Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn xét xử vụ án tham nhũng

06/08/2020 00:33 | 3 năm trước

(LSO) - Trường hợp người sử dụng tài sản do tham nhũng mà có để thực hiện một trong các hành vi quy định tại Điều 324 của Bộ luật Hình sự thì ngoài việc bị xử lý về tội chức vụ tương ứng, người phạm tội còn bị xử lý về tội rửa tiền theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Ảnh minh họa.

Tòa án nhân dân Tối cao đang dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về tội phạm tham nhũng, chức vụ và việc xét xử vụ án tham nhũng, chức vụ.

Dự thảo đề xuất hướng dẫn các nội dung sau đây: Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về tội phạm tham nhũng, chức vụ; hướng dẫn xác định tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại do tội phạm tham nhũng, chức vụ gây ra; hướng dẫn thu hồi tài sản trong vụ án tham nhũng, chức vụ; hướng dẫn giải quyết các giao dịch dân sự có liên quan; hướng dẫn việc kiến nghị của Tòa án đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình xét xử các vụ án tham nhũng, chức vụ.

Trong đó, dự thảo nêu rõ các trường hợp được xem xét miễn trách nhiệm hình sự gồm:

- Người có hành vi vi phạm pháp luật nhưng vì động cơ trong sáng, không vụ lợi cá nhân, muốn đổi mới, dám đột phá vì sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ tổ quốc, kết quả mang lại lớn hơn thiệt hại xảy ra;

- Người phạm tội là người phụ thuộc, cấp dưới, làm công hưởng lương, chấp hành nhiệm vụ theo chỉ đạo của cấp trên mà không ý thức được đầy đủ hành vi phạm tội, không được hưởng lợi và sau khi phạm tội đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, góp phần có hiệu quả vào việc điều tra, xử lý tội phạm, trừ trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng;

- Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và xử lý tội phạm thì được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ;

- Người môi giới hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và xử lý tội phạm; 5. Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Theo dự thảo, các trường hợp sau được xem xét miễn hình phạt:

- Người phạm tội tự nguyện giao nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, tích cực khắc phục hoàn toàn hậu quả thiệt hại do mình gây ra, trừ trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng;

- Người phạm tội là người phụ thuộc, cấp dưới, làm công hưởng lương, chấp hành nhiệm vụ theo chỉ đạo của cấp trên mà không ý thức được đầy đủ hành vi phạm tội, không hưởng lợi và sau khi phạm tội đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, góp phần có hiệu quả vào việc điều tra, xử lý tội phạm nhưng không được miễn trách nhiệm hình sự theo hướng dẫn;

- Người đưa hối lộ, người môi giới hối lộ, chủ động khai báo sau khi bị phát giác, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và xử lý tội phạm;

- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Về truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể, theo dự thảo, trường hợp người trực tiếp quản lý tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (ví dụ: thủ quỹ, thủ kho…) vì thiếu trách nhiệm mà để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thì bị xử lý về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp theo quy định tại Điều 179 của Bộ luật Hình sự. Trường hợp người có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao, gây thiệt hại tài sản, gây thương tích hoặc làm chết người thì bị xử lý về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 360 của Bộ luật Hình sự.

Trường hợp người sử dụng tài sản do tham nhũng mà có để thực hiện một trong các hành vi quy định tại Điều 324 của Bộ luật Hình sự thì ngoài việc bị xử lý về tội chức vụ tương ứng, người phạm tội còn bị xử lý về tội rửa tiền theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Ví dụ: Nguyễn Văn A là Tổng Giám đốc Tổng Công ty B đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt của Tổng Công ty B số tiền 50.000.000.000 đồng, sau đó A dùng tiền này đầu tư kinh doanh bất động sản. Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt số tiền 50.000.000.000 đồng của A có dấu hiệu cấu thành tội tham ô tài sản quy định tại Điều 353 của Bộ luật Hình sự, còn hành dùng tiền tham ô được đầu tư kinh doanh bất động sản có dấu hiệu cấu thành tội rửa tiền quy định tại Điều 324 của Bộ luật Hình sự. Do đó, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 02 tội, gồm tội tham ô tài sản quy định tại Điều 353 và tội rửa tiền quy định tại Điều 324 của Bộ luật Hình sự, nếu mỗi hành vi đều có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.

Trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng một loại hành vi quy định tại chương các tội phạm về chức vụ, trong các hành vi đó chưa có lần nào bị xử lý kỷ luật và chưa hết thời hiệu xử lý kỷ luật hoặc chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu tổng trị giá tài sản chiếm đoạt hoặc của hối lộ bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự, thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo tổng trị giá tài sản chiếm đoạt hoặc của hối lộ, nếu các hành vi được thực hiện liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian…

LSO

/bo-y-te-huong-dan-to-chuc-hoat-dong-mai-tang-dam-bao-an-toan-trong-mua-dich-covid-19.html