Dự luật 'làm khó' thỏa thuận thương mại Anh – EU hậu Brexit

18/09/2020 05:59 | 3 năm trước

(LSO) – Hạ viện Anh thông qua dự luật Thị trường nội địa có thể gây khó khăn hơn cho thỏa thuận thương mại Anh – EU hậu Brexit. Trong khi đó Thủ tướng Boris Johnson khẳng định, việc thông qua dự luật là rất quan trọng nhằm duy trì sự toàn vẹn về chính trị và kinh tế của nước Anh.

Ảnh minh họa: Reuters.

Hạ viện Anh vừa thông qua dự luật Thị trường nội địa do Thủ tướng Boris Johnson đề xuất, trong đó lật lại một số điều khoản của thỏa thuận chia tay đạt được với Liên minh châu Âu EU hồi cuối năm ngoái. Liên minh châu Âu trước đó cảnh báo sẽ kiện Anh nếu nước này không rút lại những sửa đổi từ nay đến cuối tháng 9.

Dự luật, với nhiều điều khoản gây tranh cãi liên quan tới Bắc Ireland, đã được thông qua trong lần đọc đầu tiên với 340 phiếu ủng hộ so với 263 phiếu chống. Sự ủng hộ bước đầu này là một kết quả không gây ngạc nhiên khi đảng Bảo thủ của ông Boris Johnson chiếm đa số tại Hạ viện. Tuy nhiên, các cuộc bỏ phiếu sắp tới được dự báo là không dễ dàng, đặc biệt với cuộc thảo luận vào đầu tuần liên quan tới quyền hạn của Nghị viện trước bất kỳ thay đổi nào đối với thỏa thuận Brexit.

Hơn nữa, để được thông qua văn kiện cũng cần phải được Thượng viện thông qua giữa lúc có nhiều lo ngại bước đi của ông Boris Johnson có thể là một đòn giáng mạnh vào tín nhiệm của nước Anh trên trường quốc tế. Thủ tướng Boris Johnson thì khẳng định, việc thông qua dự luật là rất quan trọng nhằm duy trì sự toàn vẹn về chính trị và kinh tế của nước Anh.

Phía EU thì cho rằng cơ hội để đạt được thỏa thuận thương mại giữa Anh và Liên minh châu Âu thời kỳ hậu Brexit đang khép lại từng ngày. Đây là nhận định của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen đưa ra ngày hôm 16/9, trong bối cảnh Anh đơn phương thay đổi thỏa thuận chia tay liên quan đến vấn đề Bắc Ireland mà 2 bên đã đạt được trước đó sau 3 năm đàm phán khó khăn. 

Trong diễn văn thường niên về chính sách quan trọng tại Nghị viện châu Âu (EP), Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen nhận định, mỗi ngày trôi qua khiến cơ hội để đạt được một thỏa thuận thương mại mới với Anh lại giảm đi, đồng thời cảnh báo Anh rằng chỉ còn “rất ít thời gian” để đạt được một thỏa thuận vào cuối năm nay.

Bà Leyen nhấn mạnh, cả EU và Anh đã đàm phán và phê chuẩn thỏa thuận chia tay của hai bên, do đó London không thể được đơn phương thay đổi, coi thường hoặc không áp dụng.

“Thỏa thuận chia tay giữa Anh và EU đã mất 3 năm để đàm phán. Chúng tôi đã làm việc không ngừng vì thỏa thuận này. Từng dòng, từng chữ trong thỏa thuận 2 bên đã nhất trí được với nhau. Kết quả đạt được đảm bảo quyền công dân của chúng tôi, tài chính, lợi ích, tính toàn vẹn của thị trường duy nhất của chúng tôi và quan trọng là Hiệp ước “Thứ Sáu Tốt lành”. 

Liên minh Châu Âu và Vương quốc Anh cùng đồng ý rằng đây là cách tốt nhất và duy nhất để đảm bảo hòa bình trên đảo Ireland. Thỏa thuận chia tay đã được phê chuẩn bởi Nghị viện châu Âu và Hạ viện Anh. Anh không thể đơn phương thay đổi, bỏ qua hoặc chối bỏ. Đây là vấn đề của pháp luật, sự tin tưởng và thiện chí”.

Dự luật gây mâu thuẫn mới phát sinh liên quan chủ yếu tới vùng Bắc Ireland thuộc Anh, nơi có đường biên giới trên bộ duy nhất với Cộng hòa Ireland, một thành viên EU. Theo Hiệp ước “Thứ Sáu tốt lành” giúp chấm dứt nhiều thập kỷ xung đột ở vùng đất này, đường biên giới trên phải luôn luôn trong trạng thái mở. Để đảm bảo điều này, thỏa thuận Brexit đã nêu rõ một số quy định của EU sẽ được duy trì tại vùng Bắc Ireland sau khi Anh rời khỏi khối. 

Dự luật Thị trường nội địa mới của Anh phản ánh mong muốn của London có quyền hạn bỏ qua những điều khoản này. Dự luật này sẽ tiếp tục được đem ra để các nghị sĩ Anh thảo luận chi tiết trong khoảng thời gian 4 ngày, dự kiến trong tuần này và tuần tới. Anh đã chính thức rời EU từ ngày 31/1, chỉ ít ngày sau khi hai bên ký kết thỏa thuận quy định các điều kiện chia tay.

Trong thời kỳ chuyển tiếp kéo dài đến 31/12, Anh vẫn tiếp tục áp dụng các quy định của EU đồng thời tiến hành đàm phán về quan hệ tương lai. Vòng đàm phán thứ 8 đã diễn ra từ ngày 8-10/9 nhưng không đạt được kết quả đáng kể nào. Những diễn biến mới nhất có thể làm tăng nguy cơ Anh rời EU mà không có thỏa thuận thương mại, dẫn đến việc hai bên áp đặt thuế quan lẫn nhau, gây ảnh hưởng đến giao thương.

LÊ HÙNG (t/h)

/chinh-quyen-my-lai-gia-han-lenh-cam-van-thuong-mai-cuba-them-1-nam.html