Giám sát hay can thiệp?

01/07/2020 16:27 | 3 năm trước

(LSO) - Việc ông Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai có những động thái can thiệp vào hoạt động tố tụng của các cơ quan tư pháp tỉnh này sắp có hồi kết khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương có kế hoạch làm việc 4 ngày tại Gia Lai nhằm làm rõ vụ việc này.

Đây là một vụ án dân sự, một công ty trên địa bàn kiện một ngân hàng ra tòa vì tài sản thế chấp là kho sắn lát trị giá 82 tỉ đồng bị cháy. Tòa án thành phố Pleiku xử sơ thẩm đã buộc ngân hàng phải bồi thường 115 tỉ đồng. Ngân hàng này có đơn phản ánh về vụ án này tới HĐND tỉnh.

Căn cứ vào đó, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh gửi công văn yêu cầu Tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cung cấp hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên và Chủ tọa phiên tòa sơ thẩm giải trình, Thẩm phán và Kiểm sát viên cấp phúc thẩm báo cáo quan điểm giải quyết vụ án. Sau khi có động thái này, TAND tỉnh Gia Lai đã hủy án sơ thẩm, yêu cầu xét xử lại từ đầu.

Ảnh minh họa.

Trả lời báo chí, người ký công văn này biện minh là ông chỉ làm theo quy chế, tức thực hiện chức năng giám sát của HĐND đã được quy định trong các văn bản pháp quy của cơ quan này.

Tuy nhiên, có thể thấy ngay rằng đây là động thái can thiệp quá sâu vào hoạt động tố tụng của các cơ quan tư pháp về một vụ việc cụ thể mà nguyên tắc là không tổ chức, cá nhân nào được làm. Còn hoạt động giám sát thì khác, các cơ quan tư pháp có trách nhiệm báo cáo tình hình hoạt động của mình trong phiên họp HĐND và nghe ý kiến phản hồi của đại biểu.

Đó là theo định kỳ, còn thường xuyên việc giám sát diễn ra theo kế hoạch lập đoàn kiểm tra, giám sát hoặc có giải quyết theo các đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực này mà kết quả thường là đề nghị các cơ quan tư pháp xem xét, giải quyết đúng pháp luật. Yêu cầu cơ quan tư pháp và người tiến hành tố tụng phải "giải trình", "báo cáo quan điểm giải quyết" thì quả là một sự lạm quyền và vi phạm nguyên tắc bảo đảm các hoạt động tố tụng được quy định trong các bộ luật hiện hành.

Nếu hoạt động giám sát kịp thời và toàn diện hẳn sẽ không để xảy ra các vụ việc thương tâm, đương sự bị đẩy vào bước đường cùng, không biết kêu ai, gõ cửa nào để minh oan cho mình mà có những hành động quẫn trí như nhảy lầu, tự thiêu hay rạch bụng, uống thuốc độc,...

Hoạt động giám sát chặt chẽ cũng sẽ giảm thiểu đi tình trạng ra các bản án trái pháp luật hay làm sai lệch hồ sơ vụ án (những tội danh hình sự), góp phần xây dựng đội ngũ những người tiến hành tố tụng có phẩm chất đạo đức trong sáng và nghiêm túc tuân thủ pháp luật.

Còn can thiệp vào hoạt động tố tụng dưới danh nghĩa giám sát thì đó là một biểu hiện lạm quyền và vi phạm pháp luật, phải bị xử lý!

NHỊ NGỌC

/dua-tien-cho-doan-thanh-tra-bo-xay-dung-o-vinh-phuc-co-bi-xem-la-hanh-vi-dua-hoi-lo.html