Duy trì hay bãi bỏ loại hình bảo hiểm TNDS bắt buộc đối với mô tô, xe máy?

24/05/2020 18:12 | 3 năm trước

(LSO) - Trên thực tế, việc chi hoa hồng cao cho đại lý, khâu bán qua loa và thiếu chủ động trong xử lý tai nạn nên tỷ lệ bồi thường trên doanh thu phí bảo hiểm xe máy bắt buộc chỉ chiếm 6%.

Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Dự kiến trong tháng 5/2020, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP.

"Bùng nhùng" thủ tục

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, năm 2019 tổng doanh thu phí bảo hiểm xe máy bắt buộc là 765 tỉ đồng, số tiền đã bồi thường là 45 tỉ đồng. Như vậy, tỷ lệ bồi thường trên tổng doanh thu là 6%. 

Với tỷ lệ bồi thường chỉ dưới 10%, biên lợi nhuận cao nên thực tế một số công ty bảo hiểm đang chi trả mức hoa hồng cho tổng đại lý lên tới 50% - 60%, vượt quá mức tối đa 20% như Bộ Tài chính quy định.

Ông Phùng Ngọc Khánh - Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính thừa nhận, hồ sơ bồi thường đối với bảo hiểm xe máy gây khó khăn cho người mua bảo hiểm do thủ tục rườm rà. Đặc biệt, đó là việc thu thập các tài liệu liên quan đến tai nạn giao thông từ các cơ quan có thẩm quyền như cơ quan Công an.

Theo vị này, trên thực tế khi xảy ra tai nạn, có trường hợp gọi cơ quan chức năng thì được trả lời hai bên nên tự thỏa thuận. Cũng có tình trạng chủ xe báo có tai nạn nhưng người của công ty bảo hiểm không đến ngay…

Luật sư Lê Thị Thương đánh giá, hiện nay một số quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới không còn phù hợp, đồng bộ với hệ thống văn bản pháp luật có liên quan. Ví dụ như, quy định mức trách nhiệm bảo hiểm chưa theo kịp với biến động ngày càng tăng về giá dịch vụ khám, điều trị, chăm sóc y tế cũng như chi phí sửa chữa, thay thế tài sản bị thiệt hại trong các vụ tai nạn do xe cơ giới gây ra; hay những quy định về mẫu giấy chứng nhận bảo hiểm, thời hạn bảo hiểm, hồ sơ bồi thường cũng không còn phù hợp, chưa tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm và chủ xe, lái xe trong việc triển khai thực hiện chủ trương trên; tỷ lệ tham gia bảo hiểm của xe cơ giới chênh lệch đáng kể so với tổng số phương tiện... Bởi vậy, có thể cho rằng, về chính sách và công tác tổ chức, triển khai thực hiện Nghị định 103 và một số quy định hiện hành còn tồn tại vướng mắc.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Đồng quan điểm, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, thời gian qua cũng đã phát sinh nhiều vấn đề tồn tại vướng mắc trong việc mua, sử dụng và hưởng các quyền lợi của loại bảo hiểm này như: có tình trạng làm giả các loại bảo hiểm này để bán cho người sử dụng; khi có tình huống tai nạn giao thông xảy ra thì một số trường hợp thực hiện chế độ quyền lợi bảo hiểm còn nhiều khó khăn, rườm rà dẫn đến quyền lợi của người được hưởng bảo hiểm chưa được đảm bảo đúng mức; nhiều người tham gia giao thông mua loại bảo hiểm này nhưng không biết trình tự thủ tục, chưa nắm rõ quyền lợi của mình để yêu cầu cơ quan bảo hiểm có trách nhiệm thanh toán khi vụ việc tai nạn xảy ra; một số trường hợp bị mất bảo hiểm thì việc xin cấp lại phải xác nhận hoặc thực hiện các thủ tục khác gặp rất nhiều khó khăn, gần như không có cơ hội nhận quyền lợi từ bảo hiểm…

Luật sư Cường cũng nhận định, hiện nay theo quy định thì thời hạn bảo hiểm 01 năm cho tất cả các phương tiện xe cơ giới là khá ngắn nên chưa tạo điều kiện cho việc tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe máy. Trong khi nước ta có mật độ tham gia giao thông cao và số vụ tai nạn giao thông là rất lớn do đó phát sinh trách nhiệm bồi thường khá lớn. Trong khi đó việc xác định lỗi trong một số vụ tai nạn chưa rõ ràng, còn nhiều bất cập. Cũng theo nhiều ý kiến thì mức phí, mức trách nhiệm bảo hiểm thấp và không đủ bù đắp các chi phí khắc phục hậu quả sau tai nạn. Việc giải quyết bồi thường của các doanh nghiệp bảo hiểm còn chậm trễ, hồ sơ phức tạp; không có quy định rõ về phân định lỗi trong giải quyết bồi thường gây khó khăn, mập mờ trong công tác bồi thường…

Bãi bỏ hay sửa cho tốt hơn?

Trên lý thuyết, bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc dành cho chủ xe mô tô đem lại nhiều quyền lợi cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc bồi thường từ bảo hiểm xe máy là việc làm “không tưởng” và cũng chưa thấy ai được “hưởng lợi” từ loại hình này.

Vậy, việc duy trì và xây dựng loại hình bảo hiểm này trở nên thiết thực hơn hay bãi bỏ khi có quá nhiều thủ tục rườm rà… là vấn đề đang được dư luận hết sức quan tâm.

Theo Luật sư Hoàng Tùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, nên xem xét có lộ trình bãi bỏ quy định bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc với mô tô xe máy.

Luật sư Hoàng Tùng.

Luật sư Tùng đưa ra các lập luận để chứng minh cho quan điểm của mình: Thứ nhất, bảo hiểm bắt buộc không phát huy được vai trò, mục đích của việc đảm bảo quyền lợi, khi có tai nạn xảy ra, thì thủ tục bồi thường quá phức tạp và gây khó khăn cho người thụ hưởng. Khi gặp tai nạn giao thông, chủ xe cơ giới phải thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm, tích cực cứu chữa, hạn chế thiệt hại về người và tài sản, bảo vệ hiện trường tai nạn, đồng thời thông báo cho cơ quan Công an hoặc chính quyền địa phương... Chủ xe không được di chuyển, tháo gỡ hoặc sửa chữa tài sản khi chưa có ý kiến chấp thuận của doanh nghiệp bảo hiểm, trừ trường hợp cần thiết để đảm bảo an toàn... Đặc biệt, ngoài bản thông báo tới doanh nghiệp bảo hiểm với hàng loạt thông tin phải kê khai, chủ xe phải hoàn thành, tập hợp đủ tài liệu quy định trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, gồm: giấy phép lái xe, giấy ra viện, hồ sơ bệnh án, hóa đơn sửa chữa, thay thế phụ tùng phương tiện tại cơ sở mà doanh nghiệp bảo hiểm chỉ định..., và phải gửi tới doanh nghiệp bảo hiểm trong thời hạn 05 ngày từ ngày xảy ra tai nạn (trừ trường hợp bất khả kháng). Tất cả các giấy tờ chứng minh đó phải hợp pháp thì mới được cơ quan bảo hiểm tiến hành thanh toán.

Nhưng có rất nhiều trường hợp xảy ra tai nạn chỉ bị xử phạt hành chính, hai bên tự thỏa thuận giải quyết bồi thường cho nhau thì hồ sơ này thì người thụ hưởng phải tự đi chứng minh, đi thu thập chứng cứ. Điều này gây trở ngại rất lớn.

Thứ hai, việc tổng kiểm tra phương tiện chủ yếu tập trung vào các đối tượng sử dụng xe không đúng quy định, xe gian và nhằm mục đích tăng cường đảm bảo an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, việc đảm bảo an toàn giao thông đường bộ vẫn luôn được thực hiện thường xuyên thông qua việc lập chốt kiểm tra, tuần tra vì thế việc tổng kiểm tra này nếu không cẩn thận sẽ thành kỳ bội thu của bảo hiểm. Việc tổng kiểm tra không phải là để xem xét phương tiện này có đem bảo hiểm hay không?. Bởi, bảo hiểm là tính đến giá trị xã hội, giá trị bù đắp đối với sự kiện rủi ro xảy ra để phòng trừ rủi ro. Thực tế, các chủ phương tiện mua bảo hiểm chỉ để chống chế, tránh bị phạt chứ không phải vì mục đích xã hội.

Thứ ba, thực tiễn khi có va chạm, tai nạn xảy ra thì các bên thường sử dụng biện pháp tự thỏa thuận hoặc sử dụng các phán quyết của tòa án để thực hiện trách nhiệm bồi thường của mình. Bởi trách nhiệm bồi thường của các cá nhân khi điều khiển xe máy, phương tiện cơ giới khi gây ra tai nạn luôn được đặt ra. Việc nhanh chóng khắc phục với bên bị nạn được xem là căn cứ để xem xét giảm nhẹ trách nhiệm đối với pháp luật. Vì thế, nếu đợi bảo hiểm trong mòn mỏi, vất vả để được chi trả là một điều bất lợi, khó khăn đối với người dân.

"Thay vì để tồn đọng nhiều nguy cơ dẫn đến sai phạm, trục lợi bảo hiểm và gây khó khăn cho người dân thì không nên bắt buộc người dân mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự", Luật sư Tùng nói.

Luật sư Lê Thị Thương đưa ra quan điểm, trong dự thảo sắp tới nên tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong việc bán bảo hiểm, cấp giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử là điều cần thiết nên làm. Bên cạnh đó, mức phí bảo hiểm sẽ đảm bảo tương ứng với rủi ro của xe cơ giới, chủ xe và người lái xe cũng như tăng mức trách nhiệm bảo hiểm cơ bản phù hợp với chi phí thực tế về giá dịch vụ khám, điều trị, chăm sóc y tế và chi phí khắc phục thiệt hại đối với tài sản.

Luật sư Lê Thị Thương.

Ngoài ra, quy định mới nên linh hoạt hơn về thời hạn bảo hiểm, theo hướng cho phép giao kết hợp đồng bảo hiểm có thời hạn dài hơn 1 năm đối với các loại xe mô tô, xe máy sẽ thúc đẩy việc triển khai bảo hiểm. Bên cạnh đó, tăng mức bồi thường trong trường hợp lỗi hoàn toàn thuộc về bên thứ ba.

Việc quy định rõ doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện tạm ứng bồi thường thiệt hại về thân thể, tính mạng trong các vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng - làm chết người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của ít nhất một người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên bảo đảm việc tạm ứng bồi thường được triển khai thuận lợi trong thực tiễn, bảo đảm nạn nhân tai nạn có thể tiếp cận nhanh chóng nguồn lực tài chính, kịp thời chữa trị, chi trả chi phí y tế...

Để việc thực hiện bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với chủ xe cơ giới đạt hiệu quả hơn nữa nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân, Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng các lực lượng chức năng cần hoàn thiện hơn nữa các văn bản quy phạm pháp luật nhằm đơn giản hóa nhiều thủ tục bồi thường, rút ngắn được thời gian giải quyết bồi thường, mức tiền được giải quyết bồi thường thương tật để giúp cho cả doanh nghiệp bảo hiểm, chủ xe cơ giới và nạn nhân thực hiện được dễ dàng hơn.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền đến toàn thể người dân, nhất là các chủ phương tiện thấy được nghĩa vụ phải mua bảo hiểm theo quy định của pháp luật và quyền lợi của mình khi tham gia bảo hiểm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bảo hiểm cần nâng cao hơn nữa chất lượng, dịch vụ bảo hiểm nhằm thỏa mãn tốt nhất mọi nhu cầu của khách hàng; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng  trong quá trình giải quyết bồi thường bảo hiểm, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia bảo hiểm.

LÊ MINH

/cuc-truong-cuc-thads-lo-clip-nong-xu-ly-hanh-vi-vi-pham-phap-luat-ca-3-truong-hop-lien-quan.html