(LSVN) - Đại dịch Covid-19 tại Việt Nam đã và đang diễn biến rất phức tạp, để ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh, các cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành các Chỉ thị, văn bản nhằm giới hạn một số hoạt động của công dân cũng như điều chỉnh phương án hoạt động của các doanh nghiệp. Qua quá trình áp dụng trên thực tế nhận thấy, nhiều văn bản có những nội dung khá bất cập, ảnh hưởng đến hoạt động của các cá nhân cũng như các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích về những bất cập trong việc cấp giấy đi đường và sự ảnh hưởng đến hoạt động hành nghề Luật sư tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh – thành phố đông dân nhất cả nước và cũng là nơi có tỉ lệ người mắc bệnh cao nhất.
Ảnh minh họa.
Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Thực tế, khi dịch bệnh xảy ra thì quyền công dân đã bị hạn chế bởi các văn bản dưới luật về giãn cách xã hội, công dân, trong đó bao gồm cả Luật sư đều bị hạn chế việc đi lại.
Trong đợt bùng phát dịch Covid -19 lần thứ tư tại Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh hiện đang áp dụng việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết. Đồng thời, UBND TP. Hồ Chí Minh và các cơ quan chuyên môn thuộc quyền đã ban hành các văn bản để thể hiện chi tiết việc áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg phù hợp với đặc thù, diễn biến dịch bệnh trên địa bàn. Tuy nhiên, việc áp dụng trên thực tế còn nhiều vướng mắc, nổi bật là những bất cập trong việc xác định các đối tượng được phép hoạt động trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg và quy định về cấp giấy đi đường tương ứng.
Theo các văn bản chỉ đạo mới nhất của UBND TP. Hồ Chí Minh về công tác phòng chống dịch Covid-19 thì tổ chức hành nghề Luật sư không thuộc nhóm đối tượng được hoạt động. Tuy nhiên, tại Công văn số 2601/VPCP-KGVX ngày 30/4/2020 của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã xác định rõ Luật sư là nhóm đối tượng được tiếp tục hoạt động để bảo đảm các dịch vụ pháp lý trong thời gian giãn cách xã hội.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Công văn số 1221/BTP-PLHSHC ngày 03/4/2020 đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các tổ chức hành nghề công chứng, Luật sư được tiếp tục hoạt động. Ngoài ra, không có bất kỳ văn bản nào giới hạn quyền đi lại của Luật sư nói riêng và tổ chức hành nghề Luật sư nói chung. Như vậy, việc UBND TP. Hồ Chí Minh không cho phép Luật sư thuộc nhóm đối tượng hoạt động trong thời gian áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg là không đảm bảo tính thống nhất đối với Công văn số 2601/VPCP.
Trước bất cập này, ngày 09/9/2021, Liên đoàn Luật sư Việt Nam ban hành Văn bản số 270/LĐLSVN về việc kiến nghị Luật sư thuộc nhóm đối tượng thực hiện dịch vụ thiết yếu của xã hội trong phòng chống dịch Covid-19 gửi Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương để kiến nghị xác định Luật sư thuộc nhóm đối tượng thực hiện dịch vụ thiết yếu của xã hội trong phòng chống dịch Covid 19. Trong văn bản này có nêu rõ về việc đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương xét nhóm hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý, tham gia tố tụng và trợ giúp pháp lý vào nhóm những dịch vụ thiết yếu trong điều kiện phòng chống dịch Covid 19; kiến nghị đưa Luật sư, người lao động trong các tổ chức hành nghề Luật sư vào nhóm được sử dụng giấy đi đường do tổ chức hành nghề Luật sư duyệt để được phép di chuyển trên đường nhằm cung cấp dịch vụ pháp lý, tư vấn cho các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân đáp ứng yêu cầu hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan quản lý Nhà nước.
Trước đó, ngày 31/8/2021, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cũng đã ban hành Công văn số 61-CV/ĐLS về đề nghị cấp Giấy đi đường cho Luật sư tham gia bào chữa chỉ định. Sau khi nhận được Công văn, Công an TP. Hồ Chí Minh đã ra Văn bản số 3492/CATP-PV01 về việc giải quyết đề nghị cấp giấy đi đường cho Luật sư di chuyển trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Theo đó, để đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Công an TP. Hồ Chí Minh giải quyết như sau:
- Giải quyết lưu thông qua các chốt, trạm kiểm soát trong nội ô TP. Hồ Chí Minh trong thời gian giãn cách xã hội cho các Luật sư tham gia tố tụng khi có thông báo yêu cầu, giấy triệu tập của các cơ quan tiến hành tố tụng.
- Khi lưu thông phải đủ có các yếu tố nhận diện: thẻ Luật sư; có Thông báo/giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng (tên trên thông báo/giấy triệu tập trùng với tên trên thẻ Luật sư); thực hiện khai bảo y tế qua ứng dụng VNEID hoặc qua địa chỉ Website http://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn, cung cấp mã QRcode khi đi qua các chốt, trạm kiểm soát.
- Thời gian di chuyển phù hợp với thời gian làm việc theo thông báo/giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng và chấp hành các quy định về phòng, chống dịch của ngành y tế.
Như vậy, có thể thấy Công an TP. Hồ Chí Minh chỉ cho phép Luật sư ra đường khi có thông báo yêu cầu, giấy triệu tập của các cơ quan tiến hành tố tụng. Câu hỏi đặt ra là việc nhận thông báo, giấy triệu tập từ các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ như thế nào, nếu trong trường hợp Luật sư đang ở nhà và phải đi đến công ty, văn phòng để nhận các thông báo, giấy triệu tập này?
Ngoài ra, việc hạn chế hoạt động của Luật sư như trên xét dưới một khía cạnh nào đó lại là sự cản trở cho việc hành nghề của Luật sư vì thực tế để cho buổi làm việc của Luật sư tại cơ quan tiến hành tố tụng theo thông báo yêu cầu, giấy triệu tập được hiệu quả thì trước đó Luật sư cũng phải tiến hành việc liên hệ với cơ quan tiến hành tố tụng để sao chụp, nghiên cứu hồ sơ vụ án, liên hệ các cá nhân, tổ chức để xác minh, thu thập chứng cứ, tài liệu... Nếu không được thực hiện những công việc này thì việc hoạt động của Luật sư tại buổi làm việc với cơ quan tiến hành tố tụng theo thông báo yêu cầu, giấy triệu tập khó lòng đạt được hiệu quả như mong muốn. Chưa kể, hoạt động của Luật sư không chỉ bó hẹp trong phạm vi là người bào chữa, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp trong một vụ án mà còn mở rộng ra dưới nhiều hình thức khác như: Tư vấn pháp luật cho tổ chức, cá nhân; đại diện theo ủy quyền, thực hiện dịch vụ pháp lý khác; trường hợp Luật sư cư trú, làm việc tại TP. Hồ Chí Minh nhưng đang tham gia giải quyết các vụ việc ngoài địa bàn TP. Hồ Chí Minh;… những trường hợp này đều không thuộc trường hợp được ra đường của Luật sư. Tất cả những vướng mắc, bất cập này đều chưa được giải quyết thỏa đáng trong văn bản số 3492/CATP-PV01 của Công an TP. Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, vì Luật sư thuộc nhóm đối tượng được hoạt động theo Chỉ thị số 16/CT-TTg nên việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho Luật sư cũng cần được ưu tiên giải quyết. Trên thực tế, qua nhiều lần Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kiến nghị nhưng việc ưu tiên giải quyết tiêm vaccine cho Luật sư vẫn còn nhiều bất cập, chậm trễ.
Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Tiến Mạnh, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hồng Long, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh.
Việc cấp giấy đi đường cũng còn nhiều vướng mắc, khó áp dụng. Các quy định về cấp giấy đi đường liên tục thay đổi khiến cho các nhóm đối tượng được hoạt động không kịp thực hiện hoặc không thể thực hiện được do bất cập. Để đáp ứng yêu cầu chống dịch bệnh thì rõ ràng cẩn hạn chế một cách tối đa tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn ở các nơi cấp phát, xin giấy đi đường hoặc các chốt trạm kiểm dịch, vừa đảm bảo tuân thủ quy định 5K của nhà nước đưa ra, vừa hạn chế các thủ tục hành chính mà các cá nhân, doanh nghiệp phải thực hiện để có thể được đi lại trong mùa dịch. Vì thế, cần có những biện pháp thay thế việc ban hành Giấy đi đường để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh.
Chẳng hạn như kiểm soát việc di chuyển của người dân thông qua một ứng dụng sẽ hạn chế được việc tụ tập đông người, tránh tình trạng tắc nghẽn giao thông. Ngày 10/9/2021, Công an TP. Hồ Chí Minh đã có Công văn số 3489/CATP-PC06 về việc phối hợp triển khai ứng dụng di động (app mobile) với tên là VNEID để khai báo qua phần mềm di chuyển nội địa phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố, đây cũng là một phương án mang tính khả thi, phù hợp hơn nhiều so với việc cấp Giấy đi đường như trước kia. Tuy nhiên, cũng cần lưu lý khi chuyển hình thức quản lý điều kiện đi đường sang dạng ứng dụng điện tử, phải đảm bảo việc cập nhật thông tin kịp thời, thống nhất sử dụng một ứng dụng duy nhất, đảm đảm việc hoạt động của ứng dụng được ổn định.
TP. Hồ Chí Minh hiện cũng đang xây dựng phương án “Thẻ xanh Covid” làm công cụ thống nhất và chủ yếu để kiểm soát các thành phần dân cư trong quá trình mở của phục hồi kinh tế, thiết nghĩ việc này cần có sự phối hợp thống nhất triển khai không chỉ riêng ở TP. Hồ Chí Minh mà còn ở tất cả các tỉnh thành khác trên phạm vi cả nước vì không thể phục hồi kinh tế mà không có sự giao thương qua lại của dân cư giữa các tỉnh thành với nhau. Riêng đối với hoạt động đặc thù của nghề nghiệp Luật sư là rộng khắp cả nước, vì vậy đòi hỏi đặt ra là cần có một quy chuẩn chung áp dụng cho Luật sư được hoạt động trên phạm vi toàn quốc trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Có thể thấy, trước những khó khăn, vướng mắc nêu trên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp, việc họp bàn, thống nhất và đưa ra những văn bản, quyết định một cách kịp thời nhằm hạn chế sự lây lan, sớm kiểm soát được dịch bệnh là một việc cấp thiết và rất quan trọng. Tuy nhiên, việc ban hành những văn bản, quyết định để quản lý, điều hành cần phải phù hợp với những quy định, văn bản của cấp trên đã ban hành, đồng thời không được trái với các quy định của pháp luật.
Hơn nữa, những văn bản, quyết định được ban hành có ý nghĩa hướng tới việc quản lý, điều hành những lĩnh vực, giải quyết được các vấn đề trên thực tế; chính vì vậy mà tính thực tiễn và mức độ khả thi của các quy định cần được chú trọng và họp bàn, xem xét, lấy ý kiến, tham mưu một cách kỹ lưỡng trước khi chính thức ban hành và có hiệu lực. Ngoài ra, ý nghĩa của hoạt động quản lý nhà nước là nhằm hướng tới mục đích xác lập một trật tự ổn định, phát triển xã hội theo chiều hướng tích cực. Hoạt động quản lý nhà nước cần được tiến hành dựa trên cơ sở Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôn trọng những quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Thạc sĩ, Luật sư NGUYỄN TIẾN MẠNH
Giám đốc Công ty Luật TNHH Hồng Long
Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
Việc cấp giấy đi đường cho Luật sư là phù hợp với quy định của Chính phủ