Em gái Chủ tịch Kim Jong-un dọa hủy thỏa thuận quân sự với Hàn Quốc, Mỹ cấm chuyến bay thương mại Trung Quốc từ 16/6

03/06/2020 21:20 | 3 năm trước

(LSO) - Quan chức cấp cao Triều Tiên dọa hủy thỏa thuận quân sự vì Hàn Quốc để người Triều Tiên đào tẩu gửi truyền đơn về nước. Tại Mỹ, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump ngày 3/6 thông báo sẽ cấm các chuyến bay thương mại Trung Quốc tới Mỹ từ 16/6, nhằm gây áp lực buộc Bắc Kinh cho phép các hãng bay Mỹ nối lại hoạt động.

Em gái Chủ tịch Kim Jong-un dọa hủy thỏa thuận quân sự với Hàn Quốc

Bà Kim Yo-jong hiện là phó trưởng ban thứ nhất của Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên. Ảnh: Internet

Hãng Yonhap ngày 4/6 đưa tin, Phó trưởng ban thứ nhất của Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên Kim Yo-jong vừa đưa ra tuyên bố dọa sẽ hủy thỏa thuận về giảm căng thẳng quân sự với Hàn Quốc và ngưng các dự án trao đổi quan trọng song phương.

Bà Kim, em gái Chủ tịch Kim Jong-un của CHDCND Triều Tiên, tuyên bố sẽ đưa ra các quyết định nếu Hàn Quốc không chấm dứt việc để những người Triều Tiên đào tẩu gửi về nước truyền đơn chống Bình Nhưỡng.

Quan chức này nhấn mạnh rằng thiện chí và hòa giải không bao giờ đi cùng những hành động thù địch.

“Giới chức Hàn Quốc sẽ buộc phải trả một giá đắt nếu để tình trạng này tiếp diễn trong khi tìm lý do biện minh”, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn thông cáo của bà Kim nêu rõ.

Theo thông cáo, nếu không hành động, Hàn Quốc sẽ phải “sẵn sàng cho khả năng rút hoàn toàn khỏi khu công nghiệp Kaesong, hiện bị bỏ hoan sau việc dừng du lịch đến núi Kumgang, hoặc đóng cửa văn phòng liên lạc liên Triều mà sự tồn tại chỉ gây thêm rắc rối, hoặc hủy thỏa thuận nam-bắc trong lĩnh vực quân sự vốn không có mấy giá trị”.

Bà Kim nhắc lại thỏa thuận tại cuộc gặp thượng đỉnh năm 2018 và thỏa thuận quân sự nhằm dừng mọi hành động thù địch và gây căng thẳng, và việc gửi truyền đơn chống Triều Tiên đi ngược lại các thỏa thuận này.

Trong tuần qua, khoảng 500.000 truyền đơn dược những người Triều Tiên đào tẩu gửi về nước bằng bong bóng với nội dung chỉ trích lãnh đạo nước này đe dọa tiến hành “hành động thực sự gây sốc với vũ khí hạt nhân chiến lược mới”.

Theo Yonhap, chính phủ Hàn Quốc luôn khuyến cáo không gửi truyền đơn như thế, đồng thời lo ngại cho sự an toàn của người dân địa phương nơi xuất phát của truyền đơn vì Triều Tiên có thể có hành động quân sự đáp trả.

Tuy nhiên, những nhóm người Triều Tiên đào tẩu thường phớt lờ khuyến cáo và nói rằng họ có quyền tự do thể hiện ý kiến. Theo luật tại Hàn Quốc, cơ quan chức năng không thể cấm những chiến dịch tuyên truyền kiểu này.

Mỹ cấm chuyến bay thương mại Trung Quốc từ 16/6

Theo Hãng tin Reuters, Bộ Giao thông vận tải Mỹ ngày 3/6 đã công bố quyết định nhằm trừng phạt Trung Quốc sau khi nước này không thực hiện một thỏa thuận đã có về các chuyến bay giữa hai nước. Ảnh: Internet

Theo Hãng tin Reuters, Bộ Giao thông vận tải Mỹ ngày 3/6 đã công bố quyết định nhằm trừng phạt Trung Quốc sau khi nước này không thực hiện một thỏa thuận đã có về các chuyến bay giữa hai nước.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã xấu đi nhiều trong những tháng qua, căng thẳng gia tăng trong đại dịch Covid-19.

Quyết định này có hiệu lực từ 16/6, áp dụng với các hãng bay Air China, China Eastern Airlines Corp, China Southern Airlines Co và Hainan Airlines Holding Co. của Trung Quốc.

Các hãng bay Delta Airlines và United Airlines của Mỹ trong tháng này đều đã yêu cầu nối lại các chuyến bay tới Trung Quốc, trong khi các hãng bay Trung Quốc vẫn tiếp tục có hoạt động, dù là hạn chế, tới Mỹ ngay trong đại dịch Covid-19.

Trong thông cáo phát đi ngày 3/6, Hãng bay Delta cho biết họ "ủng hộ và đánh giá cao các hành động của Chính phủ Mỹ trong việc bảo vệ quyền lợi và đảm bảo công bằng" cho họ. Hãng United chưa bình luận về sự việc.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cũng chưa phản hồi yêu cầu bình luận của Hãng tin Reuters trước thông tin này.

Trước đó, ngày 22/5, chính quyền của Tổng thống Trump cáo buộc Chính phủ Trung Quốc đã khiến các hãng bay Mỹ không thể nối lại hoạt động đến Trung Quốc, đồng thời cũng lệnh cho 4 hãng bay Trung Quốc phải nộp lên Chính phủ Mỹ kế hoạch các chuyến bay của họ.

Các hãng bay Trung Quốc hiện vẫn đang có hơn một chuyến bay được lên lịch một tuần tới Mỹ, nhưng ngoài ra còn có một số lượng đáng kể các chuyến bay thuê, thường là để đưa du học sinh Trung Quốc về nước.

Chính quyền của ông Trump cũng đang muốn giảm bớt số lượng các chuyến bay thuê này khi một số quan chức chính phủ cho rằng những chuyến bay đã bị lợi dụng để lách quy định hạn chế bay của Chính phủ Trung Quốc.

LÂM HOÀNG (t/h)

/tong-thong-nga-ky-sac-lenh-cho-dung-vu-khi-hat-nhan-dap-tra-4-kich-ban-my-chuan-bi-thu-nghiem-bom-pha-boong-ke-hang-nang.html