, hiệu lực và phạm vi áp dụng của Nghị định; trao đổi, thảo luận những vấn đề có liên quan,…

Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai tổ chức buổi tọa đàm triển khai Nghị định 82/2020/NĐ-CP cho Trưởng các Tổ chức hành nghề Luật sư.

Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã vừa được Chính phủ ban hành, có hiệu lực kể từ ngày 01/9/2020.

Do tính chất quan trọng của nội dung Nghị định liên quan trực tiếp đến việc áp dụng xử phạt đối với các vi phạm của Luật sư trong hành nghề, của các Tổ chức hành nghề Luật sư và tổ chức xã hội nghề nghiệp của Luật sư, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai phối hợp với Sở tư pháp tổ chức tọa đàm về nội dung Nghị định.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của hơn 135 Trưởng các tổ chức hành nghề Luật sư trong Đoàn, tập trung trao đổi, thảo luận những vấn đề liên quan đến Hợp đồng lao động Luật sư, người Tập sự hành nghề Luật sư, các hành vi sẽ bị xử phạt theo Nghị định,…

Tại mục 1, chương II của Nghị định quy định cụ thể hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong hoạt động Luật sư.

Luật sư Lê Quang Y, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai phát biểu.
Điều 7. Hành vi vi phạm quy định đối với hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư
1. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đăng ký hoạt động hoặc đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động không đúng thời hạn với cơ quan có thẩm quyền;
b) Thông báo không đúng thời hạn cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về việc đặt cơ sở hành nghề luật sư ở nước ngoài hoặc chấm dứt hoạt động của cơ sở hành nghề luật sư ở nước ngoài;
c) Thông báo, báo cáo không đúng thời hạn cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về việc đăng ký hoạt động, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động, tạm ngừng, tiếp tục hoạt động, tự chấm dứt hoạt động, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức tổ chức hành nghề;
d) Thông báo, báo cáo không đúng thời hạn cho cơ quan có thẩm quyền về việc thành lập, tạm ngừng, tiếp tục hoạt động hoặc tự chấm dứt hoạt động của chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, công ty luật nước ngoài, chi nhánh của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam;
đ) Thông báo không đúng thời hạn cho cơ quan có thẩm quyền về việc thuê luật sư nước ngoài;
e) Báo cáo không đúng thời hạn, không đầy đủ hoặc không chính xác về tình hình tổ chức, hoạt động cho cơ quan có thẩm quyền;
g) Công bố không đúng nội dung, thời hạn, số lần, hình thức theo quy định đối với nội dung đăng ký hoạt động, nội dung thay đổi đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư;
h) Đăng báo không đúng thời hạn hoặc số lần về việc thành lập tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam;
i) Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp không đầy đủ cho luật sư thuộc tổ chức mình;
k) Không lập, quản lý, sử dụng sổ sách, biểu mẫu theo quy định.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thông báo bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về việc đặt cơ sở hành nghề luật sư ở nước ngoài hoặc chấm dứt hoạt động của cơ sở hành nghề luật sư ở nước ngoài;
b) Không thông báo, báo cáo bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về việc đăng ký hoạt động, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động, tạm ngừng hoạt động, tự chấm dứt hoạt động, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức tổ chức hành nghề;
c) Không thông báo, báo cáo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền về việc tạm ngừng, tiếp tục hoạt động hoặc tự chấm dứt hoạt động của chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, công ty luật nước ngoài, chi nhánh của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam;
d) Không thông báo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền về việc thuê luật sư nước ngoài;
đ) Không báo cáo về tổ chức, hoạt động cho cơ quan có thẩm quyền;
e) Không công bố nội dung đăng ký hoạt động hoặc nội dung thay đổi đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư;
g) Không đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động;
h) Không đăng báo, thông báo về việc thành lập tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam;
i) Phân công 01 luật sư hướng dẫn quá 03 người tập sự hành nghề luật sư tại cùng một thời điểm;
k) Không có biển hiệu hoặc sử dụng biển hiệu không đúng nội dung giấy đăng ký hoạt động;
l) Nhận người không đủ điều kiện tập sự hành nghề luật sư vào tập sự hành nghề tại tổ chức mình; không nhận người tập sự hành nghề luật sư theo phân công của Đoàn luật sư mà không có lý do chính đáng;
m) Không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho luật sư của tổ chức mình;
n) Không cử đúng người làm việc hoặc không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, không chính xác, chậm trễ thông tin, giấy tờ, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Buổi tọa đàm với sự tham gia cả hơn 135 Trưởng các tổ chức hành nghề Luật sư trong Đoàn.

Trước đó, ngày 25/8/2020 Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai đã ban hành thông báo số 74/2020/CV-ĐLS đến Trưởng các tổ chức hành nghề Luật sư, các Luật sư thành viên về việc điều chỉnh, bổ sung công tác tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ bắt buộc cho Luật sư năm 2020. Theo đó, thời gian buổi tọa đàm diễn ra cụ thể: Buổi sáng từ 8 giờ đến 11 giờ, buổi chiều từ 13 giờ đến 17 giờ, ngày thứ bảy 29/8/2020 tại Hội trường Lầu 3, KS Vĩnh An, 217 Hà Huy Giáp, P. Quyết Thắng, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Trưởng các Tổ chức hành nghề Luật sư tham gia Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Luật sư này sẽ được cấp chứng nhận Bồi dưỡng nghiệp vụ Luật sư 4 giờ (không thu phí).

THANH THANH

/doan-luat-su-tinh-dong-nai-thong-bao-dieu-chinh-bo-sung-cong-tac-to-chuc-boi-duong-ve-chuyen-mon-nghiep-vu-bat-buoc-cho-luat-su-nam-2020.html