(LSVN) - "Kính thưa Hội đồng xét xử, bị cáo bị oan, bị cáo không phạm tội theo cáo trạng mà Viện kiểm sát đã quy kết! Tại sao hôm nay bị cáo lại phản cung? Vì sao trước đây trong các biên bản ghi lời khai bị cáo nhận tội? Bị cáo cho rằng mình bị bức cung, nhục hình, vậy có gì chứng minh không?". Nhiều phiên tòa xét xử vụ án hình sự, tình huống trên đã diễn ra và vì không có gì để chứng minh cho việc bản thân mình từng bị bức cung, nhục hình dẫn đến thừa nhận tội phạm trong bản khai tại cơ quan điều tra nên bị cáo vẫn bị xét xử, tuyên án, thi hành hành án.
Ảnh minh họa.
Nhìn lại lịch sử tố tụng hình sự Việt Nam đã qua, có nhiều vụ án oan chấn động mà hậu quả của nó gây thương tổn, thiệt hại vô cùng cho cả phía bị cáo và phía cơ quan tiến hành tố tụng. Chúng ta cần nhìn thẳng vào thực trạng hoạt động tư pháp nước nhà, mà cụ thể là hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng đối với các vụ án hình sự, để từ đó tìm giải pháp hạn chế tối đa những oan sai, bảo vệ tốt hơn nữa quyền con người, quyền công dân.
Nước ta có hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh để xác định quyền con người, quyền nhân thân và những quyền khác áp dụng đối với bị can, bị cáo trong quá trình bị khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử. Nhưng vẫn có tình trạng phản cung tại các phiên tòa. Việc bức cung, nhục hình trên thực tế có diễn ra hay không? Đâu là căn cứ để xác định có hay không vấn đề bức cung, nhục hình gây nên những vấn đề oan sai cho các bị can, bị cáo trong suốt thời gian vừa qua, giải pháp là đâu? Có thể nhìn thấy được một số nguyên nhân cơ bản sau đây:
Thứ nhất, đối với cơ quan điều tra - nơi khởi phát của quá trình tố tụng
Hiện nay, trình độ chuyên môn, kiến thức pháp luật và kinh nghiệm của cán bộ điều tra, điều tra viên ở một số cơ quan, đơn vị chưa đồng đều. Việc nhận thức pháp luật, nhận thức hành vi khách quan của các chủ thể để áp hành vi của các chủ thể đó vào tội danh cụ thể trong Bộ luật Hình sự còn nhiều sơ hở, sai sót. Một vài nơi, cán bộ còn nôn nóng, chủ quan, thiếu bình tĩnh, không tập trung vào các chứng cứ, tình tiết mấu chốt của vụ án. Có sự áp đặt của các cán bộ điều tra, điều tra viên lên các bản khai, bản cung, các biên bản tố tụng khác có liên quan với ý chí buộc tội, thiếu tôn trọng sự thật khách quan của vụ án.
Trong giai đoạn điều tra, việc hỏi, trình bày, ghi vào biên bản còn nhiều lỗ hổng. Cụ thể, việc người bị bắt, bị can trình bày được ghi lại theo ý chí chủ quan của cán bộ. Kết thúc buổi làm việc, mặc dù người bị bắt, bị can có đọc lại biên bản làm việc, tuy nhiên, do hạn chế về trình độ, kiến thức, ngôn ngữ pháp luật cộng thêm tâm lý hoang man, thiếu bình tĩnh của người bị bắt, bị can dẫn đến người bị bắt, bị can có đọc lại nhưng cũng không hiểu hoặc có thấy những điểm còn chưa phù hợp với lời trình bày của mình cũng không dám yêu cầu cán bộ chỉnh sửa lại cho đúng.
Bên cạnh đó, việc đăng ký thủ tục bào chữa của Luật sư tại một số đơn vị, địa phương còn bị gây khó khăn dẫn đến chậm trễ trong việc tham gia các buổi làm việc, lấy lời khai, hỏi cung giai đoạn ban đầu. Từ đó, chưa giúp được người bị bắt, bị can ổn định tinh thần, bình tĩnh trong việc trình bày với cơ quan chức năng. Đã có phiên tòa tuyên án tử hình đối với bị cáo nhưng chỉ dùng lời khai nhận tội của bị can để làm căn cứ duy nhất buộc tội. Kể cả tại phiên tòa, bị cáo kêu oan, hội đồng xét xử cũng không xem xét. Kết thúc vụ án mà cơ quan tố tụng không có một chứng cứ trực tiếp nào để chứng minh tội phạm. Đây là một tiền lệ cực kỳ nguy hiểm cho lịch sử tố tụng hình sự nước ta.
Thứ hai, viện kiểm sát đồng thời thực hiện hai chức năng là thực hành quyền công tố và là cơ quan kiểm sát hoạt động tư pháp; bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân
Viện kiểm sát là cơ quan phê chuẩn các quyết định tố tụng của cơ quan điều tra cùng cấp. Như vậy, có chăng về cơ bản đã có sự thống nhất về ý chí của viện kiểm sát đối với các thủ tục tố tụng đó. Tức là, viện kiểm sát về cơ bản đã thống nhất quan điểm việc cơ quan điều tra thực hiện việc tố tụng đó là đúng trình tự, đúng pháp luật. Việc đồng hành, thống nhất về ý chí ngay từ giai đoạn khởi đầu của quá trình tố tụng như thế sẽ rất khó để viện kiểm sát có được tư duy phản biện, để nhìn nhận và thực hiện tốt được chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp và bảo hiến.
Thứ ba, tòa án là cơ quan nhân danh Nhà nước để thực hiện quyền năng xét xử, ra phán quyết về hình phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật hình sự
Nguyên tắc cơ bản của tòa án là độc lập xét xử, chỉ tuân theo pháp luật. Tuy nhiên, thực tế thì cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án thường được gọi chung tên là cơ quan tiến hành tố tụng. Chính cách gọi này đã vô hình chung gom 3 cơ quan về một phía trong quá trình tố tụng. Thời gian gần đây, có nhiều ý kiến cho rằng cần quan tâm, tạo điều kiện để các thẩm phán được độc lập hơn nữa trong quá trình xét xử. Pháp luật quy định thẩm phán là phải độc lập trong xét xử. Hiện nay, cơ chế mở để thẩm phán có thể độc lập là rất khó, bởi nhiệm kỳ, bởi sự phân công đơn vị công tác của thẩm phán, mối quan hệ trong các cơ quan hành chính…
Tóm lại, cần quan tâm triển khai quyết liệt hơn nữa công tác phòng chống oan sai trong hoạt động tư pháp, bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong công tác cải cách tư pháp thông qua việc thực hiện nghiêm Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, cụ thể và quan trọng là khoản 6 Điều 183 Bộ luật này và Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP ngày 01/02/2018 hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử (Thông tư liên tịch 03/2018).
Thông tư liên tịch 03/2018 nói trên đã được ban hành gần 4 năm, nhưng cho đến nay rất nhiều địa phương chưa triển khai thực hiện hoặc thực hiện chỉ nhằm việc hợp thức hóa thủ tục, hồ sơ (sau khi hoàn thành các bản khai, bản cung, đến bản cung cuối cùng mới thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh). Việc này tạo nghi ngờ về tính minh bạch, khách quan của các đoạn ghi âm, ghi hình có âm thanh đó.
Bên cạnh thực hiện quyền công tố tại phiên tòa, cần đề cao hơn nữa chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của viện kiểm sát. Đặt nặng hơn nữa trách nhiệm của viện kiểm sát trong việc triển khai thực hiện Thông tư liên tịch 03/2018 nói trên. Bảo đảm rằng tất cả những buổi hỏi cung, ghi lời khai, xét xử phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo quy định. Để các bản khai, bản cung thật sự vô tư, khách quan, đúng với ý chí chủ quan của bị can, người bị bắt khi họ trình bày. Không để tình trạng bức cung, nhục hình diễn ra trong giai đoạn điều tra, không để oan sai cho người bị bắt, bị can.
Chính vì vậy, cần có giải pháp tốt hơn nữa để các thẩm phán có điều kiện thoát được các cơ chế đã ràng buộc, gây khó khăn hoặc vô tình làm cản trở tính độc lập chỉ tuân theo pháp luật trong xét xử của thẩm phán.
Luật sư HOÀNG KIÊN
Đoàn Luật sư TP. Cần Thơ