Dự kiến bão số 5 sẽ đổ bộ Quảng Bình, Quảng Nam vào chiều nay

17/09/2020 18:22 | 3 năm trước

(LSO) - Vào 16 giờ ngày 17/9, bão số 5 đã vào đến vùng biển phía nam của quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 9-10, giật cấp 12. Bão vẫn tiếp tục mạnh lên, không đổi hướng và di chuyển nhanh.

Khẩn trương di chuyển thuyền gắn máy, thuyền thúng lên bờ tránh bão tại biển Đà Nẵng.

Bão số 5 di chuyển nhanh và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo đến sáng nay (18/9), tâm bão số 5 còn cách Đà Nẵng khoảng 220km, cách Quảng Trị khoảng 300 km, cách Quảng Bình khoảng 400km. Cường độ bão mạnh lên cấp 10-11, giật cấp 13. Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão vẫn di chuyển nhanh theo hướng tây tây bắc và đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 9-10, giật cấp 12.

Tại cuộc họp ứng phó bão số 5 của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai vào sáng 17/9, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đánh giá bão số 5 di chuyển nhanh và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam với sức gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 13 vào ngày 18/9. Thời điểm bão đổ bộ đất liền sẽ vào khoảng từ 13 đến 16 giờ ngày 18/9, khi đó ranh thủy triều đạt mức cao nhất trong tháng với mức dâng 1,5-1,6m.

Do ảnh hưởng của bão, từ chiều 17/9 đến đêm 18/9, ở Trung bộ sẽ xảy ra mưa rất lớn trong thời gian ngắn. Lũ cao nhất có khả năng lên báo động 2 ở các tỉnh Trung bộ kèm theo nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất.

Theo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đến cuối giờ chiều 17/9, vẫn còn 230 tàu cá với gần 1.600 lao động vẫn đang trong khu vực nguy hiểm; các phương tiện này đang di chuyển về bờ hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, đến nay đã có Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế cấm biển từ ngày 16/9. Hệ thống tin nhắn tới các thuê bao trong khu vực ảnh hưởng của bão đã được kích hoạt. Các địa phương từ Quảng Bình đến Đà Nẵng đã lên kế hoạch sơ tán gần 296.000 hộ, với gần 1,18 triệu dân theo kịch bản bão vào đất liền mạnh cấp 10-11.

Tại cuộc họp ứng phó bão số 5 hôm qua (17/9), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, yêu cầu các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão tổng kiểm tra, đôn đốc ngư dân trên lồng bè nuôi trồng thủy sản, khách du lịch trên các đảo… Ông Cường cũng lưu ý với hơn 100 tàu vận tải trong khu vực ảnh hưởng của bão, Bộ GTVT cần chỉ đạo hệ thống yêu cầu cập cảng gần nhất để đảm bảo an toàn, bởi bài học chìm 10 tàu vận tải do cơn bão số 12 năm 2017 vẫn còn đó.

Tính đến chiều tối qua, nhiều tỉnh, thành phố ở miền Trung đã hoàn thành việc đưa tàu lớn vào nơi neo đậu tránh bão, đưa thuyền nhỏ, ngư cụ lên bờ, chằng chống trường lớp và các công trình xây dựng khác…

Phó thủ tướng trực tiếp kiểm tra công tác ứng phó bão

Bão số 5 được đánh giá là cơn bão có cường độ mạnh, di chuyển nhanh với mức độ rủi ro thiên tai cấp độ 4 khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp. Trưa 17/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác của Chính phủ đã đến tỉnh Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị thị sát tình hình phòng, chống bão số 5.

Tại Thừa Thiên-Huế, thông tin từ lãnh đạo UBND tỉnh cho biết đến chiều 17/9, tỉnh đã kêu gọi tất cả tàu thuyền vào neo đậu an toàn. Tỉnh có khoảng 28.100 hộ dân với trên 106.600 nhân khẩu ở vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão số 5 sẽ phải sơ tán tại chỗ hoặc sơ tán tập trung, dự kiến công việc này hoàn tất trước 19 giờ ngày 17/9. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã lên phương án đảm bảo an toàn thông tin liên lạc, an toàn điện lưới, dự trữ hàng hóa thiết yếu, quản lý an toàn các công trình hồ đập đang xây dựng.

Tại Quảng Nam, sáng 17/9, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa TP. Hội An khẩn trương triển khai công tác bảo vệ di tích trong khu phố cổ. Tại Chùa Cầu, cũng như nhiều nhà cổ, việc chằng chống bảo vệ di tích đã được thực hiện. Hôm nay (18/9), toàn bộ học sinh tỉnh Quảng Nam được nghỉ học để phòng tránh bão số 5. Ở những vùng trũng, thấp nơi có ảnh hưởng của lũ, lãnh đạo các trường quán triệt cho học sinh và phụ huynh đề phòng lũ quét, lũ ống, sạt lở đất…

Kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX (khai mạc hôm qua) được rút xuống còn 1 ngày thay vì 2 ngày theo kế hoạch, để lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai công tác phòng chống bão.

Tại Quảng Trị, báo cáo của Chủ tịch UBND tỉnh này cũng cho biết đã có hơn 2.000 tàu cá vào neo đậu tại khu tránh trú bão xã Triệu An (huyện Triệu Phong), còn 29 tàu sẽ được tiếp tục gọi vào bờ sau đó. Công tác sơ tán dân tránh bão cũng được tỉnh cho biết sẽ hoàn thành trước 20 giờ ngày 17/9.

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao công tác chủ động chuẩn bị của tỉnh Thừa Thiên-Huế để sẵn sàng ứng phó với bão số 5. Những ngày qua, các địa phương trong khu vực đã rất chủ động trong chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh Thừa Thiên- Huế, tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị và các địa phương khu vực miền Trung, nhất là các địa phương trong vùng dự kiến tâm bão đổ bộ trực tiếp tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến để kịp thời chỉ đạo, triển khai tốt công tác ứng phó với bão và mưa lũ sau bão, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân theo chỉ đạo tại công điện của Thủ tướng Chính phủ.

Ðà Nẵng huy động nhiều lực lượng chống bão
Ngày 17/9, lực lượng chức năng gồm biên phòng, dân quân, công an các địa phương ven biển Đà Nẵng được huy động để giúp người dân chằng níu, di chuyển tàu thuyền lên bờ, vào nơi trú tránh để phòng chống bão số 5. Tại vịnh Mân Thái, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ công an phường Thọ Quang, cùng dân phòng, dân quân tự vệ dầm mưa nhiều giờ liền để đưa hàng trăm thuyền thúng, thuyền gắn máy của ngư dân lên bờ. Đến chiều 17/9, việc di chuyển đã cơ bản hoàn thành.
Trực tiếp kiểm tra tại âu thuyền Thọ Quang, ông Nguyễn Văn Quảng, Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, lưu ý lực lượng biên phòng phải tập trung sắp xếp, hướng dẫn cho các tàu cá của ngư dân thành phố và các tỉnh lân cận vào neo đậu trú bão an toàn. Yêu cầu các chủ tàu cá không được để các phương tiện dễ phát sinh cháy, nổ trên tàu, phải di dời lên bờ để bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ trong quá trình trú bão. Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cũng yêu cầu các quận, huyện chỉ đạo triển khai phương án phòng, chống bão, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất; khẩn trương triển khai phương án sơ tán người dân đến nơi an toàn, hoàn thành trước 20 giờ ngày 17/9.
Ngày 17/9, hàng trăm ĐVTN Đà Nẵng ra quân hỗ trợ người dân chèn chống nhà cửa, di dời tàu thuyền lên bờ, vào nơi tránh trú bão, gia cố trường học ở những vùng thấp trũng, xung yếu… để phòng chống bão số 5 sắp đổ bộ. Từ chiều 17/9, Đoàn phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) thành lập một tổ phản ứng nhanh để hỗ trợ nhiều gia đình chèn bao cát lên mái tôn để tránh tốc mái, chèn lại cửa bằng thanh gỗ để tránh bị bật lúc bão đổ bộ… Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, dự kiến, Đà Nẵng sơ tán 19.215 hộ dân với 62.570 người đến nơi trú ẩn an toàn để tránh bão. Ngoài ra, sơ tán khoảng 9.500 sinh viên và công nhân sống trong các khu nhà trọ, nhà tạm không an toàn.

LÂM HOÀNG (t/h)

/da-nang-so-tan-tren-72-000-nguoi-dan-nham-ung-pho-voi-bao-so-5.html