(LSVN) - Liên minh châu Âu (EU) đang tăng cường thu hút lực lượng lao động có trình độ cao bằng cách nới lỏng những quy định trong việc cấp Thẻ Xanh EU cho những chuyên gia nước ngoài đủ điều kiện sinh sống và làm việc ở liên minh này.
Cờ EU bên ngoài trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN.
Theo những sửa đổi được Nghị viện châu Âu (EP) thông qua ngày 15/9, những người có Thẻ Xanh hiện nay chỉ cần cam kết làm việc tại EU ít nhất 6 tháng thay vì một năm như trước đây. Mức lương cho một vị trí được đề nghị cũng đã hạ xuống mức trung bình mà một chuyên gia ở vai trò này có thể kiếm được ở quốc gia thành viên EU. Trước đó, yêu cầu mức lương được đề nghị của người lao động phải cao, ít nhất gấp 1,5 lần mức lương trung bình của quốc gia đến làm việc.
Bên cạnh đó, quy định cho phép người có Thẻ Xanh được chuyển từ một quốc gia EU này sang quốc gia khác trong liên minh sau 12 tháng làm việc cũng đã được nới lỏng. Theo đó, các thành viên gia đình họ cũng có thể xin việc làm.
Ủy viên phụ trách các vấn đề nội vụ của EU, bà Ylva Johansson cho rằng với những sửa đổi này, EU hoan nghênh những lao động có trình độ cao mà liên minh đang cần. Theo bà, động thái này của EU nhằm thu hút lực lượng lao động chất lượng cao sau khi bị tụt lại phía sau trong “cuộc đua toàn cầu” về lĩnh vực này, sau Mỹ, Australia và New Zealand.
EU ban hành Thẻ Xanh vào năm 2009 và được áp dụng tại 25 trong số 27 quốc gia thành viên EU. Vì Đan Mạch và Ireland có các quy định riêng về việc thuê lao động có trình độ cao, nên Thẻ Xanh EU không áp dụng ở hai quốc gia này. Theo quy định, những người lao động có trình độ cao trong các ngành nghề như luật sư, bác sĩ, doanh nhân, nhà báo, kỹ thuật viên, kỹ sư và chuyên gia công nghệ thông tin, có thể xin cấp Thẻ Xanh EU.
Theo số liệu vào năm 2019, EU đã cấp 36.800 Thẻ Xanh. Đức là nước cấp nhiều Thẻ Xanh nhất với hơn 3/4 tổng số thẻ trên, sau đó đến Ba Lan và Pháp. Người Ấn Độ được cấp nhiều Thẻ Xanh nhất, chiếm 9.400 thẻ phát ra năm 2019, sau đó là Nga với 2.600 người.
TRẦN QUYÊN/TTXVN